22/11/2024 lúc 12:03 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội nước ta tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng. Nổi bật là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%.
Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 58,27 tỉ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 9,4 tỉ USD (riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỉ USD).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 10 tiếp tục phục hồi nhất là lĩnh vực dịch vụ được dự báo sôi động hơn vào những tháng cuối năm nên số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng cao. Đặc biệt, tín hiệu hồi phục mạnh mẽ được phản ánh bởi con số DN đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500 DN, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số DN rút lui khỏi thị trường.

Về vốn đầu tư, tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 67,1% kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 10 tháng ước đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới).

Moody’s vào tháng 9 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định do đánh giá cao sức mạnh nội tại và khả năng chống chịu tốt hơn của nên kinh tế. "Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và trước đó là Ngân hàng Thế giới (WB) đều có những đánh giá lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 (tăng từ 7% lên 7,2%), cao hơn 1 điểm % so với dự báo của 3 tháng trước đó. Cùng với chính sách phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế phù hợp, đang mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam" - TS Cấn Văn Lực dẫn chứng.

Ngân hàng Standard Chartered vừa qua cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng trong quý III tới 13,7%. Và dự kiến tăng trưởng GDP của quý IV sẽ đạt 4%.

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết sau khi S&P nâng hạng Việt Nam, mới đây Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2, Việt Nam hiện chỉ kém mức đầu tư một bậc. Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB về triển vọng tích cực. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. "Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%. Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, đang tham vọng muốn trở thành một nước phát triển, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu cao dự kiến sẽ tăng trung bình 17% cho đến năm 2030" - ông Tim Evans nói.

Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội”, vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Báo cáo phân tích các xu hướng trong 5 lĩnh vực chính, gồm: thương mại điện tử; truyền thông trực tuyến; vận chuyển, thực phẩm và dịch vụ tài chính số.

Theo nhận định của bà Stephanie - Phó Chủ tịch Google Châu Á- Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bất chấp những khó khăn hiện tại trên toàn cầu và khu vực, tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam đang trên đà chạm mức 50 tỷ USD vào năm 2025.

Người dùng kỹ thuật số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ kỹ thuật số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ vận tải và giao đồ ăn đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số được kỳ vọng phát triển vượt bậc với khoản cho vay tăng mạnh ở mức khoảng 56% và các khoản đầu tư kỹ thuật số sẽ nhảy vọt sau năm 2025. Cụ thể, lĩnh vực cho vay kỹ thuật số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm nhanh nhất ở mức 114%. Lĩnh vực đầu tư dự kiến ​​sẽ có bước nhảy vọt lớn nhất vào năm 2025 với mức tăng trưởng kép hằng năm hơn 106%. Trong khi đó các lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền cũng có mức tăng trưởng khá lần lượt 21% và 31%.

Phát biểu tại "Hội thương mại điện tử xuyên biên giới" ngày 1-11, ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Amazon Global Selling khu vực phía Nam, cho biết xét từ góc độ vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang được thế giới "ngưỡng mộ" khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, rất nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cũng dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay. "Đây là nỗ lực rất lớn của các DN. Họ rất tự tin, nắm bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là xuất khẩu - lĩnh vực lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng góp phần cho sự tăng trưởng này, nhiều DN đã tận dụng được kênh này để xuất khẩu với mức tăng trưởng lên 2-3 con số. Mùa bán hàng lớn nhất năm đang bắt đầu, nhiều cơ hội đang mở ra cho các DN xuất khẩu" - ông Thủy nhìn nhận.  

PV