VNHN-Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, song bên cạnh đó cũng không ít thách thức, đặc biệt là những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.
CPTPP đang tạo ra những áp lực rất lớn đối với bất kỳ một nền kinh tế nào trên thế giới, với riêng Việt Nam lại càng có những ảnh hưởng đặc biệt, bởi vì Việt Nam đang là mối quan tâm của thế giới, toàn cầu đều đang hướng đến nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, không chỉ CPTPP mà bất kỳ hiệp định nào cũng luôn đặt ra những yếu tố mới mà tất cả những kinh tế đang phát triển đều phải đối mặt.
Ảnh minh họa - Internet
Cụ thể việc đầu tiên, kinh tế Việt Nam mặc dù đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt nhưng xuất phát điểm của chúng ta rất thấp. Từ một nền kinh tế chuyển đổi sau 20 năm, cơ chế hiện nay cũng như hệ thống kinh tế vẫn đang còn được xây dựng trên nền tảng cũ. Việt Nam đã có những điều chỉnh trong thời gian qua, mặc dù đã đem lại những kết quả cao nhưng vẫn chưa thể nói được là đã tạo ra nhiều điều kiện thật sự thuận lợi cho đất nước phát triển.
Với bối cảnh như vậy, dù nỗ lực thế nào đi chăng nữa, doanh nghiệp Việt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn nhân lực, cũng như hệ thống đào tạo giáo dục chưa có sự chuyển đổi một cách tích cực để có thể đáp ứng được những thách thức về nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có những động thái để đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập. Song chưa nhìn thấy nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Chẳng hạn vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt là chất lượng nhân lực thông qua ý thức, thông qua năng suất, khả năng tiếp cận với thị trường lao động thế giới. Khi Việt Nam hội nhập, việc di chuyển, dịch chuyển lao động là một trong những thực tế phải đối mặt. Vậy khả năng của nguồn nhân lực Việt Nam trong việc tham gia thị trường lao động quốc tế đã có chưa? Câu trả lời là chưa.
Và đó chính là thách thức cụ thể mà chưa có giải pháp rõ ràng để giải quyết nó. Có ý kiến đưa ra rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn kết bằng được giữa cơ sở đào tạo với DN, bằng cách đưa nhân lực vào hoạt động trực tiếp tại doanh nghiệp, đó cũng là giải pháp tốt để giải quyết được những nhu cầu về chất lượng cũng như năng suất lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam đã và đang ký kết 17 FTA. Với tất cả các FTA, đặc biệt với CPTPP, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đào tạo nhân lực.
Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng chính là người lao động thì lại chưa được đưa vào vị trí trung tâm để mổ xẻ xem cần phải định hướng đào tạo thế nào. Qua nhiều hội thảo, hầu như người lao động không được nhắc đến nhiều. Dường như cái mà nhà quản lý quan tâm chủ yếu chỉ liên quan đến cơ sở đào tạo. Như vậy là chưa thực sự hợp lý. Cần phải để chính người lao động lên tiếng.
Có đề xuất là thay đổi hệ thống giáo dục theo hướng tập trung vào nguồn nhân lực nhiều hơn nhưng lại không hề bàn đến câu chuyện là, thế hệ tương lai đó là con cháu chúng ta có chấp nhận sự thay đổi này không. Sự lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ nhân lực tương lai không thể phụ thuộc vào việc áp đặt của thế hệ đi trước.
Ngược lại, hệ thống giáo dục sẽ rất mạo hiểm khi đưa ra những ngành nghề mới, mặc dù có thể phù hợp với thời điểm 5 năm hay 10 năm tới nhưng nó lại không nằm trong kinh nghiệm của những người đi trước và chắc chắn những ngành đó sẽ khó có thể tuyển sinh được.
Và với xu thế đang thay đổi trong hệ thống giáo dục tự chủ như hiện nay thì chẳng có trường nào sẽ chọn những ngành nghề mà phải còn rất lâu mới chứng minh được sự hấp dẫn của nó. Cần phải thay đổi cách tiếp cận này. Phải quan tâm đến người lao động nhiều hơn, họ mới là nhân vật trung tâm, tiếng nói của họ, sự lựa chọn của họ mới có tính chất quyết định.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi tham gia các FTA thì sẽ gặp những rủi ro trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chắc chắn, doanh nghiệp Việt không những sẽ gặp nhiều rủi ro mà còn khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy là rất đáng tiếc vì chúng ta sẽ để tuột mất nhiều cơ hội trong hội nhập. Đó là một thực tế đáng buồn khi các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với các FTA.
Việc các doanh nghiệp cần làm ngay lúc này là phải chú trọng đến công tác tuyển chọn và đào tạo lao động có chất lượng cao. Bởi nếu không có nhân lực chất lượng cao thì rất khó hội nhập thành công.