23/01/2025 lúc 02:24 (GMT+7)
Breaking News

Liên kết nguồn thông tin số không giới hạn

Quá trình phát triển của hoạt động thông tin - thư viện luôn gắn liền với những thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện chuyển dịch sang những sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện số thông minh...

Quá trình phát triển của hoạt động thông tin - thư viện luôn gắn liền với những thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện chuyển dịch sang những sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện số thông minh. Trong bối cảnh tác động của thế giới phẳng dựa trên sự phát triển nền tảng là kết nối, chia sẻ dựa trên dữ liệu lớn, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, xu hướng chuyển đổi số đã rõ nét và là xu hướng tất yếu, đòi hỏi tốc độ chuyển đổi ngày một nhanh hơn.

Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội liên tục phát triển các dịch vụ dựa trên yêu cầu thực tiễn

Phổ biến và tiện ích

Hơn 20 năm qua, quá trình hiện đại hóa các hoạt động dịch vụ thư viện đã đi từ việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu thư mục (phần mềm tư liệu) đơn lẻ, đến việc triển khai trên các phần mềm quản trị thư viện tích hợp, cung cấp dịch vụ mục lục truy cập công cộng trực tuyến trên internet (OPAC) và các dịch vụ thư viện số. Trong đó, dịch vụ thư viện số đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của tất cả các bên: quản trị, vận hành - tác nghiệp và đặc biệt là người dùng thư viện số ở mọi lúc, mọi nơi.

Có thể thấy những lợi ích cụ thể, rõ rệt từ thư viện số và hệ thống thư viện số mang lại như: Thư viện số đã mở rộng phạm vi không gian và thời gian tối đa cho người dùng tin, từ nhóm người dùng tin có tài khoản sử dụng cho tới những người dùng tin tiềm năng (người dùng internet nói chung) biết được sự tồn tại của các nguồn tư liệu số cũng như nội dung và phương thức để tiếp cận đối với các nguồn này. Đồng thời, người dùng tin cũng được cung cấp các công cụ để tự mình tạo ra những sản phẩm, những dịch vụ phái sinh theo yêu cầu cho từng mục đích, từng thời điểm từ thư viện số, cũng như qua số liệu về trắc lượng các tư liệu khoa học, người dùng tin có thêm tiêu chí đánh giá trước khi quyết định có lựa chọn tư liệu hay không.

Đối với nhà quản lý, thư viện số cung cấp các công cụ trắc lượng công trình khoa học giúp cho nhà quản lý cũng như các tác giả của các tư liệu khoa học của mình có thể đánh giá được tần suất và mức độ sử dụng trên mọi phạm vi (ngành, quốc gia, quốc tế).

Đối với người vận hành, quản trị, thư viện số và tiện ích tích hợp tạo môi trường tích hợp chia sẻ liên thông kết quả làm việc, tối ưu hóa quá trình vận hành và phục vụ, dễ dàng thu thập và xử lý thông tin đa chiều để hoàn thiện đáp ứng các nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh và phạm vi bao quát rộng.

Xu hướng kết nối thư viện số

Chính vì những lợi ích nêu trên, việc ứng dụng dịch vụ thư viện số đã và đang mở rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau không nhất thiết chỉ trong phạm vi thuần túy ngành thư viện. Tất cả các ngành, lĩnh vực cần có sự tổ chức, sắp xếp khoa học khối lượng lớn các đối tượng thông tin cũng như việc tiếp nhận các đối tượng thông tin mới sản sinh trong quá trình hoạt động đều cần thiết ứng dụng dịch vụ thư viện số. Ví dụ như, quản trị các bộ sưu tập về hiện vật bảo tàng số trong ngành bảo tàng, quản trị các bộ sưu tập về văn bản số, các bộ sưu tập về hương ước, tư liệu số hóa từ các tư liệu cổ...

Thư viện số với tính chất đặc trưng rõ rệt là khả năng lưu trữ, tìm kiếm và phổ biến, liên kết các nguồn thông tin số không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, khả năng nhân bản các đối tượng thông tin với tốc độ nhanh và phạm vi rộng đã tạo điều kiện để tất cả mọi thành viên trong xã hội có cơ hội tiếp cận thông tin bình đẳng.

Hiện nay, xu hướng kết nối các thư viện số đơn lẻ hình thành những mạng lưới thư viện số theo lĩnh vực, quốc gia và quốc tế cũng đã bắt đầu hình thành, tạo ra những cổng thông tin kết nối thư viện số. Với xu hướng này, sự phát triển của mỗi quốc gia không còn phụ thuộc vào việc sở hữu những tài nguyên truyền thống như trước (tài nguyên khoáng sản, tài nguyên vật chất...) mà nó phụ thuộc vào năng lực “sử dụng” nguồn thông tin và “sở hữu” nguồn thông tin khoa học và công nghệ được tổ chức trong môi trường số mà mạng lưới thư viện số là một thành tố cấu thành quan trọng.

Phạm Quang Quyền - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội