Để đạt được mục tiêu này, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân, từ đó có giải pháp thúc đẩy ngành kinh tế này tiếp tục phát triển theo hướng nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết.
Từ những chủ trương lớn
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra các chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp thúc đẩy phát triển công nghiệp theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ VIII (1996) của Đảng đã xác định mục tiêu: Đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Qua các Đại hội IX, X, XI, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại được xác định xuyên suốt, trong đó phát triển công nghiệp chính là để tạo nền tảng thực hiện mục tiêu đó… Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, cụ thể: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu cụ thể: “Kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật để xử lý các “điểm nghẽn” cơ bản trong phát triển các ngành CN trọng điểm theo hướng từ theo chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong CN”…
Từ chủ trương lớn về phát triển công nghiệp của Đảng và Nhà nước ta, trong những năm qua sản xuất công nghiệp đã từng bước vươn lên và đạt được những thành tựu quan trọng; góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói riêng.
Ngay trong năm 2023, mặc dù nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhưng công nghiệp vẫn đạt được giá trị tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 2,3% mặc dù thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước (tăng 7,8%). Tuy chưa đạt tốc độ tăng như kỳ vọng, nhưng sản xuất công nghiệp được cải thiện, phục hồi tích cực (3 quý đầu năm, IIP đều giảm). Ngành chế biến chế tạo tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực với IIP năm 2023 tăng 3,1%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Trong đó, Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,7%; khai thác quặng kim loại tăng 11,1%; sản xuất thuốc lá tăng 10,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 6,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,5%; dệt tăng 6,1%...
Không chỉ ở cấp Trung ương, thời gian qua nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực như Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Vĩnh Phúc; Vĩnh Long; Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...
Một số hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, quá trình phát triển công nghiệp của nước ta vẫn còn những hạn chế rất cần khắc phục để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn về công nghiệp. Cụ thể:
-Công nghiệp nước ta chưa đạt được mức tăng trưởng tương ứng với yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm; một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đã đề ra…
-Năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp Việt Nam còn thấp; hầu hết các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới…
- Năng suất lao động ngành Công nghiệp thấp. Các ngành sản xuất công nghiệp chưa thực sự thu hút mạnh mẽ lao động để tạo ra sự dịch chuyển lớn về cơ cấu lao động chung của nền kinh tế.
-Công nghiệp hỗ trợ chưa được phát triển đúng mức. Việc liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn kém hiệu quả. Phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp…
-Về mặt cơ chế, chính sách, vẫn chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành CN trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa; cũng chưa có những quy định cụ thể về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành CN trọng điểm. Mặt khác, các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách CN; Còn thiếu cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành CN.
Giải pháp hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp
Chiến lược Phát triển Công nghiệp Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035 xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực,... Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế…”.
Để đạt được những mục tiêu quan trọng đó, bên cạnh việc tiếp tục vận hành thực hiện những chủ trương, chính sách đã có về phát triển công nghiệp, rất cần tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, nhất là cơ chế quản lý của nhà nước đối với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất.
Thứ hai, có các giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Có cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.
Thứ ba, tiếp tục tạo điều kiện mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Trong đó chú trọng đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề; hoàn thiện thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm.
Thứ tư, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.
Thứ năm, có cơ chế nhằm tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp…
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp. Cùng với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách hợp tác về khoa học - công nghệ; về đầu tư; về giáo dục và đào tạo để phát triển thật tốt nguồn nhân lực cho đất nước; phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển công nghiệp./.
ThS. Vũ Thành Chương