14/10/2024 lúc 09:39 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế ngầm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế ngầm phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, kinh tế ngầm cũng gây ra những tác động bất lợi đối với nền kinh tế và hệ thống pháp luật.

1. Kinh tế ngầm

Kinh tế ngầm (kinh tế bóng, kinh tế ma hoặc nền kinh tế song song) là “khái niệm được sử dụng phổ biến của kinh tế học để nhằm đánh giá những nguồn thu nhập không qua báo cáo nhưng chúng có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của từng quốc gia”(1).

Về bản chất, kinh tế ngầm “cũng là một hoạt động kinh tế vì nó tạo ra của cải vật chất như các hoạt động kinh tế khác”(2) và có tác động đến nhiều đối tượng khác nhau trong đời sống kinh tế, xã hội. Mặt khác, là hoạt động kinh tế được thực hiện bởi nhiều đối tượng khác nhau nên kinh tế ngầm có sự liên quan, ảnh hưởng lớn đến hệ thống pháp luật. Do đó, việc quản lý kinh tế ngầm luôn được Nhà nước hết sức quan tâm.

So với hoạt động kinh tế thông thường, dấu hiệu của kinh tế ngầm chủ yếu xác định dựa trên việc chủ thể không tiến hành khai báo về các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thường không nộp các khoản nghĩa vụ với Nhà nước.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt động kinh tế ngầm đều vi phạm pháp luật, “khá nhiều hoạt động của kinh tế ngầm cho dù không tiến hành khai báo nhưng vẫn được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết đến và cho phép thực hiện”(3). Những hoạt động đó được coi là kinh tế ngầm hợp pháp - “là các hoạt động kinh tế tiến hành hợp pháp nhưng chủ thể tiến hành thường không khai báo giá trị thu nhập cho các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, những hoạt động của giáo viên (dạy gia sư, mở lớp dạy thêm tại nhà), bác sỹ (khám bệnh tại nhà nhưng không đăng ký hoạt động công khai), trông giữ xe (nhưng không đăng ký), công việc của thợ thủ công, bảo mẫu, người giúp việc gia đình, người bán hàng rong, nông dân tiến hành các hoạt động sản xuất, xe ôm, bán vé số...”(4).

Trái ngược với kinh tế ngầm hợp pháp là kinh tế ngầm bất hợp pháp - các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế, xã hội. “Kinh tế ngầm bất hợp pháp là những hoạt động kinh tế bị pháp luật nghiêm cấm không được phép hoạt động và thường tồn tại dưới các hoạt động như: Trộm cắp, mại dâm, cá độ, cho vay nặng lãi, bảo kê, buôn bán các loại hàng hóa không được pháp luật cho phép như vũ khí quân dụng hoặc các loại tài nguyên thiên nhiên bị cấm, thuê mướn hoặc tổ chức đâm chém, giết người, đòi nợ thuê...”(5).

Hiện nay, trong thời đại toàn cầu hóa, “tất cả các nước đều tham gia vào nền kinh tế thế giới và liên hệ với nhau thông qua hoạt động thương mại và tài chính”(6). Hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những tác động rất lớn đến kinh tế ngầm, khiến các hoạt động kinh tế này tại Việt Nam có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đây.

2. Ảnh hưởng của kinh tế ngầm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế ngầm tại Việt Nam. Thông qua các sàn thương mại điện tử trên toàn cầu, các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ diễn ra đơn giản, nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi để bất cứ ai cũng có thể dễ dàng trở thành nhà kinh doanh khi tham gia giao thương, đầu tư trên môi trường internet.

Sự xuất hiện của các trang mạng xã hội càng góp phần giúp những người có ý tưởng đột phá, sáng tạo về kinh doanh có thể tham gia sản xuất các chương trình giải trí, trò chơi, học tập hay cung cấp các ứng dụng được đông đảo người sử dụng ưa thích. Hiện nay, tỷ lệ người xem truyền hình ngày càng giảm mà thay vào đó là các chương trình giải trí trên các mạng xã hội toàn cầu như Youtube, Ticktok... Đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện của những người kinh doanh trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay thường được gọi là các Youtuber, Ticktoker...

Thống kê cho thấy, thu nhập của các “Youtuber, Ticktoker này có thể lên đến hàng chục tỷ hay có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm”(7). Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, hoạt động của những người làm chương trình trên có sự liên quan rất lớn đến kinh tế ngầm. Thực tế hiện nay, khá nhiều người kinh doanh, người sáng tạo nội dung hay người thực hiện những hành vi tương tác với xã hội thông qua các ứng dụng trên không gian mạng đã và đang thực hiện các hoạt động liên quan đến kinh tế ngầm. Trong đó, có những hành vi được coi là kinh tế ngầm hợp pháp khi người thực hiện sau đó đã đăng ký hoạt động và nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có không ít người tiến hành các hoạt động kinh tế ngầm bất hợp pháp khi không đăng ký hoạt động và không thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, đồng thời, các hoạt động trên mạng xã hội của những người này gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến xã hội và hệ thống pháp luật.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hoạt động kinh tế ngầm đã có những tác động lớn đến nền kinh tế cũng như đời sống xã hội tại Việt Nam. Nhiều người có thêm việc làm, thậm chí là nguồn thu nhập rất cao từ các mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử. Kinh tế ngầm tạo ra nhiều việc làm mới cho xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc một số cá nhân ứng dụng công nghệ để thực hiện các hành vi như: cá độ bóng đá trên mạng, tiếp thị mại dâm online, lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử... là các hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp. Các hành vi này cho dù mang lại lợi ích kinh tế cho người thực hiện nhưng đã vi phạm pháp luật và xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội thuận lợi cho kinh tế ngầm phát triển mạnh mẽ và sâu rộng tại Việt Nam, song bên cạnh đó, cũng dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của kinh tế ngầm đối với hệ thống pháp luật Việt Nam thể hiện như sau:

Đối với lĩnh vực pháp luật hình sự - một trong những lĩnh vực pháp luật đặc biệt quan trọng, giữ vai trò trực tiếp ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến hàng loạt các loại hình tội phạm mới hay các phương thức phạm tội mới xuất hiện. Có thể kể đến các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng; chiếm đoạt trái phép thông tin cá nhân gây ra thiệt hại tài chính cho những người liên quan (thí dụ, chiếm đoạt tài khoản trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber... để giả danh vay tiền từ người thân, bạn bè của nạn nhân); cá độ, cờ bạc online; tiếp thị, quảng cáo mại dâm hay buôn bán các văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng xã hội; sử dụng các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm khủng bố tinh thần nạn nhân; cố tình trốn thuế từ những nguồn thu nhập rất lớn trên mạng internet; hay thậm chí là các dịch vụ đòi nợ thuê, đe dọa, xúc phạm, miệt thị nạn nhân trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông... Do đó, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Bộ luật Hình sự liên tục phải sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các loại tội phạm trên.

Đối với các lĩnh vực pháp luật thương mại, tài chính, ngân hàng. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các chiêu trò kinh doanh của những người thực hiện hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Thí dụ, buôn bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua mạng internet (người bán và người mua không cần giao dịch trực tiếp nên rất khó bị phát hiện); cho vay hoặc cho thuê tài chính qua các ứng dụng với lãi suất vượt quá quy định của pháp luật; tạo các trang giao dịch giả mạo giống với trang chính thức của các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt thông tin quan trọng của khách hàng; tạo những kênh đầu tư mới lạ và hấp dẫn như đầu tư vào các loại tiền ảo (tiền kỹ thuật số)... Trong một số trường hợp, những người tiến hành kinh tế ngầm bất hợp pháp đã lợi dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết của những người tham gia để lừa đảo chiếm đoạt những số tiền rất lớn.

Đối với lĩnh vực pháp luật chứng khoán. Nhờ thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hoạt động giao dịch chứng khoán trở nên vô cùng đơn giản, thuận tiện. Tuy nhiên, việc thực hiện những hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp trong lĩnh vực này cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Điển hình như việc cố tình tung tin đồn thất thiệt (tin nhiễu) trên mạng internet gây hoang mang cho các nhà đầu tư chứng khoán là một vấn đề nhức nhối lâu nay của thị trường chứng khoán Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm đã vội vàng mua, bán chứng khoán theo các tin đồn trên mạng internet và phải gánh chịu thiệt hại kinh tế rất lớn. Vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định khá nhiều tội danh như: tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hay tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán(8).

Ngoài ra, những người tiến hành các hoạt động kinh tế ngầm bất hợp pháp còn tạo ra những hành vi mua bán giả (giao dịch giá cách) giữa các tài khoản chứng khoán đã được xác định trước để thổi giá chứng khoán trong nhiều phiên liên tiếp và đồng thời, sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội để PR nhằm thu hút, lôi kéo người mua các loại chứng khoán đã bị thổi giá.

Không ít trường hợp, chỉ cần một vài trao đổi ngắn qua mạng xã hội với các nhân viên môi giới chứng khoán, các nhà đầu tư mới (F0) đã tham gia mở tài khoản và rót tiền đầu tư. Điều này khác với trước đây, khi các nhân viên môi giới chứng khoán phải mất nhiều thời gian để liên hệ, thuyết phục khách hàng tham gia đầu tư chứng khoán. Việc các nhân viên môi giới cố tình xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán theo tin đồn thất thiệt hay đánh lừa nhà đầu tư bằng cách định hướng mua, bán các loại chứng khoán là những hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Đối với lĩnh vực pháp luật kinh doanh bất động sản. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp việc quảng bá, tiếp thị, giới thiệu các dự án đầu tư bất động sản trở nên hết sức đơn giản, nhanh chóng thông qua các phương thức như gọi điện trực tiếp, quảng cáo tự động trên mạng xã hội, các video ngắn, livestream hay thư điện tử... Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án bất động sản chỉ là vỏ bọc để những người thực hiện hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp lừa đảo, thu hút nguồn vốn sau đó bỏ trốn hoặc cố tình kéo dài tiến độ thực hiện để sử dụng vốn của khách hàng một cách phi pháp. Đó là các hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp, được sử dụng khá phổ biến, tinh vi trên môi trường mạng internet hay thông qua phương tiện truyền thông hiện đại.

Bên cạnh đó, hình thức đầu tư bất động sản mới như chứng khoán hóa bất động sản đã và đang lôi kéo một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật tham gia. Cụ thể, “để thực hiện mô hình này, chủ đầu tư dự án kết nối với một trung gian đầu tư nền tảng công nghệ để mã hóa và chia dự án thành các gói đầu tư. Nhà đầu tư tạo tài khoản, chọn dự án muốn đầu tư, nạp tiền thông qua ngân hàng, theo dõi dự án và giao dịch... có thể mua đi bán lại khoản đầu tư nhỏ lẻ này theo dạng sang nhượng trực tuyến, tự do như mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán”(9). Tuy nhiên, “rủi ro cho khách hàng là rất lớn khi chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này”(10) và không loại trừ đây có thể là cái bẫy tinh vi để lừa đảo khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Đối với lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ. Đây là lĩnh vực tương đối nhạy cảm và rất dễ bị xâm phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các văn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền sản phẩm hay hình ảnh... đều rất dễ bị xâm phạm thông qua các hành vi làm giả, làm nhái theo nguyên mẫu.

“Internet xuất hiện, hình thành một môi trường đặc biệt - môi trường kỹ thuật số, đã làm cho việc bảo hộ quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Bởi lẽ, môi trường kỹ thuật số giúp cho việc sao chép, tải về máy cá nhân một cách bất hợp pháp, cũng như việc sao chép, cắt dán các nhãn hiệu có danh tiếng, kiểu dáng công nghệ đang được bảo hộ dễ dàng hơn và thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu quyền vì vậy cũng nhiều hơn”(11).

Nghiên cứu cho thấy, “môi trường công nghệ đang trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Hiện nay, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam ngày càng đa dạng, phức tạp với cách thức, thủ đoạn tinh vi, bài bản và khéo léo hơn trước”(12). Khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ đã tạo ra kẽ hở cho các đối tượng thực hiện hành vi kinh tế ngầm lợi dụng nhằm thu lợi bất chính dựa trên sự sáng tạo hợp pháp của các tác giả.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến những cơ hội thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp tồn tại và phát triển. Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn, xử lý các hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp, từ đó bảo vệ nền kinh tế, đời sống xã hội và hệ thống pháp luật.

3. Giải pháp, kiến nghị

“Trên thực tế, các hoạt động kinh tế ngầm vẫn đang diễn ra thường xuyên và gần như tồn tại ở khắp mọi nơi”(13). Các nhà kinh tế học trên thế giới đã chỉ ra rằng, “các quốc gia luôn tồn tại hai nền kinh tế, một nền kinh tế chính thức và một nền kinh tế ngầm”(14). Đồng thời, “kinh tế ngầm không phải là những hoạt động xấu, nếu kiểm soát tốt đây còn là thành phần bổ trợ cho kinh tế chính thức phát triển”(15). Do đó, “chỉ với các hoạt động kinh tế ngầm gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội hay vi phạm pháp luật thì mới bị Nhà nước kiên quyết xử lý, cấm đoán”(16).

Để hạn chế các ảnh hưởng bất lợi của kinh tế ngầm đối với nền kinh tế và hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần thực hiện các giải pháp sau:

