1. Nhật Bản
Tại Nhật Bản, 98% nông dân là thành viên của hơn 850 HTX nông nghiệp đa chức năng. Ở khu vực nông thôn, các HTX nông nghiệp đa chức năng đóng vai trò quan trọng với nhiệm vụ cung cấp hầu hết các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân như cung cấp nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị nông nghiệp, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, y tế, tổ chức các cửa hàng bán lẻ, cung cấp đồ gia dụng, xây dựng nhà tang lễ, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng,…v.v. Hệ thống các HTX nông nghiệp được tổ chức từ cấp cơ sở cho đến các liên hiệp HTX cấp tỉnh và liên hiệp các HTX nông nghiệp trung ương Nhật Bản, trong đó Liên minh HTX nông nghiệp Nhật Bản là tổ chức cấp cao nhất mang tính đại diện cho nông dân, cho phong trào HTX và triển khai các hoạt động chính trị, tham gia xây dựng chính sách pháp luật, hướng dẫn về tổ chức và quản lý, cung cấp các hoạt động thông tin, đào tạo, kiểm toán,... Hơn nữa, ở Nhật Bản còn có các liên đoàn HTX nông nghiệp chuyên ngành với chức năng hỗ trợ các HTX nông nghiệp triển khai các hoạt động kinh tế trong từng lĩnh vực hay chăm lo đến đời sống tinh thần của nông dân, như Liên đoàn cung tiêu quốc gia các HTX nông nghiệp, Liên đoàn bảo hiểm tương hỗ quốc gia các HTX nông nghiệp, Ngân hàng Trung ương các HTX nông - lâm - ngư nghiệp, Liên đoàn phúc lợi quốc gia các HTX nông nghiệp, Liên đoàn thông tin báo chí quốc gia các HTX nông nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe,…
HTX nông nghiệp Nhật Bản là do người dân lập ra và hoạt động vì người nông dân. Những người điều hành HTX là những người được đào tạo nghiệp vụ bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng phải chịu sự giám sát từ ban kiểm soát độc lập. Tất cả chức vụ này đều do xã viên bầu ra một cách dân chủ. Người điều hành chịu áp lực rất lớn từ các thành viên của HTX: nông dân không phải là người phụ thuộc vào HTX mà trái lại, sự sống còn của HTX phải phụ thuộc vào người nông dân.
Hoạt động của hệ thống HTX Nhật Bản được tổ chức một cách chặt chẽ với những mục tiêu và định hướng rõ ràng. Tất cả các nông sản sản xuất bởi HTX nông nghiệp Nhật Bản đều đảm bảo một quy chuẩn chất lượng chung (nông nghiệp 3H - Healthy, High quality, High technology - sức khỏe, chất lượng cao, công nghệ cao), được gắn cùng một nhãn hàng “JA” và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Không bó hẹp trong việc hỗ trợ quy trình sản xuất HTX nông nghiệp Nhật Bản thúc đẩy tư duy và tầm nhìn của người nông dân Nhật Bản với những mục tiêu: duy trì năng suất, duy trì giá cổ phiếu thực phẩm, quảng bá các chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm, liên kết với các chương trình hỗ trợ quốc tế, mở rộng các chương trình về an ninh lương thực quốc tế, hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình và phúc lợi xã hội, hỗ trợ các nghiên cứu nông nghiệp liên quốc gia, thiết lập hệ thống thương mại nông nghiệp.
HTX nông nghiệp Nhật Bản với 2/3 nông dân tham gia làm thành viên, là đầu mối áp dụng khoa học - kĩ thuật từ khi mới được thành lập, nơi những người dân có thể chia sẻ các thiết bị công nghệ nông nghiệp hiện đại và đắt tiền, với chính sách mỗi vùng một sản phẩm, toàn bộ khu vực sản xuất đều được giám sát bằng camera và các thiết bị cảm ứng. Để làm được điều này, những người nông dân Nhật phải có trình độ nhất định và tinh thần hợp tác cao. Từ khi HTX là đơn vị công lập, chính phủ Nhật Bản đã chú trọng phát triển dịch vụ tư vấn nông nghiệp, trong đó không chỉ tư vấn, đào tạo ứng dụng khoa học công nghệ mà còn kết hợp tư vấn về chi tiêu tài chính, tiềm năng của từng giống cây trồng...
Đến nay, toàn bộ nông dân Nhật Bản có thể tự cập nhật và chia sẻ các thông tin về giá cả thị trường, cổ phiếu nông nghiệp, thời tiết, khoa học - kỹ thuật... thông qua một nền tảng trực tuyến kết nối những cá nhân, tổ chức nông nghiệp. Các HTX hợp tác với các trường đại học và thành lập một liên minh gọi là: “Liên đoàn Đại học HTX” (NFUCA) với hơn 1,4 triệu thành viên. Trong đó, các sinh viên, giảng viên của các trường vừa là người tiêu thụ nông sản do HTX sản xuất, đồng thời cũng quảng bá, đào tạo các công nghệ mới và liên kết thực hiện các nghiên cứu ứng dụng.
HTX nông nghiệp Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong đóng góp phát triển nông nghiệp. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng thể chế HTX và ban hành nhiều chính sách phát triển và mở rộng nhằm thông qua đó có thể giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp ở Nhật Bản thời kỳ mới thành lập cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn như trình độ quản lý yếu kém, thiếu vốn, thiếu sự trao đổi thông tin giữa các thành viên HTX, chính sách của Chính phủ đối với hoạt động của HTX chưa rõ ràng và chưa mang lại hiệu quả, đất đai của các thành viên HTX rất manh mún, liên kết các hoạt động trong HTX kém hiệu quả… Trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, để giải quyết những bất cập nói trên, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các chính sách thúc đẩy HTX phát triển như: i) Chính sách tái cấu trúc tổ chức HTX; ii) chính sách quy hoạch vùng và theo hướng mỗi làng một sản phẩm (One-village One product); iii) Chính sách phát triển khoa học công nghệ; iv) chính sách phát triển công nghiệp chế biến với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị nông sản; v) chính sách khuyến nông nhằm tăng cường năng lực cho các thành viên của HTX; vi) chính sách tổ chức tiêu thụ nông sản qua chợ đấu giá.
