Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, từ 6/6/2022 đến 30/7/2022, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV đã thực hiện cuộc kiểm toán Hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Đoạn Nha Trang - Cam Lâm; Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Kết quả kiểm toán đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư công trình, một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án.
Qua kiểm toán, Đoàn KTNN chuyên ngành IV đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế; công tác dự toán; việc phân bổ vốn; tiến độ dự án và công tác nghiệm thu, thanh toán các gói thầu…
Cụ thể, công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế cả 3 dự án còn tồn tại trong việc thiết kế mặt cắt ngang đường bề rộng nền 17m theo Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 có chiều rộng dải an toàn lề ngoài hai bên chưa phù hợp với quy định tại Tiêu chuẩn TCVN 5729:2012; chưa đánh giá mức độ nguy hiểm để lựa chọn chiều cao dải phân cách, cấp lan can phòng hộ phù hợp để tận dụng tại giai đoạn hoàn thiện.
Ở Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Dự án 1), chưa thỏa thuận xây dựng trạm biến áp và đường dây (trước công tơ) để cấp điện cho các hệ thống điện, chiếu sáng giao thông của dự án theo quy định tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; chưa nghiên cứu phương án tận dụng tối đa vật liệu đá cấp 4 đào nền đường trong quá trình triển khai dự án, chưa áp dụng TCCS 29:2020/TCĐBVN Nền đường đắp đá - thiết kế, thi công và nghiệm thu ngày 16/3/2020 của Tổng cục đường bộ Việt Nam ban hành để thiết kế nền đường đắp đá.
Trong khi đó ở Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm (Dự án 2) và Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Dự án 3) việc đầu tư xây dựng các trạm thu phí bao gồm 01 làn thu phí một dừng chưa phù hợp theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Công tác dự toán còn tồn tại một số sai sót về khối lượng, định mức đơn giá làm tăng dự toán gần 169,9 tỷ đồng, trong đó: Dự án 1 là 29, 42 tỷ đồng, Dự án 2 là 21,13 tỷ đồng, Dự án 3 là 119,3 tỷ đồng. Kết quả so sánh giá gói thầu sau kiểm toán một số gói thầu thuộc Dự án 1 thấp hơn giá trúng thầu.
KTNN cũng chỉ ra rằng, các chuyên gia của tổ chuyên gia đấu thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường Hồ Chí Minh và Ban QLDA 85 thành lập chỉ có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp và tư vấn, chưa có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tại Dự án 2 có tình trạng phân bổ vốn hỗ trợ một phần chi phí xây dựng vào chi phí thiết bị; còn tại Dự án 3 thì phân bổ vốn hỗ trợ một phần chi phí xây dựng vào cả chi phí thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác. Tại cả 02 Dự án này, khi thanh toán hợp đồng BOT, chi phí dự phòng được phân bổ vào đơn giá các hạng mục là chưa phù hợp với hồ sơ mời thầu, hồ sơ đấu thầu.
Tiến độ dự án tại Dự án 2, 3 vượt quá quy định theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (cơ bản hoàn thành năm 2021). Tiến độ quy định tại hợp đồng BOT chậm 20 tháng ở Dự án 2 và chậm 15 tháng ở Dự án 3 so với Quyết định phê duyệt dự án.
Công tác nghiệm thu, thanh toán các gói thầu còn một số tồn tại, sai sót trong việc tính toán khối lượng nghiệm thu với giá trị 6,7 tỷ đồng; giảm hợp đồng còn lại một số hạng mục giá trị 7,05 tỷ đồng; giảm giá hợp đồng 8,27 tỷ đồng; xử lý khác gần 36,2 tỷ đồng; chưa đủ điều kiện để kiểm toán xác nhận chi phí một số hạng mục do chưa có đầy đủ hồ sơ, thủ tục làm căn cứ xác định giá trị 325, 06 tỷ đồng.
Bên cạnh một số tồn tại, hạn chế nêu trên, Đoàn KTNN chuyên ngành IV cũng chỉ ra một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án.
