24/12/2024 lúc 09:59 (GMT+7)
Breaking News

Lá cờ đầu trong nghiên cứu chuyên sâu về di truyền - công nghệ sinh học

Trải qua 4 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, Viện Di truyền Nông nghiệp đã trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng di truyền và công nghệ sinh học, phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Viện Di Truyền Nông nghiệp tiền thân là Trung tâm Di truyền Nông nghiệp, được thành lập ngày 22/5/1984. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Viện đã tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học có uy tín, được đào tạo cơ bản để tiến hành các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về di truyền, lai tạo giống và công nghệ sinh học. Qua đó, nhiều sản phẩm khoa học của Viện đã tạo ra bước đột phá và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương đánh giá cao, điển hình là các giống lúa, giống đậu tương, giống hoa… Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực kinh phí và công nghệ, thông qua các Chương trình nghiên cứu quốc gia và hợp tác quốc tế, Viện cũng đã tạo lập được những nền tảng quan trọng về kỹ thuật di truyền, tạo tiền đề phát triển một nền công nghệ sinh học cao trong công tác lai tạo giống cây trồng.

Viện được đầu tư xây dựng hệ thống Nhà lưới An toàn sinh học công nghệ cao, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, thử nghiệm

Năm 2006, Viện được sắp xếp lại tổ chức theo Quyết định số 28/2006/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trở thành đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Đặc điểm cơ bản của Viện là thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai trên bình diện rộng, từ nghiên cứu cơ bản đến phát triển giống, công nghệ và tổ chức triển khai vào sản xuất. 

Năm 2010 là mốc quan trọng đánh dấu sự lớn mạnh vượt bậc trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển khi Viện xây dựng được trụ sở khang trang với cơ sở hạ tầng và điều kiện phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất trong khối các viện thuộc VASS.

Nhờ đó, Viện trở thành đơn vị tiên phong trong việc tiếp cận, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Đội ngũ chuyên gia đã chọn tạo, nhân được nhiều giống cây trồng, nấm ăn và nấm dược liệu có năng suất, chất lượng, chống chịu với sâu bệnh và bất lợi ngoại cảnh; sản xuất các bộ kít chẩn đoán bệnh, các chế phẩm vi sinh phòng bệnh và kích thích sinh trưởng thực vật; giám định cây trồng và sản phẩm biến đổi gien; xác định giống, loài sinh vật bằng sinh học phân tử. 

Từ năm 2018 đến nay, nắm bắt được tự chủ sẽ là xu hướng tất yếu, Viện đã từng bước thích nghi với cơ chế mới, tăng cường phát triển sản phẩm thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết với các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển giao các sản phẩm khoa học cho sản xuất, đảm bảo sự ổn định trong Viện.

Viện trưởng Viện Di Truyền Nông nghiệp Phạm Xuân Hội khẳng định, nghiên cứu cơ bản theo định hướng ứng dụng di truyền và công nghệ sinh học luôn là cốt lõi của các đề tài khoa học. Vì vậy, các kết quả về khoa học công nghệ của Viện có tính kế thừa, liên tục phát triển để cập nhật với thực tế và khẳng định vai trò tiên phong trong các viện nghiên cứu của VAAS và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ở thời đại 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học, Viện tiên phong nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống cây trồng, bắt đầu từ nghiên cứu lập bản đồ phân tử, xác định các chỉ thị phân tử, gien quy định các tính trạng. Đến nay, Viện đã chọn tạo được 11 giống lúa mới năng suất, chất lượng, chống chịu với sâu bệnh và bất lợi ngoại cảnh, mang lại hiệu quả rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Viện đã kết hợp công nghệ chỉ thị phân tử với phép lai truyền thống để tích hợp đa gien kháng bệnh bạc lá, rầy nâu và đạo ôn vào các giống lúa năng suất, chất lượng phổ biến trong sản xuất và chuẩn bị giới thiệu cho sản xuất một số giống lúa mang 4 - 6 gien kháng đa yếu tố. Đây sẽ là bước phát triển mang tính đột phá trong chọn tạo giống lúa ở Việt Nam.

…đến các giống cây trồng “để đời”

Trong quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã công nhận và đưa vào sản xuất 209 giống cây trồng, nấm ăn và nấm dược liệu… Chỉ từ năm 2005 đến nay, Viện đã công nhận 160 giống cây trồng, nấm các loại, trong đó có 77 giống được sản xuất thử, 83 giống công nhận chính thức và công bố lưu hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận xét, nghiên cứu của Viện Di truyền Nông nghiệp được bắt đầu từ trong phòng thí nghiệm đến ngoài đồng ruộng, vì vậy, sản phẩm của Viện rất phong phú, đa dạng. Trong phòng thí nghiệm, Viện luôn tiên phong tiếp cận và ứng dụng kiến thức mới, kỹ thuật mới và công nghệ mới thông qua việc công bố nhiều bài báo đăng trên tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Ngoài đồng ruộng, nhiều giống cây trồng đưa ra sản xuất được đón nhận và đánh giá rất cao.

Giống lúa Khang Dân đột biếnlàm lợi trực tiếp cho 1,5 triệu nông dân mỗi năm

Thực vậy, ở thời điểm nào, Viện cũng có những giống cây trồng “để đời” trong sản xuất, đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Nếu như ở giai đoạn 1984 - 2004, Viện có các giống cây trồng nổi trội như lúa DT10, ngô DT6 và đậu tương DT84 thì ở giai đoạn 2005 - 2024, Viện có các giống cây trồng mang lại nhiều giá trị lợi ích cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tiêu biểu là giống lúa Khang Dân đột biến được công nhận giống từ năm 2009. Chỉ trong vòng 3 năm từ khi chuyển giao cho sản xuất, diện tích giống lúa này đã lên đến trên 400.000 ha/năm và trở thành giống lúa chủ lực ở miền Bắc và miền Trung. Ước tính lợi nhuận do sản xuất giống lúa Khang Dân đột biến mang lại khoảng 268,8 triệu USD, làm lợi trực tiếp cho 1,5 triệu nông dân mỗi năm.

Bên cạnh đó là giống lúa ĐS1, được xếp vào tốp 10 giống lúa tốt nhất tại đồng bằng sông Cửu Long, ước tính đem lại lợi nhuận hằng năm khoảng 2.700 tỷ đồng cho người dân trồng lúa. Giống lúa J02 có năng suất và chất lượng cao, chịu lạnh tốt, đã được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, đem lại lợi nhuận hằng năm 4.020 tỷ đồng.

Giống cam V2 chín muộn, không hạt, năng suất và chất lượng cao được công nhận chính thức năm 2006 và nhanh chóng trở thành giống phổ biến ở nhiều vùng sinh thái trong cả nước, đem lại lợi nhuận hằng năm tăng khoảng 170 tỷ đồng cho người dân trồng cam… Bộ giống sắn kháng khảm lá được lưu hành đúng thời điểm dịch khảm lá sắn bùng phát tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trở vào đã giúp ngành Nông nghiệp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh này. Đến nay, diện tích trồng các giống sắn kháng khảm lá của Viện đã lên đến 1000 ha, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc.

Có thể nói, trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Di truyền Nông nghiệp đã khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống các viện nghiên cứu ở Việt Nam, đã gặt hái được những kết quả to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước. Những đóng góp quan trọng của Viện đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý.

Phương Thanh - Ban TĐKT Trung ương 

...