08/11/2024 lúc 23:08 (GMT+7)
Breaking News

Logistics Việt Nam: Bước tiến dài, khó khăn còn lớn trong hội nhập

VNHN-Với tốc độ phát triển và hội nhập nhanh chóng, Logistics Việt Nam đã lần đầu tiên được xếp vào Top 10 các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, đối mặt với khó khăn; nguy cơ tụt hậu so với các nước vẫn rất lớn...

VNHN-Với tốc độ phát triển và hội nhập nhanh chóng, Logistics Việt Nam đã lần đầu tiên được xếp vào Top 10 các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, đối mặt với khó khăn; nguy cơ tụt hậu so với các nước vẫn rất lớn...

Hành trình hội nhập và những dấu ấn

Trong những năm qua, logistic luôn được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Những định hướng, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước đã giúp hạ tầng logistics được cải thiện đáng kể, ngành logistics nước ta phát triển và hội nhập nhanh chóng. Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh đến việc “xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế”. Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình dự án nhằm đẩy mạnh phát triển logistics nước nhà hội nhập và phát triển.

Nhờ các quyết sách nêu trên, quy mô và năng lực của ngành logistics Việt Nam được cải thiện: Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế”, nhiều chuyên gia cho rằng quy mô thị trường logistics của Việt Nam đạt 42,9 tỷ USD, chiếm 0,5% thị trường logistics toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 12 - 14% và đóng góp khoảng 3 - 4% cho GDP của cả nước, nhưng chi phí logistics tương đương GDP khoảng 16% - 17% của cả nước (khoảng 39,6 tỷ USD năm 2017).

Hiện nay, thị trường logistics ở nước ta đang có xu hướng mở rộng và hòa nhập chung với quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định, hiệp ước, công ước và ký kết các thảo thuận hợp tác với các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics khu vực ASEAN và trên thế giới. Hiện có khoảng 52% số công ty của Việt Nam cung cấp dịch vụ logistics sang thị trường Mỹ, khoảng 47% cung cấp dịch vụ sang Liên minh châu Âu (EU), khoảng 63% sang các nước ASEAN, khoảng 57% sang thị trường Nhật Bản, khoảng 49% sang thị trường Trung Quốc và khoảng 43% sang thị trường Hàn Quốc.

Việt Nam đã tích cực trong cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logisctics nói riêng thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính và khả năng hội nhập… đã góp phần nâng cao năng lực và cải thiện mức độ xếp hạng logistics của Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (2018)  trong giai đoạn từ 2012-2018, bình quân thứ hạng logistics Việt Nam đạt ở vị trí 45 so với 160 quốc gia được điều tra.

Tính đến thời điểm 21/3/2019, ngành Logistisc Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước khu vực ASEAN và đứng thứ 4 trên khu vực Biển Đông, chỉ đứng sau Singapor, Thái Lan và Trung Quốc. Theo một báo cáo của Agility (2019), năm 2019 Việt Nam lần đầu tiên được lọt vào Top 10 quốc gia mới nổi có chỉ số xếp hạng logistics cao, nhưng vị trí này vẫn chưa thực sự an toàn vì một số chỉ tiêu còn có sự khác nhau về thứ bậc và còn cạnh tranh thứ hạng với Thái Lan.

Quy mô doanh nghiệp logistics Việt Nam đã tăng nhanh về số lượng: Trong giai đoạn 2012-2018, tốc độ tăng trường bình quân năm về số lượng doanh nghiệp logistics đạt 46,6%/năm, năm 2012 chỉ có 1.200 doanh nghiệp dịch vụ logistics , đến năm 2018 tăng lên khoảng 3.000 doanh nghiệp. Hạ tầng giao thông phục vụ logistics bao gồm đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không từng bước được cải thiện.

