Sáng 9/11, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tổ chức Hội thảo “75 năm Hiến pháp Việt Nam” nhân kỷ niệm 75 năm ngày Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn - nguyên Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đồng chí Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM, PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cùng với sự có mặt của hơn 100 tác giả là các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý và các giảng viên đang công tác tại hơn 30 trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu trong cả nước.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh nhận định, kể từ khi Hiến pháp năm 1946 được thông qua, xác lập nền tảng cho thiết lập bộ máy nhà nước, ghi nhận những chuẩn mực pháp lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến nay, chúng ta đã có các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013. Có thể khẳng định, mỗi bản Hiến pháp tùy được ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau song đều là đạo luật về chủ quyền nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, do nhân dân trao cho và để phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Với chủ đề “75 năm Hiến pháp Việt Nam”, Hội thảo sẽ là không gian học thuật để các nhà khoa học không chỉ đề cập việc tổng kết những thành tựu lập hiến ở Việt Nam mà còn gợi mở thêm nhiều vấn đề khoa học hiến pháp mới góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức về khoa học hiến pháp hướng tới kỷ niệm 100 thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM đánh giá cao sáng kiến của Trường Đai học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức kỷ niệm sự kiện 75 năm Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta ra đời (09/11/1946-09/11/2021) và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11. Hội thảo là đợt sinh hoạt nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật cho đảng viên và giảng viên. Hội thảo giúp đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo trong Khối, các báo cáo viên có thêm chất liệu sinh động, bổ sung dữ liệu lịch sử, hệ thống pháp lý vững chắc để tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt hơn công tác giáo dục trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã đặt ra nhiều vấn đề khoa học cần được tiếp tục nghiên cứu và làm rõ như: về vai trò của Hiến pháp với tính các là đạo luật cơ bản của Nhà nước ta, tính tối thượng của Hiến pháp và luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN; về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; về cơ chế quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; các nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp; vấn đề bảo đảm phạm quyền con người, quyền công dân, cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Hội thảo diễn ra sôi nổi, đề xuất được nhiều ý kiến đóng góp cho việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật nói chung và lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói riêng./