Để HTX hoạt động hiệu quả, với tinh thần chủ đạo là tương trợ lẫn nhau, các hộ xã viên đóng góp cổ phần và thông qua đại hội xã viên bầu ra Ban quản lý HTX. Do tự nguyện liên kết hoạt động một cách có tổ chức, các hoạt động kinh tế của xã viên được HTX quản lý một cách thường xuyên liên tục và HTX nông nghiệp có thể huy động xã viên giúp đỡ vô điều kiện cho HTX.
Một đặc điểm nổi bật khác của HTX nông nghiệp Nhật Bản đó là hình thức hợp tác trong phân phối chứ không hợp tác trong sản xuất. HTX nông nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu: i) Cung cấp cho nông dân các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, hoá chất nông nghiệp, thức ăn, trang thiết bị sản xuất và kỹ thuật cho sản xuất trồng trọt và chăn nuôi gia súc cũng như các hàng hoá cần dùng cho nông hộ; ii) giúp nông dân tiêu thụ các sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản dự trữ và bán các sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế.
Mặc dù HTX là một tổ chức kinh tế nhưng đối với các HTX vai trò của các tổ chức đoàn thể rất được coi trọng minh chứng là Hội phụ nữ có ở hầu hết các HTX nông nghiệp, còn Đoàn thanh niên thì được tổ chức ở nhiều HTX. Một chính sách đáng lưu ý là quy hoạch vùng và theo hướng mỗi làng một sản phẩm (One village-One product). Các thành viên của HTX được khuyến khích sản xuất những sản phẩm đặc trưng của vùng, cung cấp tất cả các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến sản phẩm. Đây có thể xem là một trong những chính sách có giá trị thực tiễn hỗ trợ các HTX khởi nghiệp.
Các HTX nông nghiệp Nhật Bản được tổ chức theo ba cấp: Liên đoàn toàn quốc HTX nông nghiệp; Liên đoàn HTX nông nghiệp tỉnh; HTX nông nghiệp cơ sở. Các HTX nông nghiệp cơ sở gồm hai loại: đơn chức năng và đa chức năng. Từ năm 1961 trở về trước các HTX đơn chức năng khá phổ biến. Nhưng từ năm 1961 trở về đây, do chính phủ Nhật Bản khuyến khích hợp nhất các HTX nông nghiệp nhỏ thành HTX nông nghiệp lớn, nên mô hình hoạt động chủ yếu của HTX nông nghiệp Nhật Bản hiện nay là đa chức năng. Các HTX nông nghiệp đa chức năng chịu trách nhiệm đối với nông dân trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ như cung cấp nông cụ, tín dụng, mặt hàng, giúp nông dân chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo hiểm cho hoạt động của nông dân. Có thể thấy ưu nhược điểm của HTX nông nghiệp Nhật Bản qua phân tích cơ chế quản lý và chức năng hoạt động của chúng.
Các HTX nông nghiệp đa chức năng của Nhật bản thường đảm đương các nhiệm vụ sau: i) Cung cấp dịch vụ hướng dẫn nhằm giáo dục, hướng dẫn nông dân trồng trọt, chăn nuôi có năng suất, hiệu quả cao cũng như giúp họ hoàn thiện kỹ năng quản lý hoạt động sản xuất. ii) Giúp nông dân tiêu thụ hàng hoá có lợi nhất. Do đó, mặc dù các HTX nông nghiệp là đơn vị hạch toán độc lập nhưng các HTX không đặt lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu mà chủ yếu là trợ giúp nông dân. Các hình thức giao dịch giữa HTX với nông dân khá linh hoạt.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông sản do HTX tiêu thụ, HTX đã đề nghị nông dân sản xuất theo kế hoạch với chất lượng và tiêu chuẩn thống nhất với nhau và ưu tiên bán cho HTX. Tỷ lệ hoa hồng HTX chiết khấu của xã viên thấp nhằm tiết giảm chi phí và tăng cạnh tranh của sản phẩm. Các HTX tiêu thụ nông sản theo quy mô lớn, không chỉ ở chợ địa phương mà thông qua liên đoàn tiêu thụ trên toàn quốc với các khách hàng lớn như công ty, bệnh viện… HTX đã mở rộng hệ thống phân phối hàng hoá khá tốt ở Nhật Bản.
HTX cung ứng hàng hoá cho xã viên theo đơn đặt hàng và theo giá thống nhất và hợp lý. Các HTX đã đạt đến trình độ cung cấp cho mọi xã viên trên toàn quốc hàng hoá theo giá cả như nhau, nhờ đó giúp cho những người ở các vùng xa xôi có thể có được hàng hoá mà không chịu cước phí quá đắt.
HTX nông nghiệp cung cấp tín dụng cho các xã viên của mình và nhận tiền gửi của họ với lãi suất thấp. Các khoản vay có phân biệt: cho xã viên khó khăn vay với lãi suất thấp, nếu có trợ cấp chính phủ cho HTX thì khoản này được dùng để bù vào phần lỗ do lãi suất cho vay thấp. Ở Nhật Bản, HTX nông nghiệp cũng được phép sử dụng tiền gửi của xã viên để kinh doanh, một ngân hàng HTX nông nghiệp được thành lập và hoạt động để giúp các HTX quản lý số tín dụng cho tốt và được quyền cho các tổ chức kinh tế công nghiệp vay nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp.
