31/10/2024 lúc 23:57 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện chính sách phát triển Khu công nghiệp sinh thái để đón nhiều hơn các nhà đầu tư

Hiện nay, Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, kết hợp phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cụm liên kết ngành. Trong đó, xây dựng và phát triển mô hình Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là một ưu tiên, là xu hướng tất yếu hướng tới phát triển bền vững.

Trong những năm qua, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) đã có tác động lan tỏa sâu rộng đến các khu vực khác của nền kinh tế; trong đó có việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại. Cùng với đó, việc phát triển KCN, trong đó có KCNST, đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế chính sách, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN, Khu kinh tế (KKT)…

Về mặt khái nhiệm, KCNST là một cộng đồng các doanh nghiệp đóng trên cùng một địa bàn và cùng tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thông qua các hoạt động cộng tác về quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên. Điều này cũng có nghĩa là cộng sinh công nghiệp, hay nói cách khác các doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc trao đổi và chia sẻ nguyên liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm phụ; từ đó tăng cường phát triển bền vững và bao trùm. Đây là giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN bền vững, loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Như vậy, để KCNST phát triển và đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư, nhà nước cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện chính sách đối với khu vực này trên cơ sở KCN và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu,...

Khẳng định chủ trương đúng đắn

Trên thực tế, từ năm 2020 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đã từng bước nhân rộng việc chuyển đổi thành KCNST đối với các khu công nghiệp như: Đình Vũ (thành phố Hải Phòng), Amata (Đồng Nai) và Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh)… Đến nay, đã có 7 khu công nghiệp đang thực hiện chuyển đổi thành KCNST dưới sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT. Việc hỗ trợ được tập trung vào các giải pháp kỹ thuật nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp và khu công nghiệp đẩy mạnh thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và hiện thực hóa các liên kết cộng sinh công nghiệp.

Song song với việc hỗ trợ kỹ thuật, Bộ KH&ĐT phối hợp với UNIDO tổ chức đào tạo tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến khu công nghiệp ở trung ương, địa phương và cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về: mô hình và tiêu chí KCNST (theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế); kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách và thực hiện KCNST; các hoạt động thực hành tốt nhất về chuyển đổi sang mô hình KCNST, như hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp...

Hiện nay, việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình KCNST không chỉ dừng lại ở các khu công nghiệp trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ KH&ĐT và các nhà tài trợ quốc tế mà đã được lan tỏa sang các khu công nghiệp khác với nguồn vốn tự thực hiện từ khu vực tư nhân, như: KCN Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng, các KCN của Tập đoàn Becamex; các KCN xanh, tiết kiệm năng lượng của tập đoàn VSIP,.... Đồng thời, các địa phương đã coi mô hình KCNST là xu hướng phát triển tất yếu các KCN trong thời gian tới, lồng ghép việc phát triển các KCN theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc phát triển kinh tế cân bằng với đảm bảo yếu tố môi trường và xã hội.

Từ thực tế trên, Việt Nam được đánh giá là một trong số các quốc gia trên thế giới thành công trong việc thể chế hóa mô hình KCNST tại các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, các Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 và 35/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP) của Chính phủ về quản lý KCN và KKT đã quy định cụ thể khái niệm, mục tiêu, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển, tiêu chí xác định, trình tự thủ tục chứng nhận, chứng nhận lại, thu hồi giấy chứng nhận và giám sát đánh giá thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCNST, doanh nghiệp sinh thái; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường… Mặt khác, nhận thức về lợi ích và điều kiện để chuyển đổi và xây dựng mới KCNST của các cơ quan chức năng đã rõ nét hơn.  Nhờ vậy đã xác định rõ yêu cầu: KCNST và doanh nghiệp sinh thái phải được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu và tham gia các chuỗi giá trị; ưu tiên tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các ưu đãi đầu tư. Trong đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN và KKT có nhiều nội dung sửa đổi về trình tự, thủ tục quy hoạch, đầu tư, thành lập KCN, KKT, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với KCN, KKT và bổ sung các mô hình KCN, KKT mới. Nghị định còn định hướng xây dựng KKT, KCN theo hướng tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các KCN ở nước ta hiện nay.

Một số giải pháp khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển KCNST

Hạn chế hiện nay đối với các KCNST về cơ chế, chính sách là: Còn thiếu sự đồng bộ giữa các quy định, các văn bản hướng dẫn còn thiếu và chưa thống nhất.  Chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới KCNST đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hoặc các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn; do đó, cần đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng cũng như các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các ưu đãi về tài chính để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới KCNST. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích phát triển các KCNST, đón các nhà đầu tư; bao gồm những nội dung sau: (1) Tăng cường hỗ trợ xây dựng các chính sách, các hướng dẫn liên quan đến KCNST; xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận KCNST; nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ các rào cản và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện KCNST. (2) Đẩy mạnh việc hỗ trợ kỹ thuật tại các KCN để hoàn thành các yêu cầu, điều kiện của khu công nghiệp sinh thái theo quy định trong nước và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ hoàn thiện việc công nhận một số khu công nghiệp sinh thái. (3)  Tăng cường kết nối giữa khu vực công và khu vực tư nhân để huy động nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện KCNST… (4) Tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, phổ biến về khu công nghiệp sinh thái. (5) Tích cực phối hợp với các nhà tài trợ, cơ quan, tổ chức liên quan vận động tài trợ phát triển KCNST, gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn theo đúng định hướng của Chính phủ./.

                                                                                    Ths. Bùi Thanh Lâm

...