26/11/2024 lúc 05:31 (GMT+7)
Breaking News

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu giai đoạn 2016 - 2020: Thành tựu và những vấn đề đặt ra

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (bao gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia) sau 5 năm triển khai đã đem đến những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (bao gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia) sau 5 năm triển khai đã đem đến những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phải vượt qua nhiều khó khăn để phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong thời gian tới, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu cần tăng cường các giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, góp phần phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Từ đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu từ các nước EAEU vào Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ _ Ảnh: moit.gov.vn

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu: Năm năm nhìn lại

Những thành tựu:

Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN - EAEU) có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp EAEU có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai bên dành cho nhau. Chủ tịch Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu Tigran Sargsyan đã đánh giá: “Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên mà chúng tôi ký kết một thỏa thuận về khu vực thương mại tự do. Thỏa thuận đã chứng minh tính hiệu quả. Quan hệ thương mại và kinh tế giữa các quốc gia của hai bên đã bắt đầu phát triển nhanh hơn” (1).

Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.

Trong năm năm qua, việc giảm giá và thuế nhập khẩu theo Hiệp định đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng xuất khẩu các mặt hàng, như: xăng dầu, máy móc, hóa chất, sắt thép, hàng tiêu dùng, phân bón các loại… từ các nước EAEU sang Việt Nam. Đổi lại, thị trường EAEU đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, như: hàng may mặc, giày dép, nông sản, thủy sản, điện thoại và linh kiện.

Theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sang EAEU; trong đó, khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại... Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc “bắt tay” với EAEU mở ra cơ hội gia tăng giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam (2). Còn theo đánh giá của Giáo sư Boris Kheifes của Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, “một trong những lợi thế chính của FTA VN - EAEU là những hàng hóa xuất khẩu chính của EAEU và Việt Nam có tính bổ sung cho nhau, cạnh tranh gay gