23/11/2024 lúc 00:28 (GMT+7)
Breaking News

Khát vọng, lý tưởng và phân kỳ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Bài viết khẳng định ở nước ta, lý tưởng của Đảng gắn với khát vọng của nhân dân về chủ nghĩa xã hội được thể hiện qua cách thức phân kỳ có tính mở về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trên hai phương diện kết nối với nhau là hiện đại hóa gắn với văn minh của nền sản xuất xã hội.

Bài viết làm rõ phân kỳ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với các tiêu chí cơ bản: Con người là chủ thể, là động lực trung tâm và phát triển toàn diện; bảo đảm và gắn kết các quyền dân sinh - dân chủ - dân tộc như kiềng ba chân; thể chế phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm để đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua tổng kết lý luận gắn với thực tiễn đổi mới đã cho thấy, trong suốt quá trình cách mạng và ở từng giai đoạn phát triển đất nước theo định hướng XHCN đã từng bước định hướng, định hình được khát vọng của dân, lý tưởng của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ, thiết thực hơn qua cách thức phân kỳ các chặng đường nhằm trả lời câu hỏi “CNXH là gì và đi lên CNXH như thế nào?”.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, có nội dung rộng lớn và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học(1).

1. Lý tưởng của Đảng gắn với khát vọng của dân về phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đi lên chủ nghĩa xã hội

 Trước đổi mới, lý tưởng của Đảng dẫn dắt khát vọng của dân về đấu tranh, giành độc lập, tự do và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH. Trong thời kỳ đổi mới, lý tưởng của Đảng gắn kết với khát vọng của dân về phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để bảo đảm nền độc lập, tự do, vững bước đi lên CNXH.

Tại Đại hội XIII (năm 2021), ngay trong chủ đề của Đại hội và trong các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đều khẳng định: Khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2). Việc gắn kết giữa ý Đảng lòng dân trước tiên và chủ yếu xuất phát và dựa vào khát vọng của dân. Dân và khát vọng của dân luôn ở vị trí trung tâm, đóng vai trò là chủ thể, là động lực cho lý tưởng của Đảng về con đường đi lên CNXH. Con đường này chính là quá trình kiến thiết một kiểu xã hội mới về chất mà điều kiện trước tiên, cơ bản là công cuộc đổi mới, phát triển theo định hướng XHCN ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay và điều kiện khách quan xuất phát từ cả thành công và hạn chế lịch sử của CNTB hiện đại, từ phong trào công nhân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới đang đấu tranh cho các thành tựu, giá trị văn minh của nhân loại.

Khát vọng của dân và lý tưởng của Đảng không phải là những ảo tưởng, xuất phát từ ngẫu hứng nhất thời, chủ quan, duy ý chí, mà được khơi dậy, thiết lập từ thực tiễn, từ niềm tin vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN và vào bản lĩnh, kinh nghiệm mà Đảng, nhân dân ta đã tổng kết được cùng với vị thế, uy tín của đất nước đã đạt được qua các chặng đường cách mạng. Ý Đảng lòng dân đó nuôi dưỡng, thúc đẩy nhu cầu, năng lực đổi mới sáng tạo vì mục tiêu XHCN: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khát vọng, lý tưởng là hoài bão, ước mơ, nguyên tắc, giá trị tốt đẹp, dù cao cả hay giản dị; trong đó, lý tưởng thiên về nguyên tắc, có tính lý luận cao hơn. Khát vọng, lý tưởng đều là kết quả của tổng kết thực tiễn với nhận thức sâu sắc và niềm tin vào con đường đi lên CNXH; đồng thời được biểu hiện, thực hiện bằng tình cảm trong sáng cùng ý chí kiên cường. Những nhân tố này đóng vai trò như lực lượng vật chất để tạo nên “sĩ khí quốc dân” nhằm chủ động, tích cực thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc và đổi mới sáng tạo trong hiện thực hóa từng bước mục tiêu XHCN, trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ (TKQĐ) lên CNXH ở nước ta.   

2. Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Cần phải có một TKQĐ khá lâu dài từ CNTB lên CNXH. Định nghĩa kinh điển về TKQĐ được C.Mác nêu trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôtha (năm 1875): “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị...”(3). V.I.Lênin cho rằng, TKQĐ từ CNTB lên CNXH “gồm những cơn đau đẻ kéo dài”; và có vị trí độc lập tương đối, không nằm trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản - dịch chính xác là xã hội cộng đồng(4).

C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều nhận thấy những nước có nền kinh tế lạc hậu như nước Nga, khi quá độ lên CNXH sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, do vậy càng phải trải qua nhiều bước quá độ, nhiều bước thử nghiệm. Từ đó, cùng với tư tưởng về TKQĐ từ CNTB - đã phát triển đến mức tột cùng - lên CNXH (kiểu quá độ trực tiếp), các ông cũng đề cập đến con đường phát triển không qua chế độ TBCN, tức là TKQĐ từ hình thái xã hội tiền TBCN lên CNXH (kiểu quá độ gián tiếp). Tuy là một loại hình TKQĐ chưa được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin trình bày đầy đủ, nhưng các ông đã nêu những tư tưởng có ý nghĩa phương pháp luận về quá độ gián tiếp lên CNXH.

Mặc dù các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra vị trí, giới hạn của TKQĐ, nhưng như C.Mác nêu “...những thời kỳ lịch sử của xã hội cũng giống như những thời kỳ lịch sử của trái đất, đều không có những ranh giới trừu tượng nào thật rành mạch cả”(5). C.Mác khẳng định, có ngư­ời “nhất định phải biến bài tiểu luận có tính chất lịch sử của tôi về sự phát sinh chủ nghĩa tư­ bản ở Tây Âu thành một học thuyết có tính chất lịch sử - triết học về con đường chung mà tất cả các dân tộc dù ở trong những điều kiện lịch sử nào đi nữa cũng nhất thiết phải theo,... Điều đó có lẽ vừa là điều quá ư ­vinh hạnh, vừa quá ư­ nhục nhã đối với tôi”(6). Trong thư­ gửi cho bà V.I. Daxulich năm 1881, ông tiếp tục nhấn mạnh, rằng lý luận phủ định của phủ định về sự phát triển lịch sử đ­ược trình bày trong mục “Tích lũy ban đầu” của bộ T­ư bản chỉ hạn chế nói về “tính tất yếu lịch sử” ấy của “các nư­ớc Tây Âu”(7).

V.I.Lênin cũng cho rằng, “Dĩ nhiên là những cách phân giới hạn đó, cũng như nói chung những cách phân giới hạn trong giới tự nhiên hoặc trong xã hội, đều chỉ có tính chất quy ước và không cố định, đều là tương đối chứ không phải là tuyệt đối”(8).

Ngày 11-5-1893, khi được hỏi những người XHCN Đức đặt mục đích nào là mục đích cuối cùng, Ph.Ăngghen đã trả lời: “Chúng tôi chủ trương phát triển thường xuyên, không ngừng, và chúng tôi không có ý định áp đặt cho loài người những quy luật dứt khoát nào đó”(9).   

Như vậy, cách phân kỳ về TKQĐ “chỉ có tính chất quy ước... tương đối” (V.I.Lênin), chỉ có “chủ trương phát triển thường xuyên không ngừng” (Ph.Ăngghen) nhằm từng bước đạt đến mục tiêu cuối cùng là xác lập điều kiện phát triển tự do, toàn diện của mỗi người và của mọi người (C.Mác) mới là nội hàm bản chất của TKQĐ lên CNXH.

Ở nước ta, trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(10). Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn hình thức quá độ “gián tiếp” nhằm phát triển “rút ngắn” và “không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” để đi lên CNXH. Tuy nhiên, quá trình phát triển “rút ngắn” này vẫn là một thời kỳ phát triển lâu dài với nhiều chặng đường. Vì thế, phải thực hiện sự phân kỳ thời kỳ phát triển này theo hướng từng bước rõ hơn cả về định tính và định lượng, nhất là trên cơ sở tổng kết lý luận gắn với nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đổi mới, phát triển theo định hướng XHCN.