HTX nông nghiệp còn sở hữu các phương tiện sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản để tạo điều kiện giúp nông dân sử dụng các phương tiện này hiệu quả nhất, hạn chế sự chi phối của tư nhân. Hơn nữa, các HTX còn là diễn đàn để nông dân kiến nghị Chính phủ các chính sách hợp lý cũng như tương trợ lẫn nhau giữa các HTX và địa phương. Các HTX nông nghiệp Nhật Bản còn tiến hành các nhiệm vụ giáo dục xã viên tinh thần HTX thông qua các tờ báo, phát thanh, hội nghị, đào tạo, tham quan ở cả ba cấp HTX nông nghiệp cơ sở, tỉnh và Trung ương.
Như vậy, có thể thấy rằng HTX nông nghiệp Nhật Bản đã phát triển từ các đơn vị đơn năng đến ngày nay trở thành các đơn vị đa năng dịch vụ mọi mặt cho cho nhu cầu của nông dân và tổ chức liên kết quy mô lớn toàn quốc. Một nước công nghiệp hoá như Nhật Bản, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả vẫn là hộ gia đình, do đó HTX nông nghiệp, một mặt được thành lập để hỗ trợ nông dân, giúp cho họ vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa cải thiện cuộc sống ở nông thôn, mặt khác vẫn tôn trọng mô hình kinh tế nông hộ và chỉ thay thế hộ nông dân và tư thương ở khâu nào HTX tỏ ra có ưu thế hơn hẳn trong tương quan với mục tiêu hỗ trợ nông dân.
2. Kinh nghiệm phát triển HTX của Hàn Quốc
(i) Năm 1961, nhận thấy lực lượng nông dân có ý nghĩa sống còn về kinh tế và chính trị với đất nước, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập Liên đoàn HTX nông nghiệp Quốc gia (NACF) dựa trên hai tổ chức hoạt động độc lập lúc đó là Ngân hàng nông nghiệp và tổ chức HTX cũ. Sau đó, Liên đoàn tiến hành thiết lập mạng lưới HTX từ trung ương xuống cơ sở nhằm thực hiện hai mục tiêu cơ bản: i) Cung cấp vốn cho nông dân. Trong giai đoạn này, thị trường vốn hoạt động yếu, đặc biệt trên địa bàn nông thôn, nông dân thường phải vay nặng lãi, ảnh hưởng xấu tới sản xuất và đời sống. Do đó, chính phủ Hàn quốc đã ban hành luật cấm cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và thông qua hoạt động của các HTX nông nghiệp hỗ trợ vốn cho nông dân mua nguồn vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. ii) Tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Để thúc đẩy đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp như một biện pháp nâng cao đời sống của cộng đồng nông thôn, Chính phủ tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp mở rộng vai trò trong hoạt động tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động của các HTX trong những năm đầu của thập kỷ 1960 không phát triển do 3 nguyên nhân sau: a) Việc xây dựng hệ thống HTX là sự áp đặt từ trên xuống, không đáp ứng nhu cầu của nông dân. Việc thành lập NACF không gặp trở ngại do quyết tâm và sự đầu tư tập trung của Chính phủ, tuy nhiên cách làm này không xuất phát từ nhu cầu tự phát của nông dân, họ chưa cảm nhận được sự cần thiết của việc tham gia HTX; b) trình độ sản xuất thấp. Trong thời kỳ này, sản xuất nông nghiệp Hàn quốc chưa phát triển, mang tính tự cung tự cấp, sản lượng hàng hóa thấp. Do đó, nhu cầu của nông dân đối với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ không cao; iii) quy mô các HTX cơ có quy mô hoạt động nhỏ, thiếu vốn, do đó không thể đóng vai trò chủ đạo và có tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế của nông dân.
HTX nuôi trồng các loại rong biển phục vụ công nghệ chế biến các sản phẩm cao cấp ở Hàn Quốc
Từ năm 1980, hệ thống HTX nông nghiệp không ngừng hoàn thiện về tổ chức và hình thức hoạt động và đến nay đã rất hoàn chỉnh. NACF có nhiều chức năng của một tổ chức kinh doanh đa ngành, từ tiếp thị sản phẩm, chế biến, cung cấp vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng, tín dụng và bảo hiểm, vận tải, lưu kho, quảng canh và các dịch vụ hỗ trợ cho 5 triệu nông dân, nắm giữ 40% thị phần nông phẩm trong nước và là một ngân hàng có số tiền gửi lớn nhất trong nước, tổng số lao động làm việc trong các cơ sở của liên đoàn là 17.806 người và 51.231 nhân viên làm việc trong các HTX.
Hiện nay, phong trào HTX ở Hàn Quốc phát triển rất mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng và nghề cá. Hàn Quốc có khoảng 1.239 HTX nông nghiệp gồm các HTX dịch vụ nông nghiệp, sản xuất cây lương thực, chăn nuôi gia súc và hơn 88 HTX chuyên trồng cây ăn quả, hoa, rau, nhân sâm, thu hút 100% nông dân tham gia làm xã viên với khoảng 2,4 triệu người. Tất cả các HTX này đều là thành viên của Liên đoàn HTX nông nghiệp Hàn Quốc, tạo thành một hệ thống thống nhất triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông dân từ khâu lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, chế biến và tiêu thụ nông sản cho đến cung cấp các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm. Hệ thống HTX nông nghiệp hiện có 4600 các chợ và cửa hàng bán nông sản trên cả nước giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với tổng doanh số đạt 37 ngày tỷ won/năm; 5.041 văn phòng, các điểm giao dịch phục vụ các hoạt động ngân hàng trên toàn quốc với 36 triệu khách hàng, chiếm 67% dân số Hàn Quốc. Dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn quốc gia, các HTX nông nghiệp được xây dựng thành những trung tâm tài chính, văn hoá và phúc lợi của địa phương, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nông dân và người dân nông thôn.
