VNHN-Nhìn lại quá trình công nghiệp hóa đất nước gắn với quá trình hội nhập trong hơn 20 năm qua, để nhận diện những thách thức từ nội tại, đối chiếu với những chủ trương và giải pháp đang thực thi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chính là cách tiếp cận để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong hội nhập.
Do đó, có thể nói kết quả của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập trên cả 3 giác độ: Quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
“Chủ động và tích cực hội nhập” - từ đường lối đến thực tiễn
Để rút ngắn quá trình CNH đất nước và phù hợp với xu hướng hội nhập mang tính tất yếu của thời đại, từ năm 1996 (Đại hội Đảng lần thứ VIII), đã có chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập”. Trên thực tế, chúng ta đã tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế một cách sâu rộng. Từ tham gia vào cộng đồng kinh tế Asean; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết CEPT vào cuối thập niên 1990 với các nước Asean, đến việc kết thúc đàm phán song phương với nhiều nước vào đầu những năm 2000 để gia nhập WTO, chính thức làm thành viên WTO vào tháng 1.2007. Trong hơn 10 năm tiếp theo, đã tích cực, chủ động đàm phán và ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới - FTA; các hiệp định đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước; đặc biệt là việc đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do với EU; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 10 quốc gia khu vực Thái Bình Dương…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp Việt
Hội nhập luôn luôn tồn tại cơ hội và thách thức ở tầm quốc gia, nhất là những biến động kinh tế, chính trị khu vực và toàn cầu. Do đó, việc nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, hạn chế rủi ro luôn luôn được dự liệu trong mọi kích bản của phát triển. Một thể chế kinh tế ít rủi ro; doanh nghiệp nội địa lớn mạnh; thị trường nội địa phát triển và đồng bản tệ mạnh là 4 trụ đỡ quan trọng nhất khả dĩ nâng sức chống chịu của nền kinh tế.
Lĩnh vực kinh tế đối ngoại, bao gồm quan hệ ngoại thương, tín dụng và đầu tư tiếp tục phát triển tích cực, vị thế kinh tế của nước ta ngày càng được nâng cao trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể nói, trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong 15 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã đi vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế theo đúng tinh thần “chủ động và tích cực”.
Tham gia vào “sân chơi” toàn cầu, cơ hội và thách thức luôn luôn đan xen nhau, buộc nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng phải biết lựa chọn những lợi thế (có thể là lợi thế đang có và sẽ có) và loại bỏ những bất lợi (có thể đang có hoặc sẽ xảy ra) để giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra rất gay gắt. Cạnh tranh được đánh giá trên cả 3 giác độ: Cạnh tranh quốc gia; cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Quá trình này tùy thuộc rất lớn vào quá trình cải cách thể chế kinh tế và sự thích nghi của “luật chơi” toàn cầu.
Thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh
Từ đầu những năm 2000, khi tham gia đàm phán gia nhập WTO, đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những cam kết hội nhập. Những tồn tại trong cơ chế bao cấp, đặc quyền doanh nghiệp dần dần bị bãi bỏ. Hoạt động kinh doanh có môi trường lành mạnh hơn và do đó sẽ tạo cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cạnh tranh bằng chính năng lực của mình phát triển mạnh mẽ; đồng thời, cũng làm mất cơ hội đối với những doanh nghiệp làm ăn không dựa trên năng lực của chính mình. Chính hội nhập đã có tác động cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện 1 trong 3 “đột phá chiến lược” trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 về hoàn thiện thể chế kinh tế, giai đoạn 2011 - 2016, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua gần 100 bộ luật, đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế, bao gồm nhiều bộ luật và đạo luật như: Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Dân sự tố tụng, Bộ Luật Hàng hải, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của các luật thuế, Luật Đất đai, Luật Phá sản… đã từng bước hình thành cơ chế vận hành thuận lợi hơn cho thị trường. Bên cạnh đó, các luật liên quan đến tổ chức nền hành chính và tài chính như: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ngân sách nhà nước… cũng được xây dựng mới, đã tạo ra một dấu ấn rất quan