23/12/2024 lúc 14:55 (GMT+7)
Breaking News

Kỳ vọng Việt Nam có những sức bật riêng

VNHN - Để nền kinh tế có thể bật tăng sau dịch thì ngoài các vấn đề như thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA… thì làm sao hỗ trợ kịp thời để các DN tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện nay là vô cùng cần thiết.

VNHN - Để nền kinh tế có thể bật tăng sau dịch thì ngoài các vấn đề như thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA… thì làm sao hỗ trợ kịp thời để các DN tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện nay là vô cùng cần thiết.

Phối cảnh một góc KKT Vân Đồn

Trong các dự báo gần đây của nhiều tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam được điều chỉnh giảm khá mạnh. Cụ thể, các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, Citibank, Rabobank... nhận định, dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt mức 4,9% đến 5,6% (theo kịch bản cơ sở). Một số tổ chức khác thậm chí còn dự báo tăng ở mức thấp hơn và mức dự báo thấp nhất là 3,3% được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra ngày 8/4.

Tuy nhiên, mức giảm đó là không lớn so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Đơn cử theo dự báo của ADB, dự kiến cả khu vực ASEAN chỉ tăng trưởng ở mức 1% trong năm nay, giảm từ mức 4,4% năm 2019. Trong đó, tăng trưởng của Thái Lan được dự báo giảm từ 2,4% xuống âm (-) 4,8%; Malaysia từ 4,3% xuống 0,5%; Indonesia từ 5% xuống 2,5%; Philippines từ 5,9% xuống 2%, Singapore từ 0,7% xuống 0,2%...

Như vậy các số liệu dự báo đều cho thấy, đại dịch Covid-19 sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, nhưng gần như ở mức thấp nhất trong các nền kinh tế khác trong khu vực. Đáng chú ý là kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, thậm chí có thể đạt được tăng trưởng cao hơn cả dự báo mà các tổ chức đưa ra trước khi xuất hiện đại dịch này. Như ADB dự báo tăng trưởng 2021 sẽ ở mức 6,8%; AMRO dự báo sẽ ở mức 7%; WB dự báo sẽ ở mức 7,5%; hay kể cả Fitch Ratings cũng dự báo ở mức tăng trưởng sẽ lên tới 7,3% trong năm 2021.

“Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch Covid-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, lúc này không nên quá quan tâm đến những con số dự báo cụ thể, bởi trong bối cảnh dịch hiện nay thì những con số đó có thể thay đổi rất nhanh. “Vấn đề mấu chốt và quan trọng hơn lúc này là tập trung vào kiểm soát, dập tắt được dịch bệnh, đồng thời củng cố, nuôi dưỡng các yếu tố nền tảng mà chúng ta đang có để sẵn sàng cho phục hồi sau dịch”, ông Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nhìn chung các động lực cho tăng trưởng của Việt Nam là tương đối đồng đều. Về phía cung thì công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có khả năng phục hồi và tiếp tục là các động lực của tăng trưởng. Về phía cầu, tiêu dùng trong nước, nhu cầu bên ngoài (liên quan đến xuất khẩu) cũng có khả năng hồi phục. Trong đó, tiêu dùng nội địa là một trong những động lực rất quan trọng vì luôn có tăng trưởng tốt và tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn. Hiện sức cầu trong nước đang bị nén xuống vì dịch bệnh nhưng nếu dịch bệnh được dập tắt nhanh thì cầu nội địa sẽ bật trở lại mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, khi cung - cầu bên ngoài phục hồi thì xuất khẩu cũng kỳ vọng sẽ tăng tốt trở lại. Trong khi cầu bên ngoài còn là dấu hỏi lớn vì dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, nhưng đã xuất hiện yếu tố tích cực từ phía cung khi các dấu hiệu phục hồi của Trung Quốc đang rõ hơn, như chỉ số PMI của Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại trong tháng 3…

“Nhìn chung cho đến lúc này, có thể nói với mô hình phát triển tương đối toàn diện và đồng đều nên Việt Nam có thể ứng phó được trong bất cứ tình huống nào khi xảy ra những thay đổi trong kết cấu kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu. Do đó Việt Nam nên duy trì các động lực đồng đều như thế vì một nền kinh tế để đảm bảo được xu thế phát triển bền vững thì nên tăng trưởng theo hướng dựa vào các động lực toàn diện chứ không chỉ chú trọng vào một khu vực hay lĩnh vực nào cụ thể”, ông Cường khuyến nghị.

Trong khi ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam chỉ ra bốn bước quan trọng để đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế là: Giải quyết các tác động trước mắt đối với DN và người dân; Tìm cách tái khởi động lại được các hoạt động kinh tế; Tận dụng lúc này để đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật số, bằng cách đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử, học tập trực tuyến...; Đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế.

“Tăng trưởng (của Việt Nam) dự báo sẽ đạt mức 7,5% năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau đại dịch này. Tỷ lệ nghèo cũng sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, do các điều kiện thị trường lao động dự kiến tiếp tục thuận lợi”, chuyên gia này dự báo.

Chia sẻ trên truyền thông mới đây, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi theo hình chữ V, theo đó mặc dù tác động của dịch Covid-19 là rất lớn nhưng khả năng phục hồi hậu dịch Covid-19 cũng rất mạnh mẽ. Cơ sở cho kỳ vọng này là vì “cú đánh” lần này đến từ một biến ngoại sinh, không phải do yếu kém nội tại nên dù tác động là rất nặng nề, nhưng nền kinh tế sau đó cũng sẽ được vực dậy rất nhanh. Kinh tế vĩ mô ổn định, đà tăng trưởng đang tốt và khả năng khống chế dịch bệnh tốt cũng là những yếu tố phần nào giải thích cho những dự báo lạc quan của các tổ chức như WB, ADB… về kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Tuy nhiên, để nền kinh tế có thể bật tăng sau dịch thì ngoài các vấn đề như thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA… thì làm sao hỗ trợ kịp thời để các DN tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện nay là vô cùng cần thiết. Bởi theo chuyên gia này, nếu DN lâm vào tình trạng phá sản, giải thể ồ ạt thì nền kinh tế sau dịch sẽ phục hồi rất chậm. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần triển khai nhanh, sớm và quyết liệt các biện pháp hỗ trợ cho DN. “Gói hỗ trợ DN cần thực hiện sớm, kịp thời, dễ thực thi, đúng đối tượng và đủ liều để DN tồn tại”, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh./.