27/11/2024 lúc 09:34 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo chuyên gia đề tài NCKH cấp Nhà nước: “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực KHCN trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.”

Ngày 11/05/2023, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Thanh niên tổ chức Hội thảo chuyên gia trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực KHCN trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.” (Mã số đề tài: ĐTĐLXH.07/22). Đề tài do Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển chủ trì và TS. Đặng Vũ Cảnh Linh làm chủ nhiệm đề tài.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh thay mặt BCN đề tài trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo

Tham dự Hội thảo gồm có GS.TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, PGS.TS Mạc Văn Tiến - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, TS. Nhạc Phan Linh – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp , TS. Nguyễn Việt Hòa - Vụ KHCN, Ban Tuyên giáo Trung ương, TS. Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, TS. Đỗ Thị Kim Anh - Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, TS. Trần Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Thanh niên và Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đã có mặt tại buổi Hội thảo chuyên gia.

Tại Hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài đã trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo, trong đó đưa ra một số nội dung liên quan đến cơ sở lý luận của đề tài cần xin ý kiến tham vấn từ các chuyên gia bao gồm: Làm rõ một số khái niệm cơ bản nhất của đề về “nhân lực KHCN trẻ” và “doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đây cũng là đối tượng chính mà đề tài nghiên cứu hướng đến, các lý thuyết, phương pháp tiếp cận và định hướng nội dung nghiên cứu, và các sản phẩm đầu ra của đề tài. Sau phần trình bày của TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, chủ nhiệm đề tài, các chuyên gia tham dự đã tham gia góp ý và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.

GS.TS. Đặng Cảnh Khanh cho rằng đề tài cần gắn nghiên cứu với phát triển. Trong đó, xác định rõ đối tượng “doanh nghiệp vừa và nhỏ” và “nhân lực KHCN trẻ”. GS. Khanh đã đưa ra những ý kiến đóng góp, gợi mở mới bổ sung cho cơ sở lý luận của đề tài, nhất là việc xác định nhóm đối tượng “nhân lực KHCN trẻ” cần nghiên cứu là nhóm đang làm việc biên chế hay không biên chế tại các doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, cho rằng khái niệm “nhân lực KHCN” tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa có văn bản quy phạm quy định chính xác khái niệm này. Nếu chỉ căn cứ theo khái niệm Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra cũng đã khá nhiều cách định nghĩa. Do đó, cần xác định và lựa chọn khái niệm sao cho phù hợp với đề tài. Việc xác định độ tuổi của nhóm “nhân lực KHCN trẻ” nên để độ tuổi tới 35 thay vì 30 như hiện tại. PGS.TS Mạc Văn Tiến cũng đã đóng góp ý kiến về việc phân loại và xác định “doanh nghiệp vừa và nhỏ” ở Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi đồng tình với ý kiến của các chuyên gia nêu trên. Các khái niệm, định nghĩa vẫn nên căn cứ theo quy chiếu của pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Đồng thời đề tài nên tham khảo, tham chiếu với các định nghĩa, khái niệm và cách phân loại nhóm doanh nghiệp và độ tuổi của nhân lực KHCN trẻ theo cách phân chia của quốc tế. Đề tài nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế tại Việt Nam và trên thế giới đang có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, do đó cần cân nhắc hướng nghiên cứu theo tình hình thực tế của các doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi cũng đưa ra các ý kiến đóng góp cho phương pháp nghiên cứu và đối tượng tiến hành khảo sát, nghiên cứu của đề tài.

TS. Lương Minh Huân đưa ra ý kiến tiếp cận khái niệm cần gắn với các căn cứ theo luật hoặc kết hợp giữa các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp. Đề tài cần xác định mẫu nghiên cứu căn cứ theo mục tiêu khảo sát. Đối với đầu ra của sản phẩm đề tài nên cân nhắc, thực hiện đề án hỗ trợ, kết nối nhân lực cho các doanh nghiệp.

TS. Nhạc Phan Linh đã đưa ra một số góp ý và quan điểm nhằm củng cố,  bổ sung thêm các nội dung về đối tượng khảo sát, điều tra của đề tài. Trong đó, đề tài nên chọn đối tượng chủ đạo là doanh nghiệp KHCN và mở rộng ra các nhóm doanh nghiệp khác. Tập chung khai thác chính nhóm nhân lực được đào tạo chính quy về KHCN tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đóng góp ý kiến với đề tài, TS. Nguyễn Việt Hòa cho biết sau Đại hội XIII, cơ cấu kinh tế đã thay đổi và có sự chuyển dịch. Mô hình kinh tế hiện nay đang có xu hướng chuyển đổi sang kinh tế số, xã hội số. Tại Việt Nam đã xuất hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là nhóm đối tượng nghiên cứu đề tài cần quan tâm tới. Đề tài cần có sự phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương để lựa chọn, đồng hành cùng một số danh nghiệp triển khai một số mô hình thí điểm trong suốt quá trình ít nhất là 3 năm đề tài thực hiện.

