22/01/2025 lúc 17:00 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế Việt Nam hiện nay – Vấn đề và giải pháp

Kinh tế Việt Nam hiện nay có nhiều khởi sắc, tăng trưởng 7 - 8% là mức tăng trưởng cao hàng đầu trong các nước ASEAN và thế giới, chỉ số CPI ổn định, tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu cao, thu hút nhiều dự án FDI vào Việt Nam; tình hình chính trị - xã hội ổn định…

Việt Nam được thế giới đánh giá cao, do đạt được mục tiêu kép - vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa duy trì được tăng trưởng. Tuy nhiên, những vấn đề kinh tế - xã hội mà Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt cũng không ít. Bài viết phân tích những vấn đề chủ yếu của tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn, xây dựng một nền kinh tế sáng tạo.

Ảnh minh họa - Internet

Kinh tế Việt Nam hiện nay đạt mức tăng trưởng cao, dịch bệnh được kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm trong bối cảnh nhiều khó khăn, sức ép. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là điểm sáng, đạt kỷ lục mới trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn có nhiều rủi ro, thách thức. Trong nước còn những khó khăn, có những tồn đọng kéo dài, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế. Nếu các vấn đề không được giải quyết triệt để thì tình hình đất nước sẽ diễn biến phức tạp, cần có những giải pháp cần thiết để khắc phục khó khăn, xây dựng một nền kinh tế sáng tạo.

Trọng dụng nhân tài vào các cơ quan công quyền

Đảng ta đã nêu ra 3 giải pháp đột phá: Đổi mới thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Ba giải pháp đột phá này đã được đề xuất và thực hiện, song cho đến nay, không có chuyển biến như mong muốn.

Nguyên nhân chính là ba khâu đột phá này đã không đủ. Tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy biên chế” còn tồn tại làm cho các cơ quan công quyền thiếu người tài làm việc và những người có tài cũng không muốn vào làm dưới quyền những người “chạy chọt” đó, vì phục vụ cho các “lợi ích nhóm” chứ không phải cho lợi ích phát triển của quốc gia. Khi nhân tài không được tuyển dụng vào các cơ quan công quyền, thì các tiêu cực sẽ phát sinh. Do phải bỏ tiền ra “mua chức”, nên các công chức sẽ tìm mọi cách tham nhũng để bù lại. Tình trạng cách biệt giàu - nghèo giữa dân chúng với các quan chức có quyền lực làm ảnh hưởng đến niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Vậy phải có giải pháp gì? Phải có chính sách trọng dụng nhân tài như thế nào?

  1. Đánh giá và đề bạt cán bộ phải dựa trên kết quả công tác cụ thể, nếu là cán bộ thì phải có công trình xuất sắc chứ không phải chỉ căn cứ vào bằng cấp, cần xem lại chương trình đào tạo tiến sỹ, nên chỉ đào tạo tiến sỹ cho các trường đại học và viện nghiên cứu, bỏ tiêu chí bổ nhiệm cán bộ phải có học hàm, học vị.
  2. Phải có cơ chế tuyển chọn công chức một cách công bằng, công khai, minh bạch để chọn được người tài ngay từ đầu vào. Mỗi bộ cần lập một hội đồng tuyển dụng công chức - Bộ trưởng phải là Chủ tịch Hội đồng.
  3. Sau 2 năm thực tập, các cán bộ không đạt được thành tích theo yêu cầu dứt khoát không được tiếp nhận vào cơ quan công quyền.
  4. Cần có chính sách sử dụng các trí thức Việt kiều và người nước ngoài xuất sắc, đủ sức hấp dẫn họ về Việt Nam làm việc cả về lương bổng, điều kiện ăn ở và làm việc.
  5. Cần mạnh dạn cử những người giỏi, tài năng vào giữ các cương vị quản lý quan trọng như: Tổng Giám đốc các công ty quốc doanh; Giám đốc các cơ quan hải quan; Trưởng các khu kinh tế các khu công nghệ cao; Chủ nhiệm các khoa, Viện Trưởng viện nghiên cứu ở các trường đại học…
  6. Xây dựng 2 Trung tâm giáo dục toàn cầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với chương trình mời các đại học hàng đầu thế giới. Các trường này nếu được mở ở Việt Nam, thì học sinh Việt Nam đỡ phải đi du học nước ngoài, hơn nữa còn thu hút được các học sinh giỏi nước ngoài vào học.
  7. Các công chức Việt Nam phải 2 năm một lần được đánh giá công khai minh bạch bằng 1 Hội đồng đánh giá độc lập cấp bộ với các chuyên gia trong và ngoài bộ. Nếu không đạt thành tích theo yêu cầu thì phải thay thế.

