VNHN - Thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm với sự tăng trưởng cả về vốn đăng ký lẫn vốn thực hiện. Thế nhưng, những hạn chế cố hữu của dòng vốn “ngoại” dường như chưa được khắc phục rõ nét. Làm thế nào để thu hút và tận dụng hiệu quả hơn, nhưng lại không bị phụ thuộc vào dòng vốn này, vẫn là bài toán vô cùng nan giải.
Bứt phá vào phút cuối
Trong 5 tháng đầu năm, vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam liên tục giảm. Tính chung năm tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN chỉ đạt 9,9 tỷ USD, giảm 18,4% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, các chuyên gia lại có vẻ không lo ngại nhiều về sự giảm sút này. Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn cho rằng: “Đánh giá dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải nhìn vào số liệu dài hạn. Trong những tháng đầu năm, chúng ta chưa có những dự án lớn cho nên thu hút FDI nhìn chung thấp hơn năm 2017, nhưng chỉ cần một vài dự án “tỷ đô” sẽ thúc đẩy lượng vốn FDI tăng rất nhanh”.
Vốn FDI đẩy vào sản xuất kinh doanh càng nhiều sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thực tế đã chứng minh đúng như những gì ông Toàn nhận định. Trong tháng 6, hàng loạt dự án “khủng” như dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,138 tỷ USD, hay dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam do tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký 1,201 tỷ USD,… đã nhanh chóng kéo con số thu hút FDI tăng nhanh chóng. Hết sáu tháng, Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2017. Tín hiệu tích cực hơn, vốn FDI giải ngân trong sáu tháng cũng liên tục tăng trưởng cao. Tính đến ngày 20-6, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện tốt hơn và nguồn vốn FDI đẩy vào sản xuất kinh doanh càng nhiều sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, triển vọng thu hút FDI của Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhất là từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Theo một khảo sát về Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện gần đây cho thấy, hơn 70% các công ty cho biết sẽ xem xét gia tăng đầu tư tại Việt Nam trong một đến ba năm tới và cả giai đoạn dài hơn là ba đến năm năm. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt giúp Việt Nam thu hút được luồng vốn đầu tư có chất lượng hơn, nhất là khi Thái-lan cũng đang “đánh tiếng” muốn được gia nhập tổ chức này và khả năng Mỹ có thể quay trở lại.
Lan tỏa chưa như kỳ vọng
Tăng trưởng tốt và tiếp tục có nhiều triển vọng, nhưng vấn đề là những hạn chế của dòng vốn FDI lại chưa có được sự chuyển biến rõ rệt. Thứ nhất, đó là số những dự án nhỏ vẫn còn quá nhiều. Tính chung sáu tháng, cả nước có 1.366 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 11,8 tỷ USD, so với con số 1.183 dự án mới và tổng vốn đăng ký 11,83 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017 cho thấy, quy mô trung bình của các dự án cấp mới ngày càng nhỏ.
Lượng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực cần ưu tiên là chế biến, chế tạo cũng đang giảm dần, sáu tháng chỉ đạt 7,91 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 9,48 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn FDI đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản lại tăng đột biến với 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thứ hai, tác động lan tỏa của FDI vẫn không như kỳ vọng, chưa tạo ra hỗ trợ rõ nét và thậm chí còn đang dần lấn sân các doanh nghiệp trong nước. Điều này đang tạo ra sự chênh lệch ngày càng lớn giữa “phần ngoại” và “phần nội” trong nền kinh tế, trong đó “phần ngoại” đang tăng lên còn “phần nội” đang giảm xuống; đồng thời, khiến tăng trưởng GDP và xuất khẩu ngày một gia tăng lệ thuộc vào khu vực FDI, còn sản xuất của khối DN trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn.
Vốn FDI đã, đang góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), với nước đang phát triển, điều quan trọng nhất cần từ FDI là tính lan tỏa về kỹ năng, lao động chất lượng cao, khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý. Thế nhưng, đây lại là hạn chế của FDI tại Việt Nam vì tính lan tỏa chưa như kỳ vọng, chưa tác động tới nhiều doanh nghiệp trong nước. Nguy hại hơn, nếu quản lý vĩ mô không tốt, dòng vốn FDI đổ vào ồ ạt có thể còn tạo ra lạm phát, bong bóng bất động sản, làm tăng giá đồng USD gây hại cho xuất khẩu.
Các chuyên gia kiến nghị, sau thời gian tập trung nhiều vào “lượng”, đã đến lúc phải thay đổi cả về “chất” cho dòng vốn FDI, nghĩa là Việt Nam cần chọn lọc kỹ càng hơn trong thu hút ĐTNN. Thay vì thụ động ngồi chờ, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong tìm kiếm nguồn vốn FDI có chất lượng, theo mục tiêu rõ ràng, đó là cần tập trung vào những đối tác, những tập đoàn lớn, nhằm tạo sức lan tỏa của FDI đến nền kinh tế trong nước.
Quan trọng hơn, song song với thay đổi chiến lược thu hút FDI, cần có những giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế trong nước phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, với doanh nghiệp trong nước, phải có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích họ nỗ lực gia nhập chuỗi cung ứng của tập đoàn đa quốc gia, của các doanh nghiệp FDI lớn và tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.