21/12/2024 lúc 11:10 (GMT+7)
Breaking News

Khai thác các tiềm năng, tập trung thu hút đầu tư

Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận lâu nay vốn được xếp vào diện những tỉnh còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhờ những bước đi thích hợp thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai ven biển, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã tham gia đầu tư nhiều dự án, quy mô hàng nghìn tỷ đồng, góp phần đưa kinh tế trong khu vực phát triển.

Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận lâu nay vốn được xếp vào diện những tỉnh còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhờ những bước đi thích hợp thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai ven biển, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã tham gia đầu tư nhiều dự án, quy mô hàng nghìn tỷ đồng, góp phần đưa kinh tế trong khu vực phát triển.

Đất nghèo chuyển mình

Dải đất ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận trong vài năm qua diện mạo trở nên khởi sắc với sự xuất hiện của những khu đô thị hiện đại, các dự án năng lượng tái tạo, khu công nghệ cao và nhiều khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp được cả thế giới biết đến. Tại Ninh Thuận, Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings đã đặt dấu ấn đầu tiên qua việc đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng phát triển thị trường bất động sản, thông qua nhiều dự án nổi bật, ấn tượng.

 Khu đô thị mới Đông Bắc (K1) được Công ty cổ phần Thành Đông Ninh Thuận, thành viên của Hacom Holdings đầu tư, có quy mô hơn 60 ha, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, đồng thời trở thành biểu tượng mới của thành phố biển, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tỉnh Ninh Thuận theo định hướng đến năm 2030. Ở Khánh Hòa, nếu du khách có dịp đi dọc tuyến đường ven biển từ Nha Trang đến sân bay quốc tế Cam Ranh, sẽ chứng kiến hàng loạt dự án bất động sản, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp nối tiếp nhau hối hả được xây dựng.

Ninh Thuận thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trước đây, Khánh Hòa ưu tiên phát triển các dự án du lịch, thì từ giữa năm 2020 đến nay, tỉnh đã chuyển hướng chú trọng các dự án phát triển công nghiệp, trong đó chủ trương hình thành Trung tâm điện khí ở khu vực vịnh Vân Phong. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… để tâm nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án phát triển công nghiệp có quy mô lớn, số vốn đầu tư dự kiến lên tới hàng chục tỷ USD.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, thời gian qua, để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận và triển khai nhanh các dự án đầu tư trên địa bàn, ngoài cơ chế ưu đãi đầu tư chung hiện nay theo Luật Đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai một số giải pháp như: tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo quỹ đất sạch để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào tỉnh; ban hành chính sách ưu đãi sử dụng đất đối với các dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường,… trên địa bàn; hiện đã thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh về nội dung này.

Năm 2019, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án, vốn đầu tư gần 3.600 tỷ đồng, sang năm 2020, đã chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận 43 dự án, tổng vốn hơn 8.780 tỷ đồng và 215 nghìn USD; còn 6 tháng qua, đã cấp giấy chứng nhận 6 dự án, tổng vốn hơn 1.954 tỷ đồng.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, những năm gần đây, bên cạnh việc đầu tư, kiện toàn hạ tầng, tỉnh đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ năm 2016 đến tháng 9/2020, tỉnh đã thu hút hơn 400 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 128.600 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong 5 năm qua, tỉnh đã kêu gọi được 32 dự án FDI với tổng vốn hơn 309,5 triệu USD, lũy kế đến nay, thu hút 83 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 979 triệu USD.

Nhờ liên tục cải thiện các điều kiện hạ tầng và môi trường đầu tư, những năm qua, tỉnh đã thu hút nhiều dự án từ các nhà đầu tư lớn, nhất là Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định của Tổng công ty Becamex IDC và VSIP Group, được kỳ vọng là “cú đấm thép” của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp ở cực tây Khu kinh tế Nhơn Hội,…

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Thời điểm hiện tại, các tỉnh Nam Trung Bộ đang phải đối mặt với diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Tại Khánh Hòa, Phú Yên, dịch lan nhanh trên diện rộng, mỗi tỉnh đã có hơn 13 nghìn ca nhiễm bệnh. Trong bối cảnh đó, các địa phương vẫn kiên trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, triển khai nhiều giải pháp linh hoạt nhằm thu hút nguồn lực, kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Ở Bình Định, do ảnh hưởng của dịch, các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp không thể thực hiện được, tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến đầu tư. Bước đầu, tỉnh tổ chức hội thảo bằng hình thức trực tuyến với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,... đạt hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 40 dự án đầu tư, tổng vốn khoảng hơn 26.530 tỷ đồng, tuy giảm 17 dự án so cùng kỳ năm 2020, song vốn đầu tư lại tăng thêm hơn 15.560 tỷ đồng.

 Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết: “Quan điểm của địa phương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà chú trọng vào chất lượng và sự phát triển bền vững. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện hạ tầng, môi trường đầu tư, thiện chí mời gọi nhà đầu tư, địa phương tập trung phát huy sức lan tỏa của các doanh nghiệp, dự án lớn đang và sẽ đầu tư tại địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả tại Bình Định”.

Trong quá trình thực hiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, các tỉnh trong khu vực đã có nhiều hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, liên kết vùng, đúc kết nhận định, việc thu hút đầu tư đã đạt nhiều kết quả khích lệ, song chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực. Đánh giá về nguyên nhân này, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thẳng thắn nhìn nhận, ngoài nguyên nhân khách quan như vị trí địa lý tỉnh xa các trung tâm kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng đầu tư nhưng chưa đồng bộ, thiếu so với nhu cầu phát triển,... thì một trong những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư của tỉnh là việc cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án còn gặp nhiều vướng mắc nên thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư. Khắc phục hạn chế này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đánh giá cao về tiềm lực và chính sách mời gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Phú Yên thời gian qua. Ông Lê Huy Khiêm, Giám đốc phát triển dự án khu vực miền trung Tập đoàn TNG cho rằng: “Lĩnh vực đầu tư bất động sản, du lịch ở Phú Yên mới đang ở bước khởi đầu. Đây là thị trường mới nổi, do vậy tỉnh còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện môi trường đầu tư tốt hơn. Cách làm của Phú Yên hiện nay được lãnh đạo Tập đoàn TNG đánh giá rất cao. Chúng tôi nghĩ trong tương lai, Phú Yên sẽ là điểm đến khá lý tưởng cho nhiều nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực”.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ, lãnh đạo tỉnh xác định, không chờ nhà đầu tư phải vất vả, chạy vạy xin dự án, ngược lại lãnh đạo tỉnh chủ động “mời cơm” doanh nghiệp, để kêu gọi họ đầu tư vào tỉnh nhà. Ngay trong năm 2021 này, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các điều kiện thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.