Đổi mới thể chế

Nếu thực thi được chính sách trọng dụng nhân tài trên đây, thì việc đổi mới thể chế mới có thể đi vào thực chất vì ta có người tài làm thể chế. Vấn đề quan trọng nhất của đổi mới thể chế là phải định hướng đổi mới thể chế - đổi mới theo mô hình Trung Quốc, hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hay theo mô hình do Việt Nam sáng tạo.

Năm 2021, Hàn Quốc vươn lên là một trong các quốc gia đổi mới sáng tạo, chỉ đứng sau Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Mỹ và Anh... Hàn Quốc đã có một chiến lược theo đuổi nền kinh tế đổi mới thành công, thông qua đầu tư mạnh vào nghiên cứu cơ bản kết hợp với ứng dụng, cải cách hệ thống và dịch chuyển nhân tài. Chi tiêu của Hàn Quốc cho nghiên cứu và phát triển tính theo tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này cao thứ hai trên toàn thế giới.

Trung Quốc coi chiến lược phát triển nhân tài là then chốt của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước toàn diện, nâng cao trình độ cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa Trung Quốc từ một nước lớn về dân số thành cường quốc về nhân tài, đủ sức cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào trên trường quốc tế. Đối với nguồn lực trong nước, Trung Quốc luôn khuyến khích địa phương và doanh nghiệp kết hợp với nhau thí điểm cải cách quản lý nhân tài, hội nhập với hệ thống quản lý nhân tài trên thế giới. Trung Quốc xây dựng cơ chế phát hiện đánh giá nhân tài chủ yếu dựa vào yêu cầu về trách nhiệm đối với nghề nghiệp, sau đó mới xét tới năng lực, thành tích; từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn đánh giá nhân tài, khắc phục tình trạng quá coi trọng bằng cấp, chú trọng vào năng lực thực tế và tiềm năng phát triển để đánh giá.

Đối với nguồn lực từ nước ngoài, Trung Quốc tập trung khai thác lợi thế của một nước đông dân cùng với hơn 40 triệu Hoa kiều. Trong số đó, có rất nhiều người đã trở thành những giáo sư lỗi lạc, nhà khoa học xuất sắc, chủ tịch những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng... Họ chính là nguồn lực không thể thiếu để góp phần thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc đột phá lên một tầm cao mới, sẵn sàng cạnh tranh vị trí cường quốc thế giới. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ đó, Trung Quốc đã có những chiến lược dài hạn và những sách lược cụ thể để thu hút và trọng dụng lực lượng Hoa kiều ở nước ngoài, trở về quê hương làm việc, vừa được phát triển sự nghiệp, tài năng, vừa được cống hiến cho Tổ quốc.

Hiện nay, hệ thống luật pháp của Việt Nam có không ít bất cập. Nhìn sang các nước phát triển nhất xung quanh Việt Nam, họ đã làm luật pháp như thế nào? Singapore đã nhập hầu như tất cả hệ thống thể chế tốt nhất của Anh. Hàn Quốc du nhập thể chế của Nhật Bản và hiện họ đang tiếp cận với thể chế của Mỹ. Việt Nam muốn bứt phá lên thành một quốc gia phát triển, thì chắc chắn phải xây dựng thể chế theo mô hình của các nước phát triển tiên tiến nhất, không có con đường nào khác, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cần tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến, cầm quyền một cách hiện đại. Để làm được điều đó, Đảng và Chính phủ phải có nghị quyết về xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng hiện đại.

Quy hoạch lại việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Định hướng kết cấu hạ tầng phải phục vụ các mục tiêu sau đây: Phát triển kinh tế - đặc biệt là phát triển các khu công nghiệp, các khu kinh tế; Phát triển đô thị hóa; Phục vụ cho việc nâng cao đời sống của Nhân dân, ứng phó được với tình trạng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được các thành tích đáng kể. Xây dựng được hàng trăm km đường bộ cao tốc, các đường liên tỉnh, đường giao thông nông thôn cũng được cải thiện; các cảng hàng không đã được hiện đại hóa; nhiều cảng biển đã được xây dựng…

Tuy nhiên, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã bộc lộ một số hạn chế. Đã quá chú trọng xây dựng đường bộ cao tốc, không chú ý đúng mức tới hệ thống đường sắt, đường thủy. Thiếu tập trung hiện đại hóa những đường huyết mạch cho sự phát triển kinh tế, hình thành các tuyến phát triển hiện đại như: Tuyến phát triển Hà Nội - Hải Phòng; Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu; Đánh giá lại hình thức xã hội hóa việc xây dựng đường bộ cao tốc - cho phép các chủ đầu tư góp vốn xây dựng và được quyền thu phí. Ở các quốc gia phát triển, hình thức này được áp dụng có giới hạn ở một số đoạn đường có tính đặc thù, không thể là phổ biến. Ở Việt Nam, việc xã hội hóa đường bộ cao tốc đã khá phổ biến, do đó làm tăng cước phí vận tải cho các doanh nghiệp.