Là quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển ở Đông Bắc Á, một nền kinh tế công nghiệp phát triển nhưng Hàn Quốc vẫn bảo đảm công việc và thu nhập của số lao động nông nghiệp chiếm 11,6% lao động Hàn Quốc. Cũng như nhiều quốc gia châu Á, các nông trại gia đình của Hàn Quốc là đơn vị kinh tế tự chủ nhưng quy mô trang trại nhỏ, bình quân chỉ có 1,3ha/hộ. Cho đến năm 1960, nông nghiệp vẫn chiếm ½ GDP của nền kinh tế và ½ lao động, nhưng đến năm 2000 chỉ chiếm 4,4% GDP, năm 2002 chiếm 3,5% và sử dụng 2,3 triệu lao động. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề nhạy cảm của các quốc gia công nghiệp hoá, nông nghiệp của Hàn Quốc có bước chuyển mạnh sang các hoạt động dịch vụ để nông dân tiếp cận với thị trường, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh với sức ép mở cửa thị trường sản phẩm nông nghiệp trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Hàn Quốc có khả năng cân đối lương thực, trong điều kiện nhu cầu lương thực giảm và đòi hỏi chất lượng lương thực cao. Việc nhập khẩu gạo phải theo cam kết WTO, tiêu dùng sản phẩm rau tăng lên và nông dân phải đối mặt với sản phẩm rau quả nhập từ Trung Quốc.
Từ năm 1980, hệ thống HTX nông nghiệp không ngừng hoàn thiện về tổ chức và hình thức hoạt động và đến nay đã rất hoàn chỉnh. Cơ quan đứng đầu của Hệ thống là NACF, trong đó có hai nhánh là HTX cơ sở và HTX ở đô thị. Chủ nhiệm HTX do xã viên bầu. Chủ tịch và Kiểm toán viên chính của NACF do các chủ nhiệm HTX cơ sở bầu lên. Các thành viên khác của ban lãnh đạo NACF được Chủ tịch đề cử và hội nghị đại biểu của chủ nhiệm HTX cơ sở chấp thuận. NACF có nhiều chức năng của một tổ chức kinh doanh đa ngành, từ tiếp thị sản phẩm, chế biến, cung cấp vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng, tín dụng và bảo hiểm, vận tải, lưu kho, quảng canh và các dịch vụ hỗ trợ cho 5 triệu nông dân.
Thứ nhất, HTX giúp mở rộng chế biến sản phẩm nông nghiệp để tăng tốc độ tiêu thụ hàng nông sản. Ngành nông nghiệp Hàn Quốc đã và đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức, do đó NAFC đã chủ động xây dựng một chương trình tiêu thụ sản phẩm. Các HTX nông nghiệp của Hàn Quốc rất chú trọng đến việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, qua đó tăng giá trị nông sản, tạo thu nhập và việc làm cho dân cư nông thôn và tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản. Số lượng nhà máy chế biến nông sản hiện đại với quy mô lớn trên toàn quốc tăng từ 9 năm 1988 lên 153 năm 1998; Khoa công nghệ thực phẩm đã được thành lập tại nhiều trường Đại học Hàn Quốc vào năm 1991 để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực chế biến nông sản cho các HTX.
Chế biến là con đường tăng giá trị nông sản, lấy lãi từ các nhà máy này để tái đầu tư cho các HTX thành viên và tăng giá trị thu mua nông sản. NACF đã tổ chức nhiều nhà máy chế biến gạo, kim chi, chè, đậu tương, tinh bột, tinh dầu. Với công nghệ hiện đại, sản phẩm có phong cách riêng nên thị trường của NACF đã mở rộng ra nhiều quốc gia, phục vụ món ăn kim chi, đồ uống, gạo, rau, hoa quả, sâm,... cho các hãng hàng không quốc tế như hàng Hàng không Quốc gia Hàn Quốc, Hàng không châu Á,…
Thứ hai, HTX nông nghiệp giúp tiếp thị hàng nông sản của Hàn Quốc. NACF đã tập trung phát triển hoạt động thị trường nông sản (TTNS).Trong NACF có Trung tâm bán buôn và phân phối nông sản chịu trách nhiệm nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và bảo vệ thị trường nhằm đưa sản phẩm của HTX đến với người tiêu dùng.Hệ thống này bao gồm các tổ hợp thương mại, kho tàng hiện đại, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, chợ nông dân.
NACF đã tổ chức hệ thống tiêu thụ gồm 99 trung tâm bán buôn nông sản và 12 “Câu lạc bộ Hanaro” - cửa hàng giảm giá lưu kho cho các thành viên và 2.206 “Hanaro Mart” - siêu thị cho những người không phải là xã viên và các tổ hợp tiếp thị nông sản. Mô hình này đã giảm chi phí tiếp thị đơn lẻ, của các thành viên, mặt khác các thành viên bán sản phẩm ổn định với mức giá có lợi. Năm 1997, NACF đổi mới phương thức bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng cách xây dựng 8 tổ hợp phân phối hàng nông sản liên kết với các nhà phân phối khác cùng với công nghệ phân loại, sơ chế, bảo quản, bao gói,... ở Seoul và các thành phố lớn trên toàn quốc.
Diện tích lãnh thổ Hàn Quốc nhỏ, NACF đã tổ chức hữu hiệu cơ chế “mua tận gốc, bán tận ngọn”, đầu tư các xe chuyên dùng cùng với các trung tâm thu mua mới. NACF quản lý một mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ cửa nông trại đến người tiêu dùng với 1.500 ô tô chuyên dụng, 1.108 trung tâm tập trung hàng, hỗ trợ cho 20,5 ngàn nhóm vận chuyển hàng hoá của các HTX nông nghiệp. Cơ chế tái phân phối lợi nhuận cho quỹ hỗ trợ vận tải hàng hóa của HTX đã làm tăng giá trị nông sản hàng hóa của hợp tác xã, tăng tỷ trọng hàng hóa của HTX chiếm đến 70% doanh số bán hàng nông sản của NACF. NACF chú trọng các nhu cầu cá biệt của khách hàng là người nước ngoài, nhu cầu trong các ngày lễ, nhu cầu của chính nông dân mỗi vùng, mở ra các kênh tiêu thụ hướng dẫn sản xuất, phân loại sản phẩm, chuẩn bị chân hàng kịp thời vụ. Bên cạnh đó, NACF đã mở Trung tâm buôn bán hàng nông sản tại NewYork, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Việc kinh doanh nông sản của NACF giải quyết tốt yêu cầu căn bản là tiêu thụ nông sản cho nông dân và đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm tối thiểu chi phí lưu thông hao hụt mất mát, do đó, hiện nay, Liên đoàn quản lý một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và cạnh tranh mạnh nhất, nắm giữ 40% thị phần buôn bán nông sản trên thị trường Hàn Quốc.
