28/03/2024 lúc 19:49 (GMT+7)
Breaking News

HoREA kiến nghị 10 giải pháp để giải cứu thị trường bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Đứng trước nguy cơ suy thoái, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện 10 giải pháp để "giải cứu" thị trường bất động sản.

Theo Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2022 của Batdongsan.com.vn, trong quý vừa qua, câu chuyện về nguồn vốn đối với thị trường bất động sản là trọng điểm được nhiều doanh nghiệp và người mua nhà quan tâm. Chính sách kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản đã và đang khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của toàn thị trường.

Cụ thể, số liệu từ báo cáo chỉ ra, trong quý 3/2022 mức độ quan tâm đối với bất động sản bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh. Đơn cử như nhu cầu mua bất động sản Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%, Hà Nội giảm 1% so với quý 2 trước đó.

Nhu cầu tìm mua các loại hình bất động sản giảm mạnh trong tháng 9, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022. Tình trạng khát vốn của các chủ đầu tư diễn ra từ đầu năm tới nay, và người mua nhà cũng gặp khó khăn khi muốn tiếp cận dòng vốn vay mua bất động sản từ phía ngân hàng.

Các hoạt động giao dịch bất động sản đều đang gặp rất nhiều khó khăn do giá bất động sản ở mức quá cao so với khả năng tài chính của không ít nhà đầu tư và người dân có nhu cầu ở thực. Nhu cầu tìm mua các sản phẩm thấp tầng tại các tỉnh khu vực phía Nam được các đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận có sự sụt giảm mạnh từ 19% đến 33%.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản.

Điều này đã thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các dùng các biện pháp để tồn tại. Chẳng hạn thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO). Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia nhận định, trong những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung nhưng cũng đang có nhiều xung lực mới để mang đến cái nhìn lạc quan hơn, như kinh tế tăng trưởng trở lại; việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng thông qua cú hích về đầu tư công; sự chênh lệch cung - cầu ở thời điểm hiện tại với cầu lớn hơn cung, sẽ tác động tích cực đến tâm lý triển khai dự án của doanh nghiệp...

10 giải pháp để "giải cứu" thị trường bất động sản

Theo HoREA, để thực hiện mục tiêu "phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững", cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ  10 giải pháp để "cứu nguy" cho thị trường lúc này.

Thứ nhất, giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất".

Thứ hai, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã "tạm nộp tiền sử dụng đất" hoặc đang được "rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung" do các dự án này không thể hoàn chỉnh pháp lý vì không ai dám định giá đất, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Thứ 4, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

Thứ 5, Hiệp hội kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì và Tổ công tác do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của trung ương và các địa phương sớm xem xét "có kết luận dứt điểm" các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc "đất công", hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay.

Thứ 6, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét tháo gỡ "vướng mắc" thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Thứ 7, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng "quy trình chuẩn" về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Thứ 8, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội khoá XIV cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất".

Thứ 9, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ xem xét chỉ đạo cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ của dự án như công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề.

Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường trình Chính phủ cho phép cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và công trình khác (gọi chung là condotel) trên đất thương mại, dịch vụ mà trước đây đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ.

Thanh Bút