Những hạn chế này cần được khắc phục theo hướng:

+ Tập trung đầu tư cho 2 tuyến phát triển Hà Nội - Hải Phòng; Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu; với đường sắt tốc độ cao 250km/giờ, đường thủy hiện đại, để giảm chi phí vận tải cho các doanh nghiệm ở hai tuyến phát triển này (có thể chiếm 1 tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, có ước tính tới 70-80%).

+ Ưu tiên đầu tư cho vận tải ven biển và thủy nội địa. Nhà nước có thể hỗ trợ cho các công ty tư nhân đóng các loại tàu vận tải ven biển và pha sông biển, hỗ trợ các công ty vận tải thủy tư nhân phát triển, tổ chức nạo vét các dòng sông phục vụ vận tải, xây dựng các bến tàu thuyền ven sông…

+ Hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam với đường ray khổ rộng, cho tàu chạy với tốc độ cao hơn.

+ Không xã hội hóa tràn lan trên các tuyến vận tải huyết mạch - làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với đô thị hóa theo hướng xây dựng các chuỗi đô thị chuyên ngành - công nghiệp, dịch vụ…

Xây dựng một nền kinh tế sáng tạo

Hiện nay, kinh tế Việt Nam về cơ bản là một nền kinh tế gia công, từ công nghiệp cho đến nông nghiệp; vì về công nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện… về lắp ráp xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước. Nông nghiệp Việt Nam cũng phải nhập khẩu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… phần lao động của người Việt Nam chiếm tỷ trọng không lớn, như vậy khó có thể phát triển bứt phá. Muốn bứt phá, Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế sáng tạo. Một nước đi sau như Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, để rút ngắn con đường phát triển. Tất cả các nước Đông Á đều bứt phá bằng con đường xây dựng một nền kinh tế sáng tạo.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế sáng tạo là gì? Đó là nền kinh tế nhập khẩu bằng phát minh sáng chế, cải tiến, ứng dụng và thương mại hóa. Việt Nam có đầu tư nghiên cứu cơ bản, nhưng những nghiên cứu này cũng chỉ để phục vụ cho nghiên cứu ứng dụng, chứ không nhằm vào phát minh sáng chế. Trên thế giới, thị trường bằng phát minh sáng chế hiện khá phát triển. Vấn đề là Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động này như thế nào? Kinh nghiệm thế giới cho thấy những định hướng chính sách sau đây Nhà nước nên thực hiện:

+ Nhà nước hỗ trợ tài chính cho các công ty tư nhân nhập bằng phát minh sáng chế các ý tưởng mới và ứng dụng. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, mức hỗ trợ này là 70% chi phí nhập khẩu thời gian đầu, sau hạ dần.

+ Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập các công ty nghiên cứu và triển khai (R&D), kể cả trong và ngoài nước.

+ Các khu công nghệ cao hiện có của Việt Nam phải phát triển theo hướng chủ yếu là xây dựng các trung tâm R&D.

+ Xây dựng 1 Trung tâm nghiên cứu sáng tạo quốc gia, có tính toàn cầu, và đây là 1 đặc khu với tất cả thể chế hiện đại nhất đủ sức thu hút các nhà đầu tư và sáng tạo toàn cầu tới làm việc./.

TSKH Võ Đại Lược

 Ủy viên Hội đồng tư vấn Kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tài liệu tham khảo

  1. PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, Đổi mới tư duy trong trọng dụng và thu hút nhân tài. Nghiên cứu luật pháp, ngày 24/11/2021.
  2. TS. Nghiêm Thu Nga, Trọng dụng nhân tài xưa và nay, Quân đội nhân dân cuối tuần, ngày 24/8/2022.
  3. GS.TS. Chu Văn Cấp, Tiếp tục đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 16/5/2018.
  4. Hoàng Yến, Doanh nghiệp Việt Nam mơ được cơ chế của doanh nghiệp tư nhân, Thời báo Tài chính Việt Nam, ngày 29/9/2022.
...