22/01/2025 lúc 19:55 (GMT+7)
Breaking News

Kiên Giang áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang là cơ sở y tế tuyến cuối ở tỉnh, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại và nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

Là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng và dân số đông, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong tỉnh Kiên Giang khá lớn. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và nhân lực phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, khám chữa bệnh nói riêng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang là cơ sở y tế tuyến cuối ở tỉnh, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại và nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Đơn vị này đã triển khai thực có hiệu quả các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh như: Điều trị bằng oxy cao áp; hồi sức tim - phổi; hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn ngoài cơ thể (Ecmo) trong điều trị suy hô hấp tuần hoàn; phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần; đặt stent nong mạch vành, chụp DSA can thiệp mạch não; can thiệp lấy huyết khối mạch máu não, thả coil làm tắc các túi phình mạch não; lọc máu liên tục; ứng dụng định vị thần kinh trong phẫu thuật não, cột sống; vi phẫu thuật cắt u ở cột sống, tủy sống... thay huyết tương, trong điều trị ngộ độc, sóc nhiễm trùng.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Lưu Ngọc Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, đến cuối năm 2023, Bệnh viện có hơn 350 bác sĩ, trong đó có 4 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 35 bác sĩ chuyên khoa II, hơn 100 bác sĩ chuyên khoa I. Đơn vị đang đưa đi đào tạo sau đại học 31 người. Hai năm gần đây, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị càng nhiều ca bệnh hiểm nghèo, phức tạp. Trung bình hàng năm, Bệnh viện khám bệnh cho gần 400.000 lượt, điều trị nội trú hơn 70.000 lượt.

"Tỉnh quan tâm đầu tư xây bệnh viện mới với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc hiện đại. Cùng với đó, bệnh viện đã cử các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi đào tạo. Nhờ đó, nguồn nhân lực đáp ứng tốt các kỹ thuật cao. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao qua từng năm. Đặc biệt, Bệnh viện cứu sống nhiều ca bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim trong khung giờ vàng", bác sĩ Chuyên khoa II Lưu Ngọc Dung chia sẻ.

Về một số định hướng trong phát triển khai kỹ thuật cao, theo bác sĩ Lưu Ngọc Dung, Bệnh viện triển khai can thiệp mạch tạng, kỹ thuật vừa nội soi siêu âm để vừa chẩn đoán vừa điều trị sớm các bệnh lý ung thư tiêu hóa; can thiệp đặt tent mạch máu não các trường hợp khó; cắt đốt điện sinh lý trong buồng tim…

Huyện Giồng Riềng có số hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh (hơn 2.000 hộ). Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả tích cực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, công tác khám chữa bệnh nói riêng. Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Minh Giàu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, trung bình mỗi ngày, trung tâm khám bệnh ngoại trú cho khoảng 500 - 600 người, điều trị nội trú hơn 200 người.

Trung tâm Y tế huyện được quan tâm đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như: máy CT Scaner 32 lát cắt, máy Xquang kỹ thuật số, máy mổ mắt Pharco, máy siêu âm màu, máy nội soi… Năm 2023, đơn vị được Sở Y tế Kiên Giang cấp phép thực hiện hai kỹ thuật mới gồm: kết hợp xương đốt bàn ngón tay và kết hợp xương đốt bàn ngón chân, được chuyển giao từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Nhờ được đầu tư máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực đáp ứng các kỹ thuật khám chữa bệnh, các bác sĩ ở trung tâm đã phát hiện sớm các bệnh phức tạp và bệnh nặng cho người bệnh. Từ đó, chất lượng chẩn đoán, điều trị được nâng cao, tạo sự an tâm và tăng cường sự tin tưởng của người bệnh và người nhà. Đặc biệt là giúp tiết kiệm chi phí vì người bệnh không phải di chuyển lên tuyến trên.

"Thời gian tới, đơn vị mong được quan tâm đầu tư một số trang thiết bị để phục vụ người bệnh như: máy C-Arm trong phẫu thuật kết hợp xương, máy nội soi đại tràng, các trang thiết bị cho chuyên khoa phục hồi chức năng... Đơn vị sẽ tiếp tục đào tạo các chuyên khoa sâu như: chấn thương chỉnh hình, mắt, sản khoa, hồi sức cấp cứu", bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Minh Giàu nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Đỗ Thiện Tùng, Sở tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết định đầu tư các dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, ngành đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại như hệ thống phòng mổ hydrid, hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động Automation, hệ thống CT-Scanner 128 lát cắt, hệ thống MRI, các thiết bị xạ trị gia tốc, hệ thống PET/CT và SPECT, hệ thống cyclotron…
Sở Y tế lập quy hoạch và đưa đi đào tạo sau đại học cho cho nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa sâu như: can thiệp tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, thận nhân tạo, phẫu trị, xạ trị ung thư…. Các đơn vị đã phối hợp với bệnh viện tuyến trên, gửi ekip bác sĩ và điều dưỡng lên tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não, nội thần kinh, vi phẫu, chỉnh hình xương, thay khớp gối, khớp háng… Đến nay, các ekip đã làm chủ được các kỹ thuật mới.

"Để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, khám, điều trị bệnh được tiếp tục nâng cao, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch sử dụng, khai thác tối đa các tính năng kỹ thuật của thiết bị y tế vào chẩn đoán và điều trị bệnh; mở rộng danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, công tác chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới được ngành tích cực triển khai để nâng lên chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, tập trung vào chuyên khoa mà địa phương đã có ưu thế nhờ được đầu tư trang thiết bị hiện đại như tim mạch, ung bướu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh", Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Đỗ Thiện Tùng thông tin.