Những hạn chế của logistics Việt Nam

Tuy nhiên, dù đạt được những bước tiến lớn như trên, song logistics Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm yếu khá lớn. Trước hết, trình độ phát triển hạ tầng giao thông ở nước ta còn thấp, khả năng kết nối khu vực chưa cao; hoạt động vận tải chưa đa dạng, còn tập trung nhiều vào đường bộ. Tỷ lệ vận chuyển hàng hóa qua đường bộ luôn chiếm khoảng 77,1-77,5%, đường thủy nội địa 17,2-17,3%, đường biển 4,8-5,2%, đường sắt 0,4-0,6% và đường hàng không 0,02%.

Doanh nghiệp logistics phát triển nhanh, nhưng chất lượng và quy mô chưa tương xứng, trong số 3.000 doanh nghiệp, chỉ có 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài và phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ  chủ yếu hoạt động kinh doanh theo phương thức logistics tự cấp (1PL) hoặc bên cung cấp dịch vụ logistics thứ 2 (2PL). Số doanh nghiệp logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ có trên 360 doanh nghiệp, điều đó cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó,

hệ thống trung tâm logistics mới được hình thành và phát triển chưa nhiều, khả năng kết nối chưa cao. Hiện cả nước chỉ có 50 trung tâm logistics tại 08 tỉnh thành phố, trong đó có 8 trung tâm logistics hạng I, 01 trung tâm hạng II, 01 trung tâm hạng III; 38 trung tâm cấp tỉnh, 01 trung tâm chuyên dụng hàng không và 01 trung tâm chưa phân hạng.

Nguồn nhân lực cũng là một hạn chế của logistics Việt Nam. Hiện tại, số lượng chuyên gia logistics được đào tạo chuyên nghiệp còn quá ít so với yêu cầu phát triển . Nhân công còn thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế và chưa theo kịp tiến bộ phát triển của logistics thế giới; chỉ khoảng 4% số nhân lực ngành logistics thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. Hiện cả nước chỉ có 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics.

Một điểm yếu nữa là khung khổ luật pháp, chính sách cho phát triển logistics còn hạn chế. Các quy định về logistics còn chồng chéo  và nhiều quy định hiện hành về logistics chưa phù hợp với quy định của WTO. Các cơ chế quản lý, chính sách liên quan đến phát triển trung tâm logistics đã được ban hành nhưng chưa rõ ràng; dữ liệu thống kê về logistics và trung tâm logistics chưa đồng bộ.

Đầu tư phát triển logistics còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự đồng bộ. Năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa Việt Nam với khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế. Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng một số dịch vụ thấp.

Chính phủ đã xác định các mục tiêu chủ yếu phát triển ngành logistics đến năm 2025 là: tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP của cả nước đạt khoảng 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP…

Để thực hiện mục tiêu nói trên, trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cần rà soát, đánh giá lại các hiệp định, công ước và ký kết các thảo thuận các văn bản hợp tác với các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics khu vực ASEAN, trên thế giới mà Việt Nam đã là thành viên, hoặc đang chuẩn bị ký kết.

Cần nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách huy động các nguôn lực xã hội đầu tư phát triển logistics, đặc biệt xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế gắn với các hành lang kinh tế (tại Cái Mép - Thị Vải, Vũng Áng, Lạch Huyện…), các công trình hạ tầng cảng biển, cảng cạn, cảng đường sắt, cảng hàng không… theo hình thức đối tác công- tư (PPP). Thiết lập cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và khai thác vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong hợp tác phát triển logistics xanh, hình thành mô hình dịch vụ logistics điện tử (E-logistics); hợp tác thương mại, kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN và các nước. Xây dựng hệ sinh thái nhằm tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp công nghệ nhằm đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.

Mặt khác, cần đẩy mạnh kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải biển. Hỗ trợ cả về chính sách và nguồn lực để nghiên cứu và phát triển các phần mềm, các hệ thống thông tin phục vụ lĩnh vực chuỗi giá trị và logistics dựa trên các công nghệ mới như công nghệ blockchain, công nghệ nhận dạng và xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things./.