Đối với hệ thống pháp luật hình sự, thương mại, tài chính, ngân hàng. Các cơ quan soạn thảo pháp luật cần theo dõi, bám sát tình hình, diễn biến của các hoạt động kinh tế ngầm bất hợp pháp, từ đó, có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cần nghiên cứu  nâng cao khung hình phạt đối với các loại tội phạm trong các lĩnh vực kinh tế ngầm bất hợp pháp so với hiện nay để đủ sức răn đe, phòng ngừa và xử lý các hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với các lĩnh vực pháp luật chứng khoán, pháp luật kinh doanh bất động sản. Đây là những lĩnh vực rất khó điều tiết hành vi của chủ thể tham gia bằng pháp luật, bởi lẽ, “sự phát triển của các loại thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản thường kéo theo tâm lý đầu tư đám đông, phong trào,...”(17). Niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường có thể làm cho người bán và người mua bất chấp các quy định pháp luật. Do đó, Nhà nước cần thể hiện vai trò giám sát và điều tiết thị trường nhiều hơn. Cụ thể, khi thị trường chứng khoán phát triển quá nóng, Nhà nước có thể sử dụng một số công cụ hạn chế giao dịch như giới hạn số lượng cổ phiếu giao dịch trên mỗi tài khoản của nhà đầu tư trong từng phiên; hay giám sát chặt chẽ các “mã cổ phiếu bị thổi giá liên tiếp...”(18). Bởi nếu không có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, các hành vi kinh tế ngầm bất hợp pháp sẽ càng gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và sự ổn định, bền vững lâu dài của thị trường chứng khoán.

Đối với thị trường bất động sản, việc quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, đặc khu kinh tế... cần công khai, rõ ràng, minh bạch hơn. Trong tương lai, Nhà nước cần xem xét và đánh thuế nặng hơn đối với những người sở hữu nhiều bất động sản hoặc thường xuyên mua bán chuyển nhượng bất động sản trong thời gian ngắn. Đây là các giải pháp hạn chế các ảnh hưởng bất lợi từ kinh tế ngầm bất hợp pháp, góp phần bảo vệ sự phát triển ổn định, lâu dài của hai loại thị trường đặc biệt quan trọng này.

Đối với lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ. Một mặt, cần tăng cường nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền khoa học pháp lý tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, cần chú ý sự tương thích, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh và môi trường tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét gia nhập các công ước quốc tế có liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường internet. Như vậy, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mới đủ mạnh để có thể bảo vệ các phát minh, sáng chế, quyền tác giả, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của những người thực hiện hoạt động kinh tế ngầm bất hợp pháp.

Như vậy, sự tồn tại và phát triển của kinh tế ngầm trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xu hướng phát triển tất yếu tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hệ thống pháp luật cần có những điều chỉnh phù hợp để một mặt hạn chế các ảnh hưởng bất lợi của kinh tế ngầm, mặt khác có thể khai thác, phát huy hiệu quả những đóng góp của kinh tế ngầm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS NGUYỄN VINH HƯNG

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

____________________________________

(1), (2), (3), (13), (16) Nguyễn Vinh Hưng: Sự tác động của kinh tế ngầm đối với kinh tế, xã hội và pháp luật, Tạp chí Khoa học Kinh tế, số 07, 2019, tr.106, 106, 107, 108, 108.

(4), (5) Nguyễn Vinh Hưng: Quản lý loại hình “kinh tế ngầm” tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 299 (12), 2020, tr.55, 55.

 (6) Phạm Quang Vinh: Giáo trình Kinh tế học Vĩ mô, Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.3.

(7) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/nhung-nguoi-kiem-tien-khung-tu-youtube-google-o-viet-nam-709528.html, truy cập ngày 13-02-2023.

(8) Điều 209 và 210 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

(9), (10) https://baodauthau.vn/chung-khoan-hoa-bat-dong-san-nen-chang-post95119.html, truy cập ngày 13-02-2023.

(11) Nguyễn Thị Hải Vân: Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số - nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng luật Hadopi của Cộng hòa Pháp, 2016, http://www.agllaw.com.vn/bao-ho-quyen-tac-gia-trong-moi-truong-ky-thuat-so-nghien-cuu-kinh-nghiem-ap-dung-luat-hadopi-cua-cong-hoa-phapbao-ho-quyen-tac-gia-trong-moi-truong-ky-thuat-so-nghien-cuu-kinh-nghiem-ap-dung-luat/, truy cập ngày: 13-02-2023.

(12) Nguyễn Vinh Hưng và Phan Quốc Nguyên: Sự tác động của nền kinh tế số đến hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Tạp chí Nghề luật, tr.19-20.

(14) Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia: Nhận diện kinh tế ngầm ở Việt Nam hiện nay, 2011, http://thongtindubao.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=15861, truy cập ngày 13-02-2023.

(15) Việt Nam thống kê kinh tế ngầm: khu vực nào cao nhất, nguồn truy cập: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-thong-ke-kinh-te-ngam-khu-vuc-nao-cao-nhat-3350989/, ngày truy cập: 13-02-2023.

(17) Nguyễn Vinh Hưng: Từ truyền thống thương mại đến việc định hướng các loại hình doanh nghiệp tham gia kinh doanh tại Việt Nam, Tạp chí Quản lý Kinh tế, số 83, 2017, tr.74-76.

(18) Một cổ phiếu tăng 635% sau hơn một tháng, nguồn truy cập: https://vnexpress.net/mot-co-phieu-tang-635-sau-hon-mot-thang-4241226.html, truy cập ngày 13-02-2023.