3. Kinh nghiệm phát triển HTX của Israel
Israel là một nước nhỏ ở Trung Đông có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, 2/3 diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu nơi đây cực kỳ khô hạn không thích hợp cho nông nghiệp. Khoảng 1/4 diện tích Israel là đất nông nghiệp. Mặc dù lao động trong nông nghiệp chỉ chiếm 3,7% tổng lực lượng lao động trong nước, Israel tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm, phần còn lại được bổ sung từ việc nhập khẩu ngũ cốc, các loại hạt lấy dầu, thịt, cà phê, ca cao, đường. Tổng diện tích đất canh tác đã tăng từ 1.650 km2 (năm 1948) lên 4.300 km2 hiện nay, số cộng đồng nông nghiệp tăng từ 400 lên 725. Sản lượng nông nghiệp tăng 16 lần, nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng dân số (Russell A. Stone, 2020).
Israel là nơi khai sinh ra hai loại hình cộng đồng nông nghiệp độc đáo, cộng đồng HTX Kibbutz và Moshav (Russell A. Stone, 2020; FAO, 2013). Kibbutz- được hình thành từ năm 1949 và tồn tại cho đến ngày nay, theo tiếng Do Thái có nghĩa là “tổ hợp” hay là “hợp tác xã”, một hình thức tổ chức kinh tế nông - công nghiệp nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới đang tồn tại ở Israel.
Một người mẹ cùng hai con dạo chơi trên cánh đồng hoa tại kibbutz Nir Yitzhak, miền nam Israel.
Hiện nay trên toàn đất nước Israel có khoảng 270 Kibbutz, trung bình mỗi Kibbutz này có trên dưới 300 xã viên, hoạt động tương tự như nhau, sở hữu những cánh đồng trồng cây nông nghiệp, trại chăn nuôi gia súc, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ như sản xuất bột giặt, đồng hồ đo nước xuất khẩu, van và khớp nối ống nước... Kiến trúc Kibbutz theo hình tròn, tâm điểm là các công trình công cộng. Tỏa đều ra từ trung tâm là các hộ dân, mỗi hộ được chia 4,5 ha đất. Phần giáp trung tâm là nhà ở, phía sau là đất canh tác hay chăn nuôi. Lãnh đạo Kibbutz gồm một hội đồng 21 người do tất cả xã viên trên 18 tuổi bầu, Hội đồng bầu chọn chủ nhiệm. Chủ nhiệm là người duy nhất có lương, chịu trách nhiệm điều phối mọi hoạt động của Kibbutz trong nhiệm kỳ 4 năm.
Kibbutz là mô hình kinh tế đặc biệt với nguyên tắc đặc trưng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, trong đó tài sản và các phương tiện sản xuất được sở hữu chung và mọi quyết định được hội đồng các thành viên bỏ phiếu tán thành. Trong Kibbutz, các thành viên có trách nhiệm và tận tụy với cộng đồng, mặt khác họ được đáp ứng mọi nhu cầu từ lúc sơ sinh đến khi về già. Mọi thành viên thuộc gia đình các xã viên Kibbutz đều được ăn miễn phí hàng ngày hai bữa sáng và trưa tại một bếp ăn tập thể ở giữa làng tổ chức theo hình thức phục vụ món ăn tự chọn, riêng bữa tối, các gia đình tổ chức ăn ở nhà để cho gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mình.
Các xã viên Kibbutz không cần phải mua xe ôtô riêng. Mỗi Kibbutz đã mua khoảng 60 ôtô con các loại để tại một bãi xe có người trông coi. Nếu xã viên nào cần dùng xe, chỉ việc vào website của Kibbutz rồi tìm chọn những xe nào còn rỗi thì cứ việc tới bãi xe lấy chìa khoá ôtô mình cần để dùng thoải mái theo nhu cầu. Xăng, sửa chữa và các chi phí khác cho xe do Kibbutz chịu trách nhiệm. Trường hợp cần xe lớn hơn những chiếc xe có sẵn, xã viên có thể yêu cầu ban quản lý xe đi thuê theo yêu cầu của mình, Kibbutz sẽ thanh toán cho tiền thuê đó. Kibbutz xây dựng và cấp miễn phí nhà ở cho các gia đình xã viên. Khi cần xây dựng mở rộng và cải tạo theo ý mình, chủ nhà trao đổi với ban quản trị sẽ có đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu của chủ nhà, Kibbutz thanh toán chi phí.
Kibbutz cấp miễn phí hoặc trả toàn bộ tiền điện, nước, gas cho các gia đình xã viên. Con em xã viên được Kibbutz cấp học bổng toàn phần cho thời gian học 12 năm phổ thông và đại học trong nước. Khi các xã viên và con cái họ ốm đau, Kibbutz chịu trách nhiệm thanh toán hoàn toàn mọi chi phí về y tế căn cứ vào thực tế chữa bệnh theo nhu cầu.
Xã viên Kibbutz được nghỉ hưu theo quy định chung của nhà nước ở tuổi 69 đối với nam giới, 67 đối với nữ giới. Nhưng ở Kibbutz nếu muốn, xã viên có thể tiếp tục làm việc trong thời gian tuỳ thích.Khi tuổi già, sức yếu hoặc bệnh tật, xã viên được đến trại dưỡng lão miễn phí hoặc được Kibbutz thuê người lao động nước ngoài đến chăm sóc tại gia đình. Ngoài các hưởng thụ theo nhu cầu do Kibbutz chi phí, mỗi xã viên được nhận phụ cấp 350 USD/tháng (1.300 shekol/tháng) để chi phí cá nhân. Mức phụ cấp này bằng nhau đối với tất cả mọi người, không phân biệt vị trí công tác của xã viên dù là giám đốc, chủ nhiệm hay người lao động bình thường.
Moshav cũng là một loại hình HTX nông nghiệp độc đáo của Israel. Đây là một làng nông nghiệp trong đó mỗi một gia đình đều duy trì trang trại riêng của mình. Hợp tác giữa các thành viên trong Moshav được áp dụng trong việc mua bán, tiếp thị và cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng, chính họ cung cấp phần lớn lượng nông sản cho đất nước. Moshav thực chất là một dạng tổ chức HTX phức tạp của Israel, bao gồm năm thành tố:
(1) Là một tập thể hợp tác toàn diện trên mười lăm phương diện: tín dụng và tiết kiệm, kế toán, hưu trí, bảo hiểm, cung cấp nguyên liệu đầu vào, sản xuất, tưới tiêu, tích trữ hàng, xử lý sản phẩm, tiếp thị, tiêu thụ, xây dựng, nhà ở, vận tải và các dịch vụ kỹ thuật;
(2) Mỗi Moshav gắn liền với một làng mạc nào đó và mọi dân làng đều là thành viên.
Vì vậy, danh tính của Moshav cũng chính là danh tính của một làng cùng toàn thể cộng đồng
cư dân;
(3) Moshav cung cấp toàn diện những dịch vụ cần thiết cho cộng đồng, gồm giáo dục, tôn giáo, văn hóa, hoạt động xã hội, phong trào thanh thiếu niên, thể thao, y tế, công viên, xử lý rác thải, ánh sáng công cộng, đường sá và các tiện ích cho người cao tuổi. Trưởng làng là người chịu trách nhiệm trong cung cấp các dịch vụ cộng đồng này cũng đồng thời là chủ nhiệm hợp tác xã;
(4) Các thành viên trong cộng đồng đều phải tự nguyện sống trong Moshav và tham gia các hoạt động của nó. Tuy nhiên, mỗi cá nhân tự lựa chọn cách thức làm việc của mình trong mọi khía cạnh công việc, làm những gì họ thấy là hợp lý và phù hợp nhất cho khả năng của mình;
(5) Các thành viên trong Moshav chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là khi có khó khăn. Sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên cho phép vận hành một cơ chế tín dụng hợp tác, trong đó các thành viên cùng tham gia vay các khoản tín dụng và cùng chia sẻ nghĩa vụ thanh toán.
4. Kinh nghiệm phát triển HTX của Đức
(i) CHLB Đức được coi là một trong những chiếc nôi đầu tiên của mô hình kinh tế HTX ở châu Âu. Từ những năm 40 của thế kỷ 19, Friedrich Wilhelm và SchlulzeDelitz đã có ý tưởng về mô hình kinh tế HTX (Deutschland (2015). Mô hình này ngay sau đó được thành lập và phổ biến ở một số địa phương. Mặc dù là một nước công nghiệp phát triển, trong quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại, một nửa diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, cả nước Đức có hơn 3000 hợp tác xã, thu hút khoảng 2,2 triệu thành viên. Ngoài dịch vụ cung cấp cho thành viên ra, các HTX nông nghiệp tạo ra khoảng 150.000 việc làm trực tiếp.
(ii) Các HTX nông nghiệp của CHLB Đức hoạt động đa dạng ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác nhau trong ngành nông nghiệp cũng như ở các ngành nghề khác như dịch vụ quản lý chợ, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ vật liệu xây dựng, dịch vụ sấy khô, đóng gói sản phẩm, dịch vụ than, dầu đốt, tiết kiệm - tín dụng nội bộ... Trong đó có: Lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp tổng hợp 29,02%, lĩnh vực mua bán nông nghiệp 13,3%, lĩnh vực sữa và sản phẩm sữa 9,44%, lĩnh vực trồng và bảo quản nho 6,96%, lĩnh vực cung cấp nước sạch 4,33%, lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt 3,07%, lĩnh vực chế biến rau, quả 2,26%, lĩnh vực trồng cỏ và chế biến thức ăn gia súc 2,13%, lĩnh vực cung cấp điện 1,63%, lĩnh vực dịch vụ máy nông nghiệp 1,51%, lĩnh vực thủy hải sản 1,13%, lĩnh vực hoa, cây cảnh 0,94%, lĩnh vực bánh mỳ, bánh ngọt 0,72%, lĩnh vực dịch vụ nhà kho, nhà đông lạnh 0,53%, lĩnh vực chế biến rượu nho 0,31% và các lĩnh vực khác là 23,7%.
Các HTX nông nghiệp của Đức hiện đang nắm thị phần cao đối với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng, chẳng hạn như 70% thị phần sản phẩm thịt chế biến, hơn 60% thị phần của các sản phẩm sữa, hơn 30% thị phần rượu nho,... Các dịch vụ của HTX ở Đức gồm: i) Cung cấp các dịch vụ đầu vào như cung cấp dịch vụ thuỷ nông, điện, cung cấp nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp như hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc...; ii) các dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, chú trọng hỗ trợ về gia công, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm của thành viên với giá tốt nhất, có lợi nhất cho thành viên. Nhiều HTX nông nghiệp đã xây dựng được các xưởng sản xuất, nhà máy hiện đại để chế biến sản phẩm của nông dân thành các thành phẩm có giá trị thương mại cao.