3. Cách thức, tiêu chí phân kỳ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Về cách thức

Xét về lý luận và thực tiễn, sự phân kỳ con đường đi lên CNXH có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy tầm nhìn để kiên định khát vọng, lý tưởng về CNXH một cách thực tế bằng cách gắn với xây dựng, thực hiện Cương lĩnh chính trị, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển trong nước và quốc tế. Từ đó, “nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây”(11) về CNXH, đưa tinh thần phụng sự, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, phát triển theo định hướng XHCN vào đời sống xã hội, nhất là vào thực tiễn hoạt động của giới trẻ và doanh nghiệp, nhằm góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Theo phương châm đó, bước vào sự nghiệp đổi mới, tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta khẳng định: “Thời kỳ quá độ ở nước ta do tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đương nhiên phải lâu dài và rất khó khăn. Đó là một thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng”(12). Đại hội xác định: Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN trong những chặng đường tiếp theo.

Đại hội VII (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó thực hiện cách thức phân kỳ con đường đi lên CNXH về mặt định tính: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu của chặng đường đầu là: Thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau”(13).  Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc TKQĐ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của CNXH, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước XHCN phát triển.

Đại hội IX (năm 2001), tiếp tục xác định nội dung phân kỳ con đường đi lên CNXH về mặt định tính: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ”(14). Trong đó, chặng đường đầu tiên là bước quá độ nhỏ nhằm chuẩn bị tiền đề cho chặng sau, tạo ra sự ổn định vững chắc của xã hội thông qua đổi mới, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau. Chặng đường tiếp theo là đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp.

Tại Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục xác định cách thức phân kỳ con đường đi lên CNXH theo hướng rõ hơn về mặt định tính: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,... Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”(15). Mục tiêu tổng quát khi kết thúc TKQĐ là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), lần đầu tiên lượng hóa về trình độ hiện đại hóa và trình độ phát triển: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(16), định hướng XHCN. Trên cơ sở đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam kiên trì, phát triển nhanh, bền vững lên CNXH nhằm tiếp tục kiên định đạt được trình độ phát triển cao. Sự toàn diện của mỗi người dân là điều kiện cho phát triển toàn diện của con người và văn hóa Việt Nam.

Đến nay, nội dung các chặng đường đầu và chặng sau của con đường đi lên CNXH đã bước đầu được lượng hóa trên hai phương diện gắn bó với nhau là: trình độ hiện đại hóa gắn với văn minh của nền sản xuất xã hội và trình độ phát triển theo hướng tiến bộ XHCN của các thể chế và các tổ chức xã hội trong việc tôn vinh, phát huy phẩm giá con người và văn hóa Việt Nam.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, không nên và thực tế cũng không cho phép “áp đặt những quy luật dứt khoát nào đó”; sự phân kỳ “chỉ có tính chất quy ước,... không phải là tuyệt đối”, chỉ có “chủ trương phát triển thường xuyên không ngừng” nhằm kiên định, kiên trì từng bước đạt đến mục tiêu cao nhất của CNXH trong việc bảo đảm phát triển tự do, toàn diện của mỗi người và của mọi người mới là nội hàm bản chất của TKQĐ lên CNXH.

Theo tinh thần này, trong thời kỳ đổi mới, phạm trù TKQĐ được dùng theo ý nghĩa phương pháp luận trong Cương lĩnh và trong báo cáo chính trị tại các kỳ đại hội Đảng, còn nội hàm của phạm trù chủ yếu được thể hiện qua khái niệm “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” và “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(17). Như vậy, cả về lý luận cũng như thực tiễn, cách thức xác định nội hàm và cách thức phân kỳ về con đường đi lên CNXH (hay TKQĐ) ở nước ta là có tính mở.

Về tiêu chí phân kỳ con đường đi lên CNXH

Thứ nhất, con người là chủ thể, là động lực trung tâm và phát triển toàn diện    

Tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người là tư tưởng về con người hiện thực mà bản chất là tổng hòa các quan hệ xã hội, chứ không chỉ là con người nhân bản siêu hình trừu tượng, hay con người chính trị - xã hội hoặc con người vật chất thuần túy. Phương châm của C.Mác là tuân theo chủ nghĩa nhân đạo hiện thực nhằm từng bước hiện thực hóa sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người.

Trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo phương châm đó, ở nước ta hiện nay, việc đề cao “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân”(18) đòi hỏi khâu thực hành, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân phải kết nối với phát huy vai trò chủ thể, vị trí động lực trung tâm của con người nhằm phát triển toàn diện con người.

