25/12/2024 lúc 21:43 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác, liên kết vùng để phát triển du lịch xanh

VNHN- Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Thuận đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để ngành du lịch phát triển toàn diện, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng biển cực Nam Trung Bộ.

VNHN- Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Thuận đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để ngành du lịch phát triển toàn diện, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng biển cực Nam Trung Bộ.

Bình Thuận có đường bờ biển dài 192km từ khu vực giáp Cà Ná (Thuận Nam, Ninh Thuận) đến Bình Châu (Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu); có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, như: Mũi Né, Phú Quý, Trường Dục Thanh, Mũi Kê Gà… Với vị trí là giao điểm của ba vùng kinh tế Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, du lịch Bình Thuận đã có những bước tiến bền vững, không chỉ trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương mà còn là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nếu như 24 năm trước, kể từ ngày nhật thực toàn phần (24-10-1995), đánh dấu sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận, mỗi năm tỉnh này chỉ đón khoảng 53.000 lượt du khách, thì 5 năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng bình quân 10%/năm. Riêng năm 2018, Bình Thuận đón 5,8 triệu lượt khách; doanh thu du lịch đạt 12.851 tỷ đồng. Đây là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, được cụ thể hóa và bổ sung trong Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2020. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, chủ trương khai thác thế mạnh du lịch biển, làng nghề truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao bãi biển được Tỉnh ủy xác định và chỉ đạo tập trung vào các giải pháp cụ thể để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên tinh thần phát triển du lịch xanh, dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm phấn đấu đến năm 2020, du lịch Bình Thuận phải là du lịch xanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong những giải pháp đó, UBND tỉnh Bình Thuận chú trọng việc kết nối địa phương, liên kết vùng để phát triển du lịch, đẩy mạnh chương trình hợp tác liên kết tam giác du lịch TP Hồ Chí Minh-Bình Thuận-Lâm Đồng mà trọng tâm là quảng bá sản phẩm “Chợ Sài Gòn-Hoa Đà Lạt-Biển Mũi Né”. Việc liên kết 3 tỉnh, thành phố được xem là giải pháp thiết thực, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển du lịch của các địa phương, phù hợp với tính đặc trưng liên vùng của du lịch đã được xác định trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng: “Kết nối để “một chuyến đi, ba điểm đến” đều là những địa danh du lịch mang đậm bản sắc vùng miền, phát huy lợi thế tự nhiên, văn hóa và bảo vệ môi trường sẽ kích thích du khách, gợi mở hành trình du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế cả hiện tại lẫn tương lai”.

Nhờ sự liên kết này, chỉ trong 5 năm (2013-2018), Bình Thuận đã có 239 dự án du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh, tương ứng số vốn hơn 31.000 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư toàn tỉnh.

Cùng với đẩy mạnh liên kết vùng và kết nối các điểm đến, hai năm gần đây, Bình Thuận đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thuận tiện tới các khu du lịch, gắn kết đất liền, biển đảo; khai trương nhiều tuyến tàu, xe phục vụ du lịch, nhất là tới đảo Phú Quý. Điển hình như các tuyến tàu cao tốc Phú Quý Express, Superdong Phan Thiết-Phú Quý… với thời gian hải trình từ 6 giờ rút xuống còn chưa đầy 2 giờ 30 phút. Với bước đột phá này, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến đảo Phú Quý tăng vọt. Riêng đợt nghỉ lễ 30-4 và ngày Quốc tế Lao động 1-5 vừa qua, có khoảng 15.000 lượt du khách ra tham quan, nghỉ dưỡng tại đảo (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ). Các hãng tàu cao tốc phải tăng chuyến, hoạt động hết công suất để phục vụ đưa đón du khách. Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng các yêu cầu phát triển du lịch xanh, cùng với khai thác những điểm đến truyền thống, gần đây tỉnh chủ động mời gọi đầu tư vào những địa danh, vùng biển tiềm năng, khai thác lợi thế thiên nhiên và đặc trưng văn hóa các địa phương”. Nhờ vậy, hàng trăm dự án du lịch đã biến làng chài Hàm Tiến-Mũi Né hoang sơ thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Các tuyến du lịch phía nam của tỉnh cũng đang ngày càng mở rộng gắn với hệ thống dịch vụ tiện lợi, môi trường du lịch thân thiện, an toàn, đáp ứng nhu cầu của du khách nghỉ dài ngày. Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương và ngành du lịch "kết hợp khai thác tiềm năng tự nhiên với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, không làm cạn kiệt tài nguyên, năng lượng và phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường". Đó chính là cốt lõi để phát triển du lịch xanh và bền vững.

Với vị thế là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 du lịch phải chuyển dịch chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm địa phương, thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 850.000 lượt người. Mục tiêu này đòi hỏi tỉnh Bình Thuận phải đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác quản lý và bảo tồn giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch xanh. Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, với những giải pháp, đề án, chương trình hành động cụ thể theo từng giai đoạn, ngành du lịch Bình Thuận đã đổi mới vươn lên, tích cực quảng bá, kết nối các địa phương, tạo thế phát triển hài hòa, hợp lý theo hướng du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác trong toàn tỉnh. Thời gian tới, việc mở rộng kết nối để phát triển du lịch xanh, tiếp tục xây dựng và giữ vững thương hiệu du lịch Bình Thuận an toàn, thân thiện, nhân văn vẫn là mục tiêu quan trọng của ngành du lịch nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng gắn với điều kiện thực tế địa phương.