26/04/2024 lúc 20:19 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong quá trình hội nhập

Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực để hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở Lào Cai mà còn đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới.

Xác định nâng cao chất lượng GDNN là yêu cầu cấp thiết, vừa đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu quy hoạch của tỉnh và khu vực. Hiện nay toàn tỉnh có 17 cơ sở GDNN (có 01 trung tâm dạy nghề tư thục), trong đó có 12 cơ sở GDNN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô được cấp phép tuyển sinh 110 mã nghề với 9.430 người/năm; trình độ cao đẳng có 18 mã nghề, trung cấp có 35 mã nghề và sơ cấp có 57 mã nghề. Hầu hết các cơ sở GDNN trong tỉnh đều có liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, đồng thời chủ động tổ chức đào tạo nghề gắn với thị trường lao động.

Đặc biệt, các cơ sở GDNN đã không ngừng đổi mới, phát triển chương trình đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, chuẩn hóa, hiện đại hóa theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ giảng viên trong các cơ sở GDNN tăng nhanh về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ từng bước được nâng lên. Chất lượng và số lượng đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng tuyển sinh tăng đều qua các năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp dạy nghề có việc làm tăng lên. Đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và cầu việc làm của thị trường lao động.

Trường Cao đẳng Lào Cai được lựa chọn để đầu tư 07 nghề trọng điểm cấp quốc tế, ASEAN, quốc gia.

Hơn nữa, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia tích cực vào trong công tác GDNN như: phối hợp liên kết, đặt hàng đào tạo, tuyển dụng học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN vào làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh sau tốt nghiệp. Được biết, thời gian qua Trường Cao đẳng Lào Cai đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp để đưa sinh viên tới đơn vị thực tập nghề, qua đó đã đẩy mạnh khâu gắn kết đào tạo với doanh nghiệp và đào tạo đáp ứng thị trường lao động,... giải pháp này không những giúp Nhà trường nâng cao được vị thế, vai trò đào tạo, thu hút được học viên mà còn giúp người được đào tạo có ngay việc làm phù hợp với năng lực, còn doanh nghiệp có nhân lực không phải đào tạo lại.

Trong giai đoạn 2021-2030, với định hướng đảm bảo phát triển nguồn nhân lực nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã được đặt ra trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ cửa khẩu; trung tâm công nghiệp luyện kim, hóa chất; phát triển nông nghiệp đặc hữu. Phát triển nhân lực của tỉnh phải phù hợp với nhu cầu phát tiển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn. Phát triển nhân lực phải hài hòa về cơ cấu và cân đối theo ngành/lĩnh vực và địa phương. Phát triển nhân lực của tỉnh phải gắn với yêu cầu hội nhập với sự phát triển chung của đất nước, khu vực và quốc tế.

Nâng cao chất lượng đào tạo góp phần bảo đảm đầu ra cho HSSV của nhà trường sau khi tốt nghiệp.

Theo đó, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đào tạo mới; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 58.000 lao động. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%; tỷ lệ qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%. Xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp, quản lý và kết nối thông tin thị trường lao động đi - đến, cung - cầu giữa tỉnh - huyện - xã và các địa phương ngoài tỉnh (theo hướng Chợ lao động - việc làm điện tử). Xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành Trường chất lượng cao trong khu vực phía Bắc, thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên. Ký kết, hợp tác với khoảng 300 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo gắn với thực hành tại doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và bố trí việc làm tại chỗ theo hình thức 4 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông.

Để đạt được mục tiêu trên, Lào Cai cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển GDNN trong bối cảnh mới; đó là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN./.

Diệu Ly