Thực tế cho thấy, chỉ con người với khát vọng, lý tưởng XHCN mới là chủ thể của tất cả các nguồn lực, đồng thời là động lực trung tâm của tất cả các nguồn lực trên con đường đi lên CNXH. Xuất phát từ con người và “lấy con người là trung tâm” là tất yếu, nhưng nếu con người không được trao quyền, không được bảo đảm quyền của mình với tư cách là người chủ - làm chủ trong thể chế dân chủ XHCN thì không thể “lấy dân làm gốc”, không thể phát huy được vị trí chủ thể, vai trò động lực trung tâm của con người và xây dựng được con người phát triển toàn diện.

Thông qua tiêu chí này có thể làm sáng tỏ vấn đề: Để đo lường trình độ hiện đại hóa gắn với văn minh và phát triển theo hướng tiến bộ XHCN trên con đường đi lên CNXH thì phải căn cứ vào sự “phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”(19); năng lực tôn vinh, phát huy phẩm giá con người là tiêu chí trước tiên và cơ bản để đánh giá trình độ hiện đại hóa gắn với văn minh và trình độ phát triển theo hướng tiến bộ XHCN của các thể chế và các tổ chức xã hội trong việc tôn vinh, phát huy phẩm giá con người.

Từ đó chỉ rõ: thể chế pháp quyền của Nhà nước XHCN không chỉ thể hiện ở mục tiêu và bản chất bảo đảm quyền lực của dân, do dân, vì dân, mà còn phải được thể chế hóa thành công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu đó một cách hiệu lực, hiệu quả trong thực tế. Bởi lẽ, trong điều kiện tồn tại nhiều thành phần, khu vực  kinh tế và phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, hội nhập quốc tế như hiện nay, mỗi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội chỉ có thể được lựa chọn, xác định chính xác và triển khai, thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả trên thực tế khi: (i) phân rõ chủ thể được bảo đảm quyền lợi và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền lợi đó; (ii) lôi cuốn và huy động được sự tham gia chủ động, tích cực, đông đảo của người dân vào thực hiện chủ trương, chính sách đó; (iii) bảo đảm sự công khai, minh bạch trong triển khai, thực hiện.

Đây là tiêu chí phù hợp với cách tiếp cận dựa trên quyền con người. Dựa vào tiêu chí này sẽ nắm bắt, điều tiết được những thách thức mới đang đặt ra ngày càng lớn hơn trên con đường đi lên CNXH, khi vấn đề nhân quyền được đề cập trực tiếp ngày càng nhiều hơn, bức xúc hơn, thay vì chỉ được giới hạn trong quyền và nghĩa vụ của công dân như hiện nay.

Thứ hai, bảo đảm và gắn kết các quyền dân sinh - dân chủ - dân tộc, là “kiềng ba chân” để đi lên chủ nghĩa xã hội

Ngày nay, dưới tác động của phân hóa giàu nghèo theo cơ chế thị trường, càng nổi lên tính thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(20). Việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền dân tộc (gồm chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết và quyền phát triển của dân tộc) phải luôn gắn với bảo đảm quyền dân sinh (sinh kế), quyền dân chủ và quyền phát triển của các nhóm yếu thế, nhất là quyền con người của các dân tộc thiểu số; bởi “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(21).

Trên con đường đi lên CNXH, “quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một... Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(22). Do đó, cùng với việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Trong mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH. Cho nên, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Dân sinh là cội nguồn sâu xa, dân chủ với tính cách là bản chất của chế độ XHCN sẽ bảo đảm cho con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trung tâm trên con đường đi lên CNXH. Đồng thời, đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là yếu tố có ý nghĩa quyết định thúc đẩy không ngừng quyền bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.

Theo tinh thần này, Đảng, Nhà nước ta sử dụng cả hai thuật ngữ nhân quyền (quyền con người) và quyền công dân, đồng thời luôn gắn với dân sinh, dân chủ nhằm bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia trên cơ sở bảo đảm quyền dân sinh, dân chủ và ngược lại. Vì lẽ, dân chủ là dân quyền, trước hết là quyền dân sinh và quyền chính trị, cho nên bảo đảm nhân quyền và quyền công dân sẽ thúc đẩy bảo đảm các quyền con người (dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa) cũng như quyền dân tộc - quốc gia. Thông qua đó, tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, thể chế pháp quyền và đại đoàn kết toàn dân tộc trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

Hiện nay, do khung khổ pháp lý lớn hơn, toàn diện hơn của cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(23) do Đại hội XIII xác định, nên việc luật hóa Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn (năm 2007) và các nghị định về thực hiện dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp sẽ kịp thời ghi nhận, bảo vệ, thực hiện, thúc đẩy hàm nghĩa mới là “dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng như tổng thể cơ chế đó.

Thứ ba, thể chế phát triển nhanh, bền vững gắn với bao trùm để tiến lên chủ nghĩa xã hội

Khát vọng, lý tưởng Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc phải được diễn ra trên cơ sở một thể chế chính trị - xã hội cụ thể. Trong điều kiện lực lượng sản xuất xã hội được hiện đại hóa ngày càng gắn kết với văn minh như hiện nay, để đi lên CNXH tại một nước đang phát triển như Việt Nam, trước tiên và cơ bản phải xây dựng, thực hiện được thể chế phát triển nhanh, bền vững gắn với bao trùm nhằm kiến tạo niềm tin, khơi dậy khát vọng, lý tưởng đổi mới sáng tạo nơi người dân, nhằm đẩy mạnh và đạt được trình độ hiện đại hóa gắn với văn minh ngày càng sâu sắc, đồng thời đạt được trình độ phát triển theo hướng tiến bộ XHCN một cách thực chất.

Tiêu chí về thể chế phát triển nhanh, bền vững gắn với bao trùm để làm rõ “một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”(24). Đồng thời, “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội”(25), để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tiêu chí này gợi mở cho việc khơi dậy khát vọng, lý tưởng đổi mới sáng tạo để mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”, tận dụng những vận hội mà cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất quốc tế,... đem lại nhằm hiện thực hóa mục tiêu XHCN với các trình độ hiện đại hóa và trình độ phát triển vào năm 2030 và năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Trên cơ sở đó, góp phần nâng cao năng lực phát triển trên con đường đi lên CNXH, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cải cách thể chế, đáp ứng được yêu cầu chuyển mạnh sang nền kinh tế số, chính quyền số và xã hội số; tìm kiếm hướng phát triển mới, thị trường mới; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, ủy quyền, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, cơ sở theo hướng bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của địa phương, cơ sở; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám đột phá, đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của bộ máy nhà nước nhằm thực hiện công khai, minh bạch nghĩa vụ bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân;...

Tiêu chí này gợi mở cho việc làm sáng tỏ phương thức phát triển hợp quy luật trên con đường đi lên CNXH dưới tác động thường trực của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, cơ bản là sự tác động của các cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất hiện đại và biến đổi của đời sống chính trị - xã hội trên thế giới. Từ đó, làm rõ được các cuộc vận động, phong trào đổi mới sáng tạo một cách đồng bộ, toàn diện về cả cách nghĩ và cách làm theo phương châm: Đổi mới sáng tạo trong tư duy, trước hết trong tư duy kinh tế, trong thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng), trong công tác tổ chức và cán bộ để không bỏ lại ai ở phía sau trên các lĩnh vực của đời sống xã hội... Bởi chỉ đổi mới sáng tạo nước ta mới trở thành một nước phát triển phù hợp với khát vọng, lý tưởng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên con đường đi lên CNXH.

_________________

(1), (11), (19), (24), (25) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.17, 23, 21, 26-27, 27.

(2), (16), (18), (23) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34, 36, 51, 27.

(3), (6), (7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.47, 176, 589.

(4) Nguyễn Thanh Tuấn: C.Mác, V.I.Lênin với chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.208-211.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Sđđ, tr.537.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.175.

(9) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.22, Sđđ, tr.801.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.411.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.41.

(13) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.11.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.85.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

(17) Nguyễn Thanh Tuấn: Triết lý phát triển trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với Việt Nam ngày nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.303 - 322.

(20), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.175, 64.

(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.41.

PGS, TS NGUYỄN THANH TUẤN