Theo đó, có tới hơn 60% doanh nghiệp phản ánh vẫn đang gặp phải rào cản trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.
Đây là số liệu được công bố tại Diễn đàn “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Meta tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội.
Để tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm và chú trọng việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới, sáng tạo. Ở cấp cao nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhờ đó, hiện Việt Nam đã có ngành viễn thông và công nghệ thông tin tương đối phát triển làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, với thị trường nội địa gần 100 triệu dân, với 70% dân số trẻ sử dụng internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.
Vì vậy, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.
Dù có nhiều cơ hội, song theo một số ý kiến từ các chuyên gia kinh tế tham dự sự kiện, việc Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số hay không lại đang phụ thuộc vào những cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là khu vực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua đã diễn ra mạnh mẽ, bằng việc ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán-tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Báo cáo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ) cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% doanh nghiệp còn lại lạc lối trong quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.
Vì vậy, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, các bộ ngành, cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho rằng, rất cần tạo thêm cơ chế chính sách thuận lợi cho chuyển đổi số. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cần coi chuyển đổi số là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình; phải thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của từng doanh nghiệp. Ưu tiên hướng tới mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh. Nếu thực hiện chuyển đổi số mà doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công.