VNHN - Làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) ở Việt Nam đã có những bước phát triển trong những năm gần đây, với số lượng doanh nghiệp (DN) KNĐMST liên tục tăng. Nếu có các giải pháp tốt để khơi thông nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các dự án ĐMST sẽ tạo cú hích để DN Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng, thêm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa - Internet
Vai trò quan trọng của nguồn vốn
Chỉ trong một ngày diễn ra Hội nghị quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 mới diễn ra ở Hà Nội, đã có 425 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng) của 18 quỹ đầu tư cam kết rót vào Việt Nam trong vòng 3 năm. Đặc biệt, sự có mặt của hơn 100 quỹ đầu tư hàng đầu thế giới trong sự kiện đã cho thấy sức thu hút của môi trường kinh doanh và hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp của Topica Founder Institute (TFI) cũng cho thấy, hoạt động KNĐMST tại Việt Nam những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, ngày càng hoàn thiện với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung… Cụ thể, trong năm 2018 các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với năm 2015. DN ĐMST trong những năm qua cũng có mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng, khi tăng từ 400 vào năm 2012 lên 3.000 DN vào năm 2018, mức tăng trưởng được đánh giá là lớn thứ ba ở châu Á.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, KNĐMST của Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, mà một trong những nguyên nhân là do việc khơi thông nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vẫn chưa được chú trọng. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, muốn tạo điều kiện, hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, trước hết cần tạo các điều kiện tốt về thể chế; nguồn vốn dồi dào; nguồn nhân lực hạ tầng công nghệ thông tin và hệ sinh thái tổ chức trung gian kết nối startup với nhau để thu hút đầu tư. Trong đó, sự tham gia của nhà đầu tư vào các startup không chỉ là rót vốn, mà còn cùng các nhà sáng lập giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nội bộ DN.
Nhấn mạnh nguồn vốn là yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại của DN KNĐMST, người sáng lập King Broker&Job Festival, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh cho biết, nhiều DN KNĐMST đã phải giải thể ngay trong hai năm đầu tiên vì cạn vốn. Bởi đây là khoảng thời gian DN mới thành lập, đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm dịch vụ, doanh thu khá eo hẹp và rất nhiều khó khăn khác. Điều đó đồng nghĩa đây là giai đoạn “ngốn tiền” đầu tư nhất của DN. Do đó, muốn có nhiều startup thành công, cần tập trung hỗ trợ trong hai năm đầu tiên, nếu vượt qua giai đoạn này thì khả năng gọi vốn không còn khó khăn nữa.
Cải thiện môi trường đầu tư để chớp cơ hội
Nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam hứa hẹn là một thị trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều nhà đầu tư cho thấy, còn nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư e ngại đầu tư vào DN khởi nghiệp ở Việt Nam. Nhất là chưa có chính sách ưu đãi thuế và các chính sách về tài chính để họ đầu tư. Cùng với đó, các sản phẩm của DN KNĐMST là những giải pháp công nghệ mới cần nhanh chóng được đầu tư để chớp cơ hội phát triển đón đầu thị trường, trong khi đó quy trình thủ tục giải ngân vốn đầu tư còn rườm rà, mất thời gian khiến các DN mất đi cơ hội, điều này làm nhà đầu tư e ngại khi quyết định rót vốn. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các DN KNĐMST phát triển, giúp các DN có thể nhanh chóng tiếp cận với nhiều nguồn vốn, bỏ qua thủ tục hành chính rườm rà...
Chia sẻ về điều này, Giám đốc điều hành Fastgo Nguyễn Hữu Tuất cho biết, quy trình thủ tục từ lúc ký hợp đồng đầu tư đến lúc hoàn thành đầu tư cho một quỹ đầu tư hay công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mất khoảng 6 tháng với các ngành nghề không có điều kiện, với ngành nghề có điều kiện mất khoảng một năm. Điều này gây trở ngại cho các startup trong việc giải ngân và sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động kinh doanh.
Cũng đứng từ góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc ICM- đơn vị được cấp phép hoạt động quản lý đầu tư và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, cũng mong muốn nhiều hơn nữa các chính sách khơi thông nguồn vốn cho các dự án KNĐMST. Ông Nguyễn Đức Việt cho rằng, ngoại trừ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, các chính sách tạo điều kiện đầu tư khởi nghiệp còn rất mờ nhạt, không nổi trội so với các hình thái đầu tư thông thường. Các mô hình đầu tư kiểu sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng hay sàn dành cho khởi nghiệp hiện vẫn chưa có.
Để hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần có cơ chế ưu đãi thuế, xây dựng các mô hình thu hút đầu tư mới như sàn gọi vốn cộng đồng, nền tảng giao dịch cổ phần cho khởi nghiệp, đơn giản hóa thủ tục đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Nhìn nhận ở góc độ khác, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sông Thao Hoàng Công Đoàn cho rằng, để nắm bắt được cơ hội từ các nguồn quỹ đầu tư từ nước ngoài, các Startup Việt cần có các sản phẩm cần có tính vượt trội về tư duy, có sự khác biệt so với các sản phẩm đã có trên thị trường; cần có sự minh bạch về tài chính trong công tác quản trị DN…
Chia sẻ với các ý kiến của nhà đầu tư mạo hiểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, trong đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN và khơi thông nguồn vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đối thoại và thảo luận thường xuyên với cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan triển khai xây dựng các giải pháp thích hợp, nhanh chóng giải quyết các khó khăn để khơi thông vốn, hỗ trợ DN khởi nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ...