Đường về xã CưMta (huyện M’Drắk) hôm nay đã được nhựa hoá bóng loáng, từ thôn buôn cho đến tận trung tâm xã. Đây là điều bà con mong ước từ lâu nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, phát triển kinh tế. Theo lãnh đạo địa phương, thành quả trên là nhờ triển khai hiệu quả chương trình nông thôn mới. Theo đó, cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong những năm qua, xã CưMta đã huy động người dân hiến đất, góp tiền, ngày công thực hiện mở rộng, bê tông hoá nhiều tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Nhật - người dân xã CưMta chia sẻ, con đường rất có ý nghĩa với bà con, nhất là những hộ làm nông như gia đình ông. Bởi, mỗi mùa thu hoạch nông sản, nhu cầu vận chuyển, đi lại rất lớn. Nếu không có tuyến đường bê tông kiên cố, bà con sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao đồng nghĩa với nguồn thu của bà con giảm đi đáng kể. Ngoài ra, nhờ có tuyến đường thuận lợi mà bà con từ các nơi khác cũng về địa phương giao thương, thúc đẩy trao đổi mua bán hàng hoá. Kinh tế người dân từ đó cũng khá lên, ổn định hơn, cuộc sống đổi thay theo hướng tích cực.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; các cơ chế, chính sách, mục tiêu, nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay, tỷ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm là 149,87/187,16 km, đạt 80,08 %; tỷ lệ đường thôn, buôn và đường liên thôn, buôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiên quanh năm là: 140,39/262,35 km, đạt 53,51%. Toàn huyện có 62 công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và khai thác tại các công trình thủy lợi trên địa bàn.
Đặc biệt là tập trung chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) để hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đi cùng với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở được quan tâm đầu tư và nâng cấp từ huyện đến cơ sở. Trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm Văn hoá – Thể thao, 01 Trung tâm Thể dục thể thao, 01 công viên, 01 Quảng trường 22/3 huyện; 32/32 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có nhà sinh hoạt cộng đồng[1], đạt tỷ lệ 100%; có 71/78 thôn có hội trường, đạt tỷ lệ 90%; có 4/12 xã có nhà văn hoá xã (Ea Riêng, Ea Pil, Cư M’ta, Cư San), đạt tỷ lệ 33,3%; có 92/110 thôn, buôn có sân tập luyện thể thao, đạt tỷ lệ 83,6%; các xã đã quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng sân vận động, khu thể thao cấp xã. Bên cạnh đó các xã còn có hệ thống sân tập thể thao do tư nhân đầu tư như sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, cầu lông, hồ bơi… khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá cũng được quan tâm, chú trọng đầu tư. Huyện có 04 di tích được cấp bằng công nhận, trong đó có 02 di tích lịch sử là di tích lịch sử Điểm cao 519 (xã Ea Pil), di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975 (xã Cư M’ta) được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh; 02 di tích danh thắng là di tích danh thắng Thác Dray Knao (xã Krông Jing) được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia, Di tích danh thắng thác Drai Kmang Mnŭ (thác Lồ Ô) (xã Ea Lai) được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh.
Thực hiện tốt việc tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật, khoa học y học tiên tiến, trang thiết bị y tế hiện đại, công nghệ cao vào khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Hệ thống cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện và trang bị thiết bị y tế hiện đại, nhất là Trung tâm Y tế huyện. Trên địa bàn huyện hiện có 14 cơ sở y tế, gồm Trung tâm y tế huyện, 13 trạm y tế xã, thị trấn. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, 100% thôn, buôn, tổ dân phố có cán bộ y tế và cộng tác viên y tế. Duy trì 12/12 trạm Y tế xã có bác sỹ làm việc, 07/12 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 58,33%.
Chương trình đặt ra tiếp theo thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững (09 nội dung, trong đó chú trọng đến 03 chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM).
Nhân dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được phổ biến rộng rãi như: hệ thống tưới tự động, cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với khí hậu; hệ thống sản xuất chăn nuôi áp dụng kĩ thuật mới…
Cùng với đó, UBND huyện khuyến khích tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt các trạm đầu tư - thu mua nông sản như: công ty Mía đường 333; Công ty Ninh Hòa; Công ty TNHH TM DV Đăk Lăk TAPIOCA… để thực hiện ký hợp đồng liên kết (về đầu tư, bán mía, mỳ và nông sản, thanh toán và giúp người dân hưởng các chính sách hỗ trợ với Công ty không thông qua thương lái…). Hàng năm đưa vào sản xuất ổn định ước khoảng 5.000 ha mía, 4.500 ha mỳ để phục vụ cho các nhà máy chế biến.
Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi: Tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 13/13 xã, thị trấn. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 1693/1693, tỉ lệ 100%.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới huyện M’Drắk, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, nhân dân hưởng ứng tích cực phong trào thi đua “Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Các địa phương không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Tấn Lợi