VNHN - Nhiều doanh nghiệp “tên tuổi” trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp liên tiếp có động thái đầu tư, triển khai các kế hoạch xây dựng các dự án ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm đón cơ hội khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tổng công ty Becamex IDC (Bình Dương) vừa công bố thông tin, doanh nghiệp này đã quyết định góp khoảng 30 tỷ đồng để thực hiện thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP), nhằm triển khai đầu tư thực hiện Dự án Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Becamex VSIP Bình Thuận. Trong khi đó, tại Đồng Nai, thông tin từ Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) cho biết, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản lựa chọn Sonadezi làm chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Tân Đức, quy mô 300 ha tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân.
Trước đó, Sonadezi đã khởi động việc đầu tư xây dựng Khu công nghiệp đô thị và sân golf Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Sonadezi, trong năm 2020, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các bên liên quan của tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ thực hiện những thủ tục pháp lý liên quan để đầu tư dự án khu công nghiệp. Đồng thời, Sonadezi sẽ mở rộng địa bàn hoạt động thông qua việc nghiên cứu và xúc tiến đầu tư một số dự án khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ tại một số khu vực ngoài Đồng Nai trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA, nhiều chuyên gia đánh giá, cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản công nghiệp trong năm 2020 và những năm tới. Tất nhiên, các doanh nghiệp có tiềm lực, quỹ đất lớn sẽ có nhiều ưu thế, hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn. Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận xét, nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư sẽ tiếp tục cao và đây có thể là một năm phát đạt cho các nhà phát triển khu công nghiệp có quỹ đất sạch lớn.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA, cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản công nghiệp trong năm 2020 và những năm tới.
Theo phân tích của VDSC, trong năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng 3%, nhưng số lượng các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng 30%. Sự biến động này đến từ việc chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác tiềm năng chủ yếu đến từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Tại khu vực phía Nam, theo nhận định của VSDC, các doanh nghiệp như Becamex IDC và Cao su Phước Hòa sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn, rộng hơn 1.000 ha, nằm chủ yếu ở tỉnh Bình Dương, sẽ có nhiều cơ hội bứt phá. Cơ cấu khách thuê rất đa dạng, đến từ nhiều ngành, bao gồm vận tải, điện, cơ khí, gỗ và hàng tiêu dùng.
Tại Bình Dương, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đang có kế hoạch triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 ngay trong năm nay. Tổng mức đầu tư dự án này gần 872 tỷ đồng. “Dự án khi hoàn thành, được kỳ vọng sẽ đạt tỷ lệ hấp thụ và hiệu suất cho thuê cao, giá thuê vào khoảng 85 USD/m2, biên lợi nhuận gộp đạt trung bình 48%”, báo cáo của VDSC nhận xét. Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, hoạt động cho thuê nhà xưởng xây sẵn và nhà kho sẽ trở thành động lực tăng trưởng lợi nhuận cho các chủ đầu tư khu công nghiệp quy mô nhỏ và quỹ đất giới hạn.
VnDirect chỉ ra 4 yếu tố thúc đẩy nhu cầu về nhà xưởng xây sẵn và nhà kho: quỹ đất khu công nghiệp dần khan hiếm, loại hình này mang lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, tác động của hai loại hình trong việc tối đa hóa sử dụng tài nguyên phát triển và cuối cùng là sự bền vững trong phát triển hạ tầng. Trong khi đó, Công ty Tư vấn bất động sản CBRE nhìn nhận, các khu công nghiệp ở xa các trung tâm kinh tế như Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… sẽ phát triển mạnh trong những năm tới. Ở các địa phương có hạ tầng tốt, các khu công nghiệp hoàn toàn có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn về giá và diện tích cho thuê trong năm nay.