TS. Trần Minh đưa ra ý kiến về các đối tượng nghiên cứu của đề tài, các đối tượng nghiên cứu của đề tài vốn mang tính di động cao, nguồn nhân lực và doanh nghiệp sẽ thay đổi rất nhanh chỉ sau vài năm. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các nhóm đối tượng không được đào tạo bài bản về KHCN nhưng lại thực hiện các hoạt động KHCN tại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nằm trong chuỗi cung ứng với doanh nghiệp lớn, nhân lực KHCN họ sử dụng có thể không làm việc trong doanh nghiệp nhưng vẫn tham gia hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm KHCN phục vụ cho doanh nghiệp phát triển. Đây là các nhóm đối tượng cần quan tâm.

Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Thanh niên cho đề tài về các lý thuyết tiếp cận, hướng tiếp cận phát triển thanh niên và những nội dung chính sách hiện hành, những vấn đề bất cập còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách; xác định độ tuổi của “nhân lực KHCN trẻ” và các ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.

Tiếp thu những ý kiến từ các chuyên gia, phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài cảm ơn và tiếp thu các chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp quan trọng, tâm huyết ở tất cả các lĩnh vực hoạt động về kinh tế, về doanh nghiệp, về khoa học công nghệ và về thanh niên. Trên cơ sở đó, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh đã tổng kết lại một số vấn đề của đề tài trong Hội thảo này: 

Thứ nhất, phải đảm bảo các cái tiêu chí của đề tài như các nhà khoa học đã gợi ý. Đề tài sẽ có những phần cứng theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng cũng có những phần mở rộng phạm vi nghiên cứu, những nhóm đối tượng nghiên cứu xung quanh. Có thể nghiên cứu những chuỗi cung ứng của doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn. Qua đó thấy được quá trình phát triển và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt là các nhân lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp đó.

Thứ hai, chúng ta cũng có thể có những  nghiên cứu rộng lớn hơn về độ tuổi của nhóm nhân lực KHCN và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ bao quát qua các lĩnh vực. Trên thực tế nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ rất rộng lớn, đa dạng về ngành nghề và loại hình doanh nghiệp. Đề tài sẽ xác định nhóm ưu tiên theo ý kiến góp ý của các chuyên gia là những doanh nghiệp có hoạt động KHCN và những doanh nghiệp dự kiến có hoạt động KHCN hay doanh nghiệp đang quan tâm đến vấn đề KHCN. Từ đó có sự đối chứng giữa các doanh nghiệp có KHCN và không có KHCN. Về độ tuổi nhân lực KHCN trẻ, qua sự gợi mở của các nhà khoa học, độ tuổi này ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực là khác nhau nên cần mở rộng độ tuổi của nhóm nhân lực KHCN trẻ từ 30 lên 35 tuổi.

Thứ ba, có một số nhà khoa học gợi ý là sẽ có nhóm trọng tâm nhân lực trong KHCN. Chúng ta sẽ có những lĩnh vực lớn, những lĩnh vực ưu tiên gắn với nhân lực trẻ, ví dụ như là công nghệ thông tin, AI và một số lĩnh vực khác. Đề tài phải có một nghiên cứu định hướng mang tính phát triển.
Thứ tư, đề tài phải thỏa mãn được yêu cầu thực tiễn. Kết quả nghiên cứu đề tài phải có những mô hình, những ví dụ và phải có sự đồng hành của các doanh nghiệp. Đây là nội dung rất quan trọng đảm bảo đề tài thỏa mãn được cả về mặt khoa học và về mặt thực tiễn, xây dựng chính sách.  Các doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho nên nhiệm vụ của đề tài sẽ là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng các mô hình mới.
KHCN sẽ đồng hành với năng suất lao động và phát triển kinh tế. Do đó, đề tài là cơ sở quan trọng để đưa ra những yêu cầu về mặt chính sách, đặc biệt là xây dựng được Đề án hoàn chỉnh. Đề án này được đưa ra ngay trong phần yêu cầu của đề tài và có thể được xây dựng thành Dự thảo trình Chính phủ.

Đây là những cơ sở quan trọng để Ban chủ nhiệm đề tài có được cái nhìn khách quan và chân thực hơn trong nghiên cứu về nhân lực KHCN trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay. Những đóng góp, sự góp ý của các chuyên gia cho đề tài rất bổ ích. Từ đó giúp đề tài vừa đáp ứng yêu cầu về mặt khoa học, thực tiễn và xây dựng các giải pháp chính sách phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển đội ngũ nhân lực KHCN, phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ổn định và bền vững./.

theo Tạp chí Truyền thống và Phát triển 

...