VNHN - Thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân và chính sách đối ngoại độc lập tự chủ đi đôi với đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng ta trên tinh thần ”Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, đảm bảo nguyên tắc hợp tác bình đẳng cùng có lợi, những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã tăng cường công tác đối ngoại, mở rộng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ , các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức nông nghiệp, nông dân các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ảnh : Đại hội VII Hội Nông Dân Việt Nam
Bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, nắm vững phương châm “chủđộng, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, đồng thời có sự đổi mới về tư duy, từ chỗ chú trọng xây dựng quan hệđoàn kết, hữu nghị với các tổ chức nông dân sang kết hợp với thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ, các đại sứ quán, các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp để tranh thủ nguồn lực nên đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Hội đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác đối ngoại. Ban Thường vụ Trung ương Hội đã xây dựng và ban hành Quy chế số 527 ngày 16/7/2011 về tiếp nhận và quản lý các dự án quốc tế tài trợ cho Hội Nông dân Việt Nam; Chương trình số 660 ngày 18/7/2014 về xúc tiến vận động viện trợ nước ngoài giai đoạn 2014-2020 của Hội Nông dân Việt Nam; Nghị Quyết số 23 ngày 14/10/2015 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Chương trình số 12 ngày 24/12/2015 về tổ chức đưa cán bộ, hội viên, nông dân đi nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm và quảng bá nông sản hàng hóa ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Căn cứ các văn bản này, Hội Nông dân các cấp đã triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại theo hướng trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, huy động được sự tham gia của các cấp Hội vào hoạt động đối ngoại, phát huy được tiềm năng, vị thế của Hội.
Từ chỗ không có đối tác nước ngoài nào, đến nay Hội đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với 57 đối tác nước ngoài. Các đối tác của Hội không chỉ là các tổ chức nông dân mà đã mở rộng ra các đối tác là các nhà tài trợ các tổ chức quốc tế, tổ chức của Liên Hợp Quốc, các đại sứ quán, tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp. Hội đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức những Người sản xuất nông nghiệp quốc tế (IFAP), Hội Nông dân Châu Á vì sự phát triển bền vững AFA, quan sát viên của Phong trào Nông dân quốc tế (LVC) và Hội Nông dân Thế giới (WFO).
Hàng năm, Hội đón hàng trăm đoàn nước ngoài đến tìm hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổ chức và hoạt động của Hội, nhất là thảo luận các cơ hội hợp tác, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án quốc tế, đồng thời cử hàng trăm cán bộ, hội viên nông dân đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Đã có 30 tỉnh, thành Hội xây dựng kế hoạch, 15 tỉnh xây dựng đề án tổ chức cho nông dân đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, quảng bá nông sản ở trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này, bạn bè quốc tế hiểu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước ta; thành tựu của công cuộc đổi mới, trong đó có những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp; hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, nhất là nông dân Việt Nam; vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam và tiềm năng hợp tác tạo tiền đề cho sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam nói chung, Hội Nông dân Việt Nam nói riêng.
Hội tích cực đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực, nổi bật là Hội nghị Uỷ ban Nông dân châu Á của IFAP, Đại hội lần thứ V Hội Nông dân Châu Á (AFA), Hội nghị Tư vấn các Tổ chức dân sự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của FAO. Đây là những sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, có quy mô lớn, nội dung có nhiều vần đề phức tạp, nhạy cảm, nhưng đều được tổ chức tốt, đảm bảo các yêu cầu đặt ra, tạo được niềm tin và ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế về Hội nói riêng, về đất nước, con người Việt Nam nói chung, đặc biệt là tạo nền móng cho quan hệ hữu nghị và hợp tác.
Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại từng bước được Hội quan tâm đã góp phần nâng cao hiểu biết của bạn bè quốc tế về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức và hoạt động của Hội; tăng cường sự trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác hai bên cùng có lợi. Ngay sau Đại hội lần thứ I, ấn phẩm đầu tiên bằng tiếng Anh giới thiệu về Hội, về đường lối đổi mới của Đảng ta, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam với bạn bè quốc tế đã được xây dựng và phát hành. Kể từ đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại từng bước được đổi mới về nội dung và hình thức. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội đã xuất bản ấn phẩm “Hội Nông dân Việt Nam - 70 năm xây dựng và trưởng thành” bằng tiếng Anh, đồng thời giúp Viện Thông tin giáo dục nông nghiệp Đan Mạch (LOK) xây dựng cuốn phim “Canh tác nông nghiệp ở Việt Nam” đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân nhiều nước, của các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước về tổ chức và hoạt động của Hội, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Tháng 7/2010, cửa sổ thông tin đối ngoại bằng tiếng Anh trên Website của Hội được khai trương (nay là trang web bằng tiếng Anh chính thức của Hội) đã góp phần làm phong phú thêm hình thức thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Hội.
