Chúng tôi tìm đến làng chài xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa lúc khoảng 8 giờ tối, làng chài nép mình sau eo sông, khuất sau một triền đê thăm thẳm. Con đường bé nhỏ, rộng khoảng chừng hơn một mét hiện ra, không đèn, chỉ có cây cối và những bãi đầm sau trận mưa chưa rút hết nước. Trải qua con đường ấy, chúng tôi bắt trọn khung cảnh sông nước rộng lớn với những chiếc thuyền lênh đênh, ở nơi đó cuộc sống của bà con vẫn đang tiếp diễn thật giản dị và nhộn nhịp đến lạ thường. Chúng tôi được người dân đón bằng những chiếc thuyền nhỏ, con nước hôm nay dâng cao, thấy chúng tôi ai nấy đều vui mừng, mọi người ra đón chào, một thứ tình cảm hiếu khách vốn đã là truyền thống của con người nơi đây.
Được sự đồng ý, giúp đỡ và tạo điều kiện từ chính quyền địa phương, chúng tôi đến trao phần quà từ Quỹ tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam cho một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất làng. Lắng nghe câu chuyện thương đau của người đàn ông mới gần 40 tuổi sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, vợ anh mất do tai nạn đuối nước trên sông khi đánh bắt cá, để lại cho anh tài sản vô giá là 4 đứa trẻ, khi ấy đứa nhỏ nhất mới có 2 tuổi. Người đàn ông với nước da đen, mặt mòi cùng sương gió, có những ngày làm không đủ nuôi các con, cố gắng cho các con được đến trường đi học như bao bè bạn cùng trang lứa. Dù câu chuyện cũng đã xảy ra được mấy năm rồi, nhưng khi nghĩ lại đôi mắt người chồng, người cha ấy vẫn để lại ngấn lệ, dường như nỗi đau chưa bao giờ được nguôi ngoai như vừa mới diễn ra vậy. Những đứa trẻ mong ước hàng ngày có một nơi gọi là “nhà” để lập bàn thờ cho mẹ, để có chỗ trú nắng trú mưa, có một không gian học tập để xây dựng tương lai và mơ ước, những điều tưởng chừng như giản đơn mà vô vọng… Đó chỉ là một trong số rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại đó nhưng cũng đủ để khiến chúng tôi nghẹn lại, xót xa.
Đến với những hộ khác lân cận, tôi được người dân đón tiếp nồng hậu từ cụ già đã 80 đến các bác, các cô và cả những đứa trẻ mới có 2 tuổi ngồi quây quần trên chiếc chiếu cói nhựa trải vẫn chưa hết tấm bê tông trên thuyền. Ở đây mọi người dù bận rộn sau ngày dài làm việc vất vả trên sông thì tối đến họ vẫn ngồi cùng nhau trò chuyện, ăn miếng trầu, hút điếu thuốc lào, chén nước chè khô như không hề có bất kỳ sự mệt mỏi nào. Được thấu hiểu, được lắng nghe tâm tư của người dân nơi đây chúng tôi cảm thấy bản thân mình may mắn biết nhường nào. Những khi trời yên, gió lặng, sóng gợn lăn tăn, hôm ấy mọi người được sống yên bình và sinh hoạt đầy đủ ấm no. Những khi trời mưa bão, gió rét cũng chỉ có một gian nhỏ trong thuyền cho cả gia đình trú ngự, cầm cự khi mưa gió qua đi, xung quanh chỉ toàn là bạt, là những chiếc áo mưa rách tận dụng phòng khi trời mưa to gió lớn, có cái che chắn cho khỏi ướt. Có lẽ cuộc sống chưa bao giờ là may mắn đối với họ, nhưng họ vẫn bám thuyền bám sông nước vì chẳng còn nơi nào hay sự lựa chọn nào khác, họ sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, làm việc ngày qua ngày, năm qua năm, sống chết như được phó mặc cho trời cho đất…
Trò chuyện với cụ bà tuổi 80, lưng đã gù, miệng nhai tràu và cười nói với chúng tôi như con như cháu của cụ. Cụ ơi, ở đây truyền thống ai cũng phải biết ăn trầu ạ?. Cụ nói: “mùa hè ăn trầu cho vui, mùa đông ăn trầu cho ấm người con ạ, không có thì rét lắm, không chịu được”. Với 80 năm gắn bó trên sông nước điều cụ mong mỏi nhất đó là được lên bờ, đưa các con các cháu cùng lên để chúng có cuộc sống tốt hơn, chúng an cư lạc nghiệp, con cháu được học hành tử tế, có bàn thờ tổ tiên cúng bái ngày lễ ngày Tết. Điều ước đó gần 80 năm cuộc đời rồi cụ vẫn chưa làm được, vẫn mong mỏi từng ngày chờ được cấp đất cấp nhà. Dẫu khó khăn là thế, cơ cực là thế nhưng cụ luôn hạnh phúc vì được vui sống cùng con cháu, trải qua những ngày tháng khó khăn qua đi sẽ là những ngày mới tốt đẹp hơn.
Người dân nơi đây ai cũng mong ngóng ngày được lên bờ sinh sống như bao người, họ luôn tin tưởng rằng rồi sẽ có một ngày cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn với họ, sẽ không còn những khi chống chọi khổ sở với “mẹ” thiên nhiên, làm ăn vất vả qua ngày trên sông nước, con cái được học hành và trưởng thành nên người. Những đứa trẻ đang độ tuổi đi học cũng mong mỏi con đường đến trường của bản thân sẽ được rút ngắn lại, không còn cảnh mưa to nước lên ngập cả, không thể đến trường học, sẽ thôi không còn cảnh không có bàn học, đèn học và làm việc cực khổ phụ giúp gia đình để qua ngày…
Chia tay bà con nơi đây với sự quyến luyến và xuyến xao, mong một ngày gặp lại. Cuộc sống rồi sẽ còn những đổi thay, mong mỏi cuộc sống sông nước sẽ thôi khó khăn, mong mỏi một ngày tất thảy người dân nơi đây sẽ sớm được an cư lạc nghiệp trên bờ. Thời gian dẫu có qua đi nhưng tình cảm trân quý con người Thiệu Hóa, Thanh Hóa sẽ còn mãi trong lòng chúng tôi. Trở lại chốn phồn hoa đô thị, ồn ào và tấp nập thật nhớ con người và khung cảnh buổi tối yên bình hôm ấy. Tình yêu thương đủ lớn sẽ luôn được lan tỏa đến tất cả trái tim và những hoàn cảnh kém may mắn, giữ vững và phát huy truyền thống, tinh thần người Việt ta “lá lành đùm lá rách”, “sống là cho đi”./.
Huyền Trang