Theo đó, ở Dự án 2 và 3 chưa có hướng dẫn cụ thể về hoàn thuế đối với phần đầu tư của Nhà nước tham gia dự án PPP; chưa có quy định về việc xuất hoá đơn GTGT khi Doanh nghiệp dự án (DNDA) thực hiện nghiệm thu thanh toán phần vốn góp Nhà nước trong dự án BOT, chưa có quy định về kê khai nộp thuế GTGT đối với phần giá trị được nghiệm thu, thanh toán thuộc phần vốn Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình.
Một số nội dung ở Dự án 2 và 3 có sự thay đổi so với chủ trương đầu tư, bao gồm: Chiều dài tuyến, suất đầu tư của dự án, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án; tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa phù hợp theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ.
Ngoài ra, về phương án thiết kế một số hạng mục còn chưa tối ưu về kinh tế, chưa có lộ trình và thời gian cụ thể về việc triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ; phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 không bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục mà bố trí so le nhau với bề rộng và chiều dài chưa phù hợp, phương án thiết kế mái dốc 2 mái chưa tính đến việc phải bù vênh tại giai đoạn hoàn chỉnh.
Đối với dự án 1 và 3, giải pháp thiết kế kết cấu lớp móng mặt đường đá dăm gia cố xi măng (CTB) đối với các đoạn xử lý nền đất yếu chưa thực hiện theo yêu cầu của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; Tư vấn thiết kế (Bản vẽ thi công) chưa dự tính và kịp thời bố trí đo ép tại hiện trường để xác định trị số của mô đun đàn hồi đất nền (Eo).
Ngoài ra, tại dự án 1, phương án xử lý đất yếu bằng bấc thấm tại hồ sơ thiết kế kỹ thuật chưa so sánh giữa phương án sử dụng bấc thấm dọc kết hợp đệm cát và phương án sử dụng bấc thấm dọc kết hợp bấc thấm ngang và hồ sơ thiết kế kỹ thuật một số đoạn ở dự án 3 chưa phù hợp thực tế, chưa có biện pháp tận dụng, tái sử dụng tối đa khối lượng đá khi đào nền.
Bên cạnh đó, đối với cả 3 dự án, Bộ GTVT các Ban QLDA chưa làm việc với các địa phương về việc xây dựng và công bố giá đất đối với các mỏ doanh nghiệp được quyền khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, KTNN đã kiến nghị Bộ GTVT và đơn vị được kiểm toán tổ chức rà soát, tổng hợp, thực hiện các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế. Trong đó nổi bật là báo cáo Chính phú để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về diện tích sử dụng đất cho cả 03 dự án; những nội dung thay đổi so với chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua tại Dự án 2 và 3, như chiều dài từng dự án thành phần, suất đầu tư, tổng mức đầu tư.
Bộ GTVT cần báo cáo Chính phủ về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tại các dự án thành phần chưa đủ 20% theo quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ cũng như việc quản lý, sử dụng và xác định giá đất đắp khai thác tại các mỏ mà nhà đầu tư, nhà thầu được quyền khai thác đối với cả 3 Dự án theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ.
Đồng thời, Tổ chức nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 5109/QĐ- BGTVT đối với chiều rộng dải an toàn lề ngoài để đảm bảo an toàn tốc độ khai thác 80Km/h theo quy định. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo hoàn thành đúng các mốc tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
KTNN cũng khuyến nghị, khi Bộ GTVT quyết toán dự án cần lưu ý các sai sót mà KTNN đã nêu liên quan đến phần vốn góp của Nhà nước đối với phần vốn nhà đầu tư huy động. Bộ GTVT tiếp tục tổ chức rà soát, tham khảo ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện đúng quy định đối với phần giá trị chi phí dự phòng và chi phí liên quan đến việc đất được khai thác nhưng chưa đủ điều kiện để kiểm toán xác nhận chi phí.
Đặc biệt, Bộ GTVT cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến những hạn chế, tồn tại, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm tập thể và các nhân liên quan đến những hạn chế, tồn tại trong việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán để xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ GTVT về việc hoàn thuế đối với phần đầu tư của Nhà nước tham gia dự án PPP đối với Dự án 2 và 3; Ban hành văn bản hướng dẫn việc phát hành hóa đơn, kê khai nộp thuế và khấu trừ, hoàn thuế GTGT, phương pháp xây dựng phương án tài chính đối với các dự án BOT có vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án...
KTNN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN; yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về các nội dung nêu trên.