VNHN - Trước hết phải giải quyết chế độ tiền lương thỏa đáng để người giáo viên sống thật bằng nghề và nhà giáo yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp về nghề dạy học. NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội – nhấn mạnh như vậy trong một góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Về lương của giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, có mấy vấn đề: Thứ nhất là quan niệm của chúng ta về lao động của nhà giáo như thế nào để trả lương cho thỏa đáng. Lương cao hơn tất cả thì chắc là khó vì cao nhất cũng chỉ bằng quân đội, công an, nhưng đó là lương xương máu.
Thứ hai là nếu đã coi giáo dục là quốc sách, là điểm tựa để đi đến tương lai, để giải quyết vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết vấn đề nhân lực chất lượng cao... thì phải ưu tiên giải quyết vấn đề lương giáo viên trước.
“Phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể nói chung được” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của học trò, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách. Lao động của thầy giáo không chỉ là trí tuệ mà là lao động bằng chính nhân cách, bằng sự yêu thương, nhạy cảm của họ với con người.
Chia sẻ điều này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, không phải ai cũng trở thành nhà sư phạm được: Chúng ta cứ nghĩ là chỉ cần “nhúng” qua trường sư phạm là thành nhà giáo. Người thầy giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng là họ dẫn dắt học sinh đi đến đâu, tạo cho học sinh động lực gì để học, để sống. Không có động lực thì chỉ là học hình thức, học qua quýt. Chính người thầy đem ngọn lửa nhiệt tình của mình, đem hiểu biết của mình gieo vào tâm hồn trẻ.
Tất cả những cái đó phải được huấn luyện, được đào tạo, chọn lọc. Như vậy không có máy móc nào thay được người thầy. Người ta đã tổng kết rằng, một nền giáo dục không thể vượt được tầm của ông thày. Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa... Chất lượng cao là phải ở chất lượng cao của thầy.
Cái quan trọng là làm thế nào để các trường học được trả lương cho thầy giáo theo hiệu quả lao động thực tế? Đặt ra câu hỏi này, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa quan điểm: Lương hiện nay chỉ xếp theo giờ dạy chuẩn, nhưng công tác giáo dục, ngoại khóa, đoàn đội, chủ nhiệm... cũng phải được trả tiền. Bởi nếu trả tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng. Lao động của người thầy giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương.
“Chúng ta đặt ra yêu cầu đối với giáo viên, rồi yêu cầu họ đi bồi dưỡng. Có thể giáo viên sau 5 năm phải đào tạo 6 tháng. Đảm bảo là chỉ sau 3 năm là có đội ngũ giáo viên giỏi. Nếu trả lương thỏa đáng và được đào tạo lại, giáo viên lại biết yêu cầu của ngành thì họ sẽ thực hiện theo. Còn ai không phấn đấu được, ai không phù hợp với nghề thì giáo viên phải tự điều chỉnh. Sử dụng đãi ngộ và thải loại phải đi với nhau” – TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Hải Bình (ghi)-GD&TĐ