29/11/2024 lúc 12:31 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện các quy định phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước

Đẩy mạnh và hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền ở các bộ, ngành, địa phương là yêu cầu tất yếu nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để vấn đề mang tính khoa học cao và phát huy đầy đủ vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, các quy định về phân cấp phân quyền vẫn cần được hoàn thiện.

Trong khoa học quản lý, phân quyền theo cách hiểu chung nhất là chế độ quản lý hành chính “phân cho một tập thể hay một đơn vị hành chính – lãnh thổ tự quản lý, có tư cách pháp nhân, có những quyền hạn và những nguồn lực nhất định, dưới sự kiểm tra của Nhà nước. Còn phân cấp quản lý có nghĩa là giao bớt một phần quyền quản lý cho cấp dưới, trong hệ thống quản lý chung. Phân cấp quản lý nhà nước (còn gọi là phân cấp quản lý hành chính) là việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật…

Như vậy, phân quyền chính là sự phân chia quyền lực nhà nước cho các cơ quan, đơn vị hành chính để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Phân cấp quản lý là xác định lại sự phân chia thẩm quyền theo các cấp hành chính cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Chủ trương về thực hiện phân cấp phân quyền

Về phân cấp phân quyền (PCPQ), đã có nhiều Nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này, như:  Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước (QLNN) giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về Hội nghị lần thứ sáu (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp QLNN theo ngành, lĩnh vực; Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23/7/2021 của Quốc hội (khóa XV) về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội.

Đại hội XIII Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất; đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành”. Gần đây nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra mục tiêu tổng quát: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”…  Điều đó cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ đối với vấn đề phân cấp phân quyền.

Những kết quả đạt được

-Trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước và

thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủLuật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các quy định về PCPQ đã từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu của cải cách hành chính, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP. 

- Việc thực hiện PCPQ đã bước đầu gắn với đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm tính tập trung, thống nhất, giảm bớt sự chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự thay đổi rõ rệt trong phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, hướng tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

- Qua thực hiện PCPQ các bộ, ngành đã chủ động, tham mưu, trình Chính phủ ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật, nhằm thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, rút ngắn được thời gian, tạo sự chủ động trong công tác quản lý, điều hành…

- Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương và các quy định về PCPQ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương đã rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy QLNN các cấp, cắt giảm nhiều đơn vị, bộ phận theo hướng tinh gọn…; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiết kiệm chi tiêu công và thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bước đầu khắc phục các vấn đề giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện… 

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế rất cần được khắc phục. Cụ thể:

-Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách”8. Nghĩa là việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực như hiện nay, sẽ ảnh hưởng đến quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đồng thời, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.

- Thực hiện PCPQ chưa thực sự gắn với cải cách thủ tục hành chính; vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến… đối với các vấn đề đã phân cấp cho cấp dưới gây khó khăn cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, làm phát sinh sự giao thoa, chồng chéo trong phân công nhiệm vụ, chưa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ theo quy định, vừa thiếu nhất quán trong việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm.

- Công tác kiểm tra, giám sát quyền lực còn hạn chế, chưa có đủ chế tài đối với việc thực hiện không nghiêm các quy định; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế, hiện tượng lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn xảy ra.  

Cần hoàn thiện pháp luật về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; cụ thể:

- Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền. Trong đó có các quy định về xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành và giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

- Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền nhưng phải luôn giữ cho chính quyền Trung ương vững mạnh, đủ khả năng để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước; khắc phục tình trạng không hoặc khó kiểm soát được của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương.

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế – kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các quy định phải có ý kiến thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch. Theo đó, các bộ ngành có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền./.

CN Lê Đình Tiên

...