trọng về đổi mới tư duy quản lý nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đổi mới nội dung và phương thức quản lý hành chính nhà nước nhằm phù hợp với khuôn khổ cam kết WTO, AEC, FTA, CPTPP…; tính công khai, minh bạch trong chính sách và trong các loại dịch vụ hành chính công sẽ được thúc đẩy, nên sẽ thuận lợi hơn trong làm ăn của doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp thông qua đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chính là nội dung thực hiện vai trò của Nhà nước trong tái cơ cấu kinh tế, nên chắc chắn Chính phủ sẽ chuyển ngân sách hỗ trợ không phù hợp đang tồn tại sang hỗ trợ dưới hình thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, sẽ tạo bước chuyển biến nhanh về chất lượng của hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Ngay từ đầu năm 2016, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đối diện với nhiều thách thức trước mắt và lâu dài, Chính phủ không chỉ nổ lực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của cả nhiệm kỳ 2016-2020, mà quan trọng hơn là phải tạo ra động lực mới cho sự phát triển. Với phương châm của một “Chính phủ hành động”, ngày 28.4.2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tiếp tục lộ trình nâng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN-4 trên 10 chỉ tiêu trong năm 2016 (Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18.3.2014 đạt trung bình ASEAN-6 trên 6 chỉ tiêu và NQ 19/NQ-CP ngày 12.3.2015 đạt trung bình AESEAN-4 trên 10 chỉ tiêu); ngày 16.5.2016, ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và hàng loạt những chỉ thị của Thủ tướng chính phủ mang tính chất “thông điệp” của người đứng đầu Chính phủ về chủ trương: Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Mới đây, ngày 1.1.2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 với quyết tâm nâng cao hiệu quả năng lực điều hành của bộ máy hành chính các cấp và tạo dựng môi trường kinh doanh theo chuẩn mực ASEAN-4.
Nâng cao năng lực nội sinh - tăng sức chống chịu của nền kinh tế
Từ lâu, chúng ta đã xác định nội lực của nền kinh tế là yếu tố quyết định thành công trong hội nhập. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta từ khi có cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài, nội lực suy yếu, sự phục hồi chậm, nhất là khu vực kinh tế trong nước. Nguyên nhân sâu xa do duy trì quá lâu cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế thiếu tính cạnh tranh; đổi mới thể chế kinh tế thiếu đồng bộ nên kinh tế vẫn đang đối diện nhiều thách thức, nhất là trong 5 năm 2011-2015.
Chúng ta rất thành công trong đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn FDI, nhưng tính chất của nền công nghiệp gia công xuất khẩu vẫn chưa thay đổi. Nền kinh tế nội địa chủ yếu vẫn dựa vào 2 lực lượng chính đóng góp vào GDP: Tư nhân cá thể, hộ gia đình và khu vực nhà nước. Còn khu vực doanh nghiệp tư nhân (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) tuy có phát triển nhưng mới chỉ đóng góp khoảng 8-9% GDP. Sự thiếu gắn kết và quan hệ kinh tế theo chuỗi giá trị giữa khu vực FDI và doanh nghiệp nội địa đã khiến nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng “nền kinh tế kép”, hiệu quả của mục tiêu thu hút FDI bị hạn chế về tính tác động lan tỏa, nâng cao tiềm lực kinh tế trong nước. Chủ trương nâng cao vị trí, vai trò của khu vực tư nhân trong nước là quyết sách đúng đắn, nhưng việc tạo ra môi trường để có thể lớn mạnh được lại tùy thuộc vào quá trình cải cách thể chế còn ở phía trước.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn ra, dự đoán sự dịch chuyển một làn sóng đầu tư mới trên bình diện thế giới xuất phát từ sự thay đổi chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, mà nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đang tích cực triển khai chính sách để chủ động tiếp nhận. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng của nguồn vốn FDI và thúc đẩy quá trình nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Nhìn lại quá trình công nghiệp hóa đất nước gắn với quá trình hội nhập trong hơn 20 năm qua, để nhận diện những thách thức từ nội tại của nền kinh tế, đối chiếu với những chủ trương và giải pháp đang thực thi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chính là cách tiếp cận để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong hội nhập. Do đó, có thể nói kết quả của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập trên cả 3 giác độ: Quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.