Công tác vận động, quản lý, sử dụng viện trợ được xác định là một trong những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của Hội. Hội đã và đang thực hiện một thỏa thuận hợp tác quốc tế. Các cấp Hội chủ động, tích cực xây dựng các chương trình, dự án quốc tế, phát triển quan hệ với các đối tác để tranh thủ nguồn lực. Hiện nay có 18 đối tác đang hỗ trợ Hội với tổng số vốn lên tới hàng trăm tỉ đồng để triển khai các chương trình, dự án, xây dựng được hàng trăm mô hình kinh tế - xã hội hiệu quả góp phần nâng cao năng lực cán bộ, hội viên, nông dân, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường...
Để góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thông mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong tình hình mới, phương hướng nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
* Góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
* Tăng cường và mở rộng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức nông dân, tổ chức Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó từng bước xây dựng các đối tác chiến lược;
* Chủ động, tích cực xây dựng, vận động viện trợ, tổ chức triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện sống và nâng cao năng lực hoạt động của Hội;
* Chủ động tham gia các hoạt động song phương, đa phương và tham gia các tổ chức nông dân trong khu vực và trên thế giới;
* Tổ chức nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền, quảng bá về tổ chức Hội và sản phẩm cho nông dân;
* Tạo điều kiện để hội viên, nông dân tham gia xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập.
Từ nay đến năm 2020, Hội Nông dân Việt Nam cần thực hiện những nhiệm vụ chính là:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, tuyền truyền đối ngoại cụ thể; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và sắp xếp một cách khoa học những tài liệu thông tin đối ngoại hiện có, đồng thời tích cực cập nhật thông tin mới; thường xuyên truyên truyền, cung cấp thông tin, kinh nghiệm của nông dân và các tổ chức nông dân khu vực và thế giới, thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu lao động trên các phương tiện truyền thông của Hội...; đa dạng hóa hình thức vànội dung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức vàhoạt động của Hội, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở nâng cao chất lượng tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế; nâng cao chất lượng các buổi tiếp xúc và làm việc với các tổ chức nước ngoài cũng như nâng cao chất lượng thông tin, ấn phẩm tuyên truyền...
Thứ hai, tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác là các tổ chức nông dân, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, tổ chức chính phủ, phi chính phủ nước ngoài, cách doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác để củng cố và phát triển quan hệ với các đối tác hiện có, đồng thời thiết lập và mở rộng quan hệ với các đối tác mới, nhất là các đối tác có tiềm năng hợp tác lâu dài. Tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách quốc tế vào thăm và làm việc với Hội trên tinh thần trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, phân công đúng người, đúng việc, đảm bảo tính kế thừa và tiếp nối trong các hoạt động. Chủ động đăng cai hội thảo, hội nghị, tập huấn do quốc tế tài trợ tại Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội. Tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức Hội là thành viên.
Thứ ba, tăng cường vận động viện trợ, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp. Theo đó, Hội cần chủ động và tích cực tiếp cận với các tổ chức tài trợ trên cơ sở nắm vững đặc điểm, mục tiêu và khả năng của tổ chức đó, chuẩn bị sẵn những dự án phù hợp với lĩnh vực cùng ưu tiên; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ tham gia hoạt động đối ngoại ở các cấp về ngoại ngữ, quản lý dự án, kỹ năng đàm phán, truyền thông...; chọn một số tỉnh, thành Hội làm thí điểm công tác vận động viện trợ. Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa tỉnh, thành Hội với các phòng hoặc Sở ngoại vụ tỉnh, thành phố; sử dụng viện trợ vận động được một cách hiệu quả để xây dựng các mô hình, điển hình trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc “Quy chế về tiếp nhận và quản lý các dự án quốc tế tài trợ cho Hội Nông dân Việt Nam” và cam kết với nhà tài trợ.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội với các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương; giữa các ban, đơn vị cùng cấp và giữa các cấp Hội. Muốn vậy, Hội cần xây dựng chương trình, kế hoạch và có quy chế phối hợp cụ thể giữa Hội các cấp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương, giữa các cấp Hội và giữa các ban, đơn vị cùng cấp. Hàng năm, cần sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác phối hợp.
Có thể thấy rằng, với phương châm tích cực, chủ động mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức nông dân, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ, phi chính phủ nước ngoài và các đại sứ quán, tăng cường tình hữu nghị, tranh thủ nguồn lực, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, trong thời gian tới Hội Nông dân Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng trong tình hình mới. /.