VNHN - Trong khuôn khổ Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat 2019), Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp trong 2 ngày 17 và 18/1 tại Chiang Mai, Vương quốc Thái Lan, để thảo luận về chương trình hợp tác nội khối, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực, thế giới biến đổi nhanh chóng và sâu sắc. Đồng thời, Thái Lan, với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại. Lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, một nước tiếp nhận vai trò chủ tịch Hiệp hội vào đúng năm dự kiến tổ chức tổng tuyển cử.
Theo dự thảo tuyên bố báo chí chung được truyền thông Thái Lan tiết lộ, với chủ đề ASEAN 2019 là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, dự kiến Hội nghị lần này sẽ thảo luận ít nhất 5 vấn đề lớn liên quan đến an ninh và sự ổn định khu vực, bao gồm Sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương, cuộc khủng hoảng ở Rakhine, Myanmar, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Tầm nhìn ASEAN năm 2040.
Đối với Sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương, sau hơn một năm nghiên cứu, ASEAN đã đưa ra được phiên bản của riêng mình, bao gồm những nguyên tắc, đặc điểm tương tự đề xuất của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Theo truyền thông sở tại, phiên bản trên chứa đựng các yếu tố như tính chất rộng mở, có sự tham gia của tập thể các quốc gia liên quan, tính minh bạch, một trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc và vai trò trung tâm của ASEAN. Tại Hội nghị lần này, các bộ trưởng sẽ phải quyết định giữ tên sáng kiến là “Ấn Độ-Thái Bình Dương” theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc đặt tên khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, PGS. Thitinan Pongsudhirak thuộc Bộ môn Khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn cho biết chủ đề lớn thứ hai sẽ được thảo luận tại Hội nghị liên quan đến việc giải quyết vấn đề nhân đạo tại bang Rakhine, Myanmar. Trung tâm điều phối Hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA) sẽ giữ vai trò nòng cốt trong việc điều phối triển khai các biện pháp xây dựng niềm tin ở Rakhine để dọn đường cho việc hồi hương và hỗ trợ nhân đạo cho 720.000 người Rohingya. Chủ nhà Thái Lan hy vọng ASEAN sẽ thiết lập được một nguồn quỹ đặc biệt để hỗ trợ Myanmar, theo đó, Nhật Bản đã thể hiện thiện chí sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho vấn đề này.
Về vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, truyền thông sở tại nhận định ASEAN sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực để giảm nhiệt căng thẳng và thúc đẩy đối thoại giữa hai miền. Để thực hiện điều đó, ASEAN sẽ tăng cường hợp tác và thuyết phục Triều Tiên tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực, theo đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể được Chủ tịch ASEAN mời dự hội nghị cấp cao cùng với các lãnh đạo thế giới vào đầu tháng 11 tới.
Các chuyên gia khu vực nhận định vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần này. Chuyên gia hy vọng các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc (CoC) sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ chủ tịch của Thái Lan. Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh mong muốn hai bên giải quyết vấn đề này trước năm 2021, đồng thời khẳng định sẽ bảo đảm an ninh và tự do hàng hải ở vùng tranh chấp.
“Tầm nhìn ASEAN 2040” cũng được cho là sẽ nằm trong chủ đề thảo luận của Hội nghị để thay thế cho “Tầm nhìn 2020” đã không còn phù hợp trong bối cảnh khu vực và thế giới biến đổi nhanh chóng trong những năm gần đây. Thái Lan đã "đặt hàng" Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á có trụ sở tại Jakarta, Indonesia thực hiện một nghiên cứu về “Tầm nhìn ASEAN 2040” trên cơ sở ý kiến của chuyên gia khu vực. Nước chủ nhà sẽ đưa ra kết quả nghiên cứu và những khuyến nghị đến các bộ trưởng với tiêu đề “Vững bước tương lai: Tạo chuyển biến trong cộng đồng ASEAN”.
Bên cạnh đó, các ngoại trưởng ASEAN cũng có thể sẽ thảo luận về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và bày tỏ ủng hộ hoàn tất đàm phán hiệp định này trong năm 2019./.