(iii) Chú trọng định hướng, tư vấn và hỗ trợ thành viên của mình trong việc trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến theo đúng các tiêu chuẩn, quy định cần thiết. Bởi lẽ theo xu thế chung của thị trường, các loại nông sản sinh thái, các sản phẩm lương thực, thực phẩm “sạch” ngày càng được ưa chuộng và có giá trị thương mại cao. Do đó các sản phẩm thịt “sạch”, sữa “sạch”, rau quả “sạch”… mang thương hiệu HTX đang là những sản phẩm rất có lợi thế trên thị trường tiêu dùng ở Đức, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm làm ra tốt hơn, hiệu quả hơn, mặc dù cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn.
5. Một số giá trị tham khảo cho phát triển HTX ở Việt Nam
Thứ nhất, KTTT, mà trọng tâm là HTX là một thực thể tồn tại khách quan, độc lập với các chủ thể và thành phần kinh tế khác. KTTT, HTX vẫn phát triển mạnh ở các nền kinh tế có trình độ phát triển cao như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Thứ hai, KTTT, HTX có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế. Do đó, HTX cần được thiết lập cơ cấu tổ chức HTX phù hợp trình độ phát triển kinh tế. Thiết lập một cơ cấu tổ chức HTX phù hợp là rất quan trọng. Tổ chức HTX nông nghiệp cấp quốc gia hoặc cấp vùng không phải là cấp trên của các HTX ở làng, xã mà là tổ chức tạo ra sự hợp tác giữa các HTX cơ sở với nhau, cũng như tạo ra sự hợp tác giữa các HTX cơ sở với các tổ chức, doanh nghiệp liên quan nhằm cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân để họ có thể sản xuất đúng cái mà thị trường cần, tạo thị trường rộng lớn cho HTX, phát huy lợi thế nhờ quy mô, thúc đẩy số người tự. Kinh nghiệm phát triển HTX nông nghiệp thành công ở các nước cho thấy thiết lập cơ cấu tổ chức phù hợp là một trong những nguyên nhân thành công cơ bản của các mô hình này. Trừ những trường hợp đặc biệt như ở CHLB Đức và Israel thì không một đất nước nào có phong trào HTX nông nghiệp thành công chỉ với việc hình thành duy nhất các HTX nông nghiệp cơ sở ở cấp thôn, xã hay thị trấn.
Cơ cấu tổ chức của mỗi HTX nông nghiệp cơ sở về cơ bản ở các nước đều giống nhau. Tất cả các HTX nông nghiệp thành công đều thực hiện nguyên tắc dân chủ, tránh sự áp đặt của một cá nhân, nhóm xã viên hay một tổ chức nào trong hợp tác xã, đồng thời thực hiện phân phối đều lợi ích thu được. Các HTX nông nghiệp được thành lập theo nguyên tắc góp cổ phần thì tỷ lệ cổ phần của các thành viên luôn được duy trì ở mức dưới 3% vốn điều lệ nhằm tránh gây sức ép về vốn trong quá trình hoạt động theo kinh nghiệm ở CHLB Đức.
Các HTX nông nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, duy trì hình thức chỉ bầu ban quản trị, ban chủ nhiệm và các ban chuyên môn khác từ các xã viên thường xuyên. Điều này vừa nhằm phát huy thế mạnh nông nghiệp địa phương, vừa tránh được sức ép của các thành viên đến từ địa phương khác, khu vực khác thành thị vốn có những thế mạnh lớn hơn cư dân địa phương, nơi hình thành HTX. Đáng chú ý là các chi phí hoạt động của các cơ quan quản lý HTX nông nghiệp đều ở mức thấp nhất có thể; chỉ chủ nhiệm được hưởng lương và làm toàn thời gian, các thành viên quản lý khác đều kiêm nhiệm và không hưởng lương trong nhiều trường hợp.
Cơ cấu tổ chức HTX theo nguyên tắc hợp tác cùng có lợi dựa trên sự tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên cũng được triệt để tôn trọng, góp phần làm nên sự thành công của mô hình HTX nông nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Trừ mô hình Kibbutz của Israel ra, xã viên của tất cả các mô hình HTX nông nghiệp thành công khác đều làm chủ tư liệu sản xuất của mình, tự do sáng tạo trên mảnh đất của mình theo định hướng phát triển sản xuất thống nhất của HTX.
Thứ ba, tận dụng và khai thác thế mạnh của các thành phần kinh tế trong xã hội. Các mô hình HTX nông nghiệp thu được nhiều thành công trên thế giới đều biết cách tận dụng thế mạnh liên kết của các đơn vị, tổ chức và các thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội. Ngoài việc liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau như tín dụng, kinh doanh… việc không hạn chế các xã viên liên kết trong các HTX nông nghiệp Nhật Bản hay việc coi xã viên là những khách hàng của mình như các HTX nông nghiệp của CHLB Đức đã tạo ra khả năng tận dụng các thế mạnh đến từ rất nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội.
Những thành viên liên kết này vừa chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin trung thực các tín hiệu thị trường góp phần định hướng sản xuất của HTX, vừa là những tổ chức tiêu thụ sản phẩm của HTX một cách phù hợp và hiệu quả. Nhờ kết hợp các thông tin thị trường và thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của các thành viên HTX mà HTX nông nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sản xuất từ đầu vào đến khi tiêu thụ sản phẩm của xã viên một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, đem lại lợi ích kinh tế cho cả xã viên và HTX.
Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ các xã viên trong HTX nông nghiệp còn tạo ra khả năng tận dụng hết công suất của máy móc, thiết bị, tư liệu sản xuất và cơ sở vật chất sẵn có khiến cho chi phí sản xuất nông sản giảm đến mức thấp nhất có thể, tạo điều kiện nâng cao tính cạnh tranh, khả năng tiêu thụ nông sản và nâng cao lợi ích, thu nhập của xã viên. Phát huy sức mạnh nội tại của các dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất của xã viên HTX nông nghiệp là một trong những chìa khóa tạo nên sự phát triển bền vững của mô hình HTX.
Thứ tư, thực hiện hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Tiêu thụ sản phẩm do người nông dân làm ra là vấn đề khó khăn, nan giải và cần thiết nhất đối với nông dân, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường như hiện nay. Nhiều mô hình HTX nông nghiệp thành công trên thế giới nhờ hỗ trợ tốt nông dân tiêu thụ sản phẩm.
HTX nông nghiệp chủ động trong việc định hướng sản xuất cho các xã viên của mình tại các kỳ họp toàn thể, các thông tin thị trường của các xã viên, nhất là các xã viên liên kết hoặc từ các khách hàng của mình và định hướng của lãnh đạo HTX. Sự liên kết giữa các xã viên trong HTX nông nghiệp, giữa các HTX nông nghiệp với nhau và giữa HTX nông nghiệp với các tổ chức, doanh nghiệp liên quan trong xã hội là những yếu tố quan trọng tạo nên định hướng sản xuất của mỗi xã viên trong các HTX nhờ đó mà mỗi xã viên HTX đều biết mình sẽ bán sản phẩm ở đâu, bán như thế nào.
Chất lượng sản phẩm và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất của các xã viên luôn được chú trọng và bảo đảm thông qua các dịch vụ hỗ trợ huấn luyện, dịch vụ khuyến nông, thông qua yêu cầu của người tiêu thụ và quy định của luật pháp. Ứng dụng hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của mỗi xã viên đối với sản phẩm của xã viên. Việc phục vụ nhu cầu cho một số đông xã viên phát huy lợi thế nhờ qui mô đã giúp HTX có thể phối hợp làm tốt tất cả các khâu từ vận chuyển, lựa chọn, đóng gói sản phẩm đến tiêu thụ, thanh toán sau bán hàng, phối hợp điều chỉnh cung, cầu để ổn định giá cả. Dịch vụ hỗ trợ này của HTX nông nghiệp khiến cho xã viên ngày càng yên tâm hơn trong việc sản xuất, cũng như tham gia vào HTX. Các HTX nông nghiệp ở Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… còn tổ chức các hoạt động chế biến nông sản tại địa phương nhằm tạo sản phẩm mới với giá trị gia tăng cao hơn, qua đó nâng cao thu nhập của xã viên, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và tô đậm giá trị văn hóa riêng của mỗi địa phương trong sản phẩm. Thành công của phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở Nhật Bản là do chú trọng đến đặc điểm riêng mỗi vùng. Các hoạt động tín dụng và thanh toán của HTX nông nghiệp vừa là một dịch vụ hỗ trợ cho xã viên, lại vừa là một công cụ đắc lực trong hoạt động của HTX.
Thứ năm, HTX là công cụ giúp người nghèo nâng cao vị thế kinh tế xã hội, là công cụ hữu hiệu trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của người nghèo, các nhóm yếu thế, là những tổ chức trách nhiệm xã hội, có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới, xoá bỏ các hình thức bóc lột, tăng cường hội nhập xã hội, góp phần phát triển, lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống. Do đó, kinh nghiệm thành công cho thấy HTX nông nghiệp chú trọng thực hiện các hoạt động xã hội ở nông thôn.
Các HTX nông nghiệp, đặc biệt là HTX ở Nhật Bản hay mô hình Kibbutz và Moshav ở Israel chú trọng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội ở khu vực nông thôn như các dịch vụ bảo hiểm, phúc lợi xã hội, phúc lợi hưu trí, dịch vụ cưới hỏi, tang ma,… qua đó kết nối cộng đồng cư dân nông thôn với nhau trong các hoạt động kinh tế của khu vực nông thôn, làng xã. Chính điều này đã tạo ra các mô hình HTX nông nghiệp thành công trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, các nước trong khu vực Đông Á.
Thứ sáu, kinh nghiệm quốc tế cho thấy HTX chính là con đường thúc đẩy sản xuất ở nông nghiệp, nông thôn phát triển, đây chính là con đường mà các hộ sản xuất, hộ nông dân, hộ tiểu chủ, những đối tượng chiếm số đông nhưng lại có tiềm lực yếu, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường cần lựa chọn.
Thứ bảy, Nhà nước hỗ trợ HTX nông nghiệp khởi nghiệp. Các quốc gia có mô hình HTX thành công đều coi kinh tế HTX là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế và chú trọng hỗ trợ các HTX khởi nghiệp. Mô hình HTX khởi nghiệp thực hiện mỗi làng một sản phẩm đã phát huy hiệu quả tại các sâu, xa và nghèo, không thể thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt và từ những người đang làm việc trong các dự án để xóa đói giảm nghèo.
Thứ tám, kinh nghiệm quốc tế và bài học thành công về HTX trong nông nghiệp, nông thôn ở nhiều nước như đã nêu ở trên là chứng minh sinh động rằng HTX chính là con đường thúc đẩy sản xuất ở nông nghiệp, nông thôn phát triển, đấy chính là con đường mà các hộ sản xuất, hộ nông dân, hộ tiểu chủ, những đối tượng chiếm số đông nhưng lại có tiềm lực yếu, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường cần lựa chọn.
Các yếu tố then chốt thúc đẩy HTX phát triển gồm: Lòng tin của các thành viên với HTX; kết nối đầu ra cho sản phẩm - dịch vụ của HTX; trình độ quản trị kinh doanh; khả năng tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ (vốn, đất đai, nhân lực, pháp lý); trình độ nguồn nhân lực và khả năng công nghệ trong HTX.
Từ kinh nghiệm phát triển HTX của các nước cho thấy, các HTX tại Việt Nam cần sáng tạo, đổi mới mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với liên kết chuỗi giá trị, mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, HTX có quy mô lớn có sức lan tỏa… triển khai sâu, rộng ở các địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX và các doanh nghiệp nhằm tránh rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy KTTT, HTX,…
Nguồn (Theo b/c của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Hội thảo “Một số vấn đề lý luận - Thực tiễn về phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới”)