VNHNO - Tòa tiếp tục hoãn xét xử vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do không tìm thấy bị cáo ở nơi cư trú.
TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Hậu Giang. Tuy nhiên, phiên tòa lại tiếp tục hoãn vì bị cáo Lê Hữu Tâm (nguyên chủ tịch HĐQT của QTDND) đã "mất tích" một cách bí ẩn.
Bị cáo Lê Hữu Tâm trong một lần ra tòa, sau đó "mất tích" bí ẩn
Điều kỳ lạ là vào lần xét xử gần đây nhất vào ngày 21-8, bị cáo Tâm (cho tại ngoại) cũng không có mặt vì lý do đang nằm viện. Vì vậy, TAND tỉnh Hậu Giang quyết định hoãn xét xử lần 1 và áp dụng biện pháp áp giải đối với bị cáo Tâm. Thế nhưng, 3 ngày sau, khi lực lượng hỗ trợ tư pháp đến nơi cư trú của bị cáo Tâm (cả Cần Thơ và TP HCM) thì mới hay bị cáo đã không còn ở địa phương.
Vì lý do bị cáo Tâm "mất tích" bí ẩn không tham gia phiên tòa nên HĐXX đã quyết định tiếp tục hoãn phiên tòa. Đồng thời, tòa ra lệnh bắt tạm giam đối với bị cáo này. Khi nào bắt được thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử.
Theo cáo trạng, QTDND Hậu Giang bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2007, do Lê Hữu Tâm là chủ tịch HĐQT. Đến năm 2011, QTDND rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Nguyên nhân là do bị cáo Tâm đã nhờ 28 người thân và nhân viên đứng tên vay tiền. Tuy nhiên, khi đến hạn nhưng những người này không trả vốn và lãi mà lại tiếp tục làm hồ sơ đáo hạn, nâng mức tiền vay lên cao hơn. Mặc dù những người này không đủ điều kiện để vay nhưng bị cáo Tâm và Nguyễn Thiện Hồng (nguyên giám đốc QTDND) đã dùng thủ đoạn gian dối để hợp thức hóa hồ sơ.
Cụ thể, Hồng và phó giám đốc Trương Thị Thanh Loan đã ký giải ngân cho 28 hồ sơ với tổng số tiền hơn 54,5 tỉ đồng. Khi QTDND rơi vào tình trạng mất thanh khoản, Tâm chỉ đạo Bùi Chí Linh (nguyên phó giám đốc) huy động vốn trong dân với lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước và có thỏa thuận phần lãi chênh lệch để lấy tiền chi trả cho khách hàng. Từ đó, Linh đã để 7 sổ tiết kiệm ngoài sổ sách nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, Tâm đã chỉ đạo Hồng ký chứng nhận bảo lãnh thực hiện hợp đồng trị giá 20 tỉ đồng cho Công ty Tùng Bách (do Tâm làm chủ tịch HĐQT) mua thức ăn chăn nuôi của Công ty De Heus (Bình Dương) để có tiền cứu QTDND, dù biết rằng Công ty Tùng Bách không có năng lực tài chính. Tổng số tiền thực hiện hợp đồng với Công ty De Heus là hơn 23 tỉ đồng, bị cáo Tâm đã nhận thức ăn chăn nuôi của De Heus đem bán lấy tiền và dùng một phần trả nợ cho các hợp đồng đứng tên vay tiền giùm Tâm, phần còn lại dùng phục vụ kinh doanh và chi xài cá nhân.
Cùng thời điểm, dù biết rõ QTDND không có chức năng phát hành chứng thư bảo lãnh nhưng Tâm và Hồng cũng đã ký chứng thư bảo lãnh hợp đồng mua thức ăn của Công ty De Heus bảo lãnh thực hiện hợp đồng 5 tỉ đồng Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh (Kiên Giang) mua thức ăn trả chậm của Công ty De Heus. Qua đó Tập và Linh chiếm đoạt hơn 4,8 tỉ đồng.
Tổng cộng bị cáo Tâm và Hồng đã lừa đảo chiếm đoạt của QTDND Hậu Giang hơn 45 tỉ đồng và chiếm đoạt Công ty De Heus khoảng 18 tỉ đồng. Bị cáo Tâm và Linh cũng đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của khách hàng QTDND 2,1 tỉ, bị cáo Linh và Tập lừa đảo chiếm đoạt của De Heus hơn 4,8 tỉ đồng.