Nhìn chung, nước ta đã hình thành một hệ thống pháp luật kinh tế tương đối đầy đủ để điều chỉnh các vấn đề phát sinh do thực tiễn hoạt động của nền kinh tế đặt ra. Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ, Bộ Tư pháp, đã ghi nhận đầy đủ các loại chủ thể tham gia quan hệ thị trường, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh và hợp tác xã với tư cách là những chủ thể chủ yếu đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Các loại chủ thể này được quy định chủ yếu trong Luật Doanh nghiệp (2014) và Luật Hợp tác xã (2012). Điều chỉnh các quan hệ hàng hóa - tiền tệ phát sinh trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm. Vai trò chính trong việc điều chỉnh các quan hệ thị trường thuộc về Bộ luật Dân sự (1995 và 2005). Ngoài ra, các quan hệ thị trường phát sinh trong các lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành cũng đã được các luật chuyên ngành quy định một cách cụ thể như Luật Các tổ chức tín dụng (2010), Luật Kinh doanh bất động sản (2014), Luật Kinh doanh bảo hiểm (2014), Luật Xây dựng (2014), Luật Nhà ở (2014),… Việc phá sản doanh nghiệp cũng đã được điều chỉnh bởi Luật Phá sản (1994, 2004 và 2014). Đạo luật này có tác dụng giúp các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rút khỏi thị trường một cách trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình và của các chủ nợ.
Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã được Nhà nước quan tâm, thể hiện ở việc ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (2004) với tư cách là công cụ pháp lý để Tòa án giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh, và Luật trọng tài thương mại với tư cách là công cụ pháp lý để trọng tài thương mại - tổ chức phi nhà nước thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp thương mại trên cơ sở những nguyên tắc có nhiều điểm khác biệt với Tòa án để đáp ứng nhu cầu được tự do lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Xét về mặt nội dung thì hệ thống pháp luật kinh tế hiện hành của Việt Nam đã ghi nhận và tạo điều kiện để triển khai thực hiện trên thực tế những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh thông qua việc xác định ngành nghề nào bị cấm, ngành nghề nào kinh doanh phải có điều kiện, ngành nghề nào được tự do kinh doanh mà không cần bất kỳ điều kiện gì. Đặc biệt, đã có nhiều quy định để hạn chế đến mức thấp nhất việc can thiệp của các cơ quan công quyền vào hoạt động của các doanh nghiệp.
Ghi nhận quyền bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, không phân biệt hình thức sở hữu, quy mô kinh doanh, lĩnh vực đầu tư. Quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp (1992) và (2013), Bộ luật Dân sự (2005), Luật doanh nghiệp (2014),… Ghi nhận nguyên tắc tự do sở hữu, theo đó, tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu bất cứ tài sản nào trừ những trường hợp có sự hạn chế bằng luật. Ghi nhận nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, chống lạm dụng vị trí thống lĩnh để vi phạm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công rất cơ bản như vừa nêu trên, pháp luật kinh tế hiện hành của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: nhiều đạo luật có nội dung còn chung chung, do đó cần phải ban hành nhiều văn bản dưới luật để cụ thể hóa và điều này đã làm chậm quá trình thực thi luật vào cuộc sống. Pháp luật kinh tế chưa đảm bảo tính đồng bộ, do đó nhiều quy định mang tính nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật chưa được thực thi.
Về mặt nội dung, nhiều quy định không phù hợp với thực tế. Nguyên nhân là do việc khảo sát, đánh giá thực tiễn về những vấn đề có liên quan chưa được thực hiện tốt. Ví dụ, vốn pháp định đối với một ngành nghề nhiều khi được xác định một cách tùy tiện, cao thấp rất khác nhau nhưng không được lập luận một cách thuyết phục, dẫn đến việc không nhận được sự đồng tình của các doanh nhân. Các điều kiện kinh doanh khác, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành, nhiều khi được xác định một cách tùy tiện và không được lập luận một cách thuyết phục, và hậu quả là đã cản trở một cách bất hợp lý quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Các thiết chế thực thi pháp luật chậm được xây dựng và hoàn thiện, do đó cũng có những ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi pháp luật kinh tế ở Việt Nam. Chẳng hạn, Luật phá sản (2014) đã thay thế chế định tổ quản lý và thanh lý tài sản bằng một chế định mới là quản tài viên. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Việt Nam chưa hình thành đội ngũ này; họ chưa được đào tạo về mặt nghiệp vụ pháp lý cũng như quản lý tài sản của doanh nghiệp phá sản. Do đó, chắc chắn việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Để bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản cũng như để tăng cường quản lý nhà nước đối với sự vận hành của các tài sản ở Việt Nam, đặc biệt là đối với bất động sản, thì một yếu tố rất quan trọng là phải xây dựng được hệ thống các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và đăng ký bất động sản. Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan này ở Việt Nam đang tồn tại một cách phân tán, biệt lập, thiếu sự liên thông và còn yếu kém về nhiều mặt khác. Chính tình trạng này cũng có ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các mục tiêu mà việc đăng ký nêu trên phải đảm nhiệm.
Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật kinh tế, cần đề cao vai trò của luật với tư cách là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, tăng cường việc ban hành luật để thay thế dần các hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác. Quán triệt nguyên tắc luật càng cụ thể càng tốt để trên cơ sở đó, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc ban hành các văn bản dưới luật, qua đó khắc phục tình trạng cồng kềnh, không đồng bộ, tính khó tiếp cận của hệ thống pháp luật kinh tế nước ta.
Xây dựng pháp luật kinh tế để thúc đẩy sự vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường theo hướng tất cả những gì cản trở quyền tự do kinh doanh, tự do sở hữu, cản trở cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh đều cần phải được loại bỏ càng sớm càng tốt. Bảo đảm pháp luật kinh tế không chỉ phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam, mà còn phải đảm bảo sự tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới, vì đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh việc tăng cường ban hành luật, cần phải tiếp tục xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh thông về nghiệp vụ để bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc (không chỉ quan tâm đến việc xây dựng mà còn phải quan tâm hơn nữa đến việc thực thi pháp luật).
Tăng cường học tập kinh nghiệm lập pháp, lập quy của các nước có điều kiện kinh tế, xã hội giống như Việt Nam để bảo đảm tính khoa học, tính hội nhập của pháp luật nước ta với pháp luật của thế giới.
Trong hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh tế, cần nghiên cứu, tiếp thu các quy định trong pháp luật của các nước, vì những vấn đề mà Việt Nam đang tiếp cận hôm nay đã từng được cộng đồng quốc tế nghiên cứu, giải quyết bằng pháp luật một cách thỏa đáng và khoa học. Việc tiếp thu các quy định này một mặt giúp chúng ta không tốn thời gian và công sức, mặt khác góp phần làm cho pháp luật Việt Nam trở nên tương thích hơn với pháp luật của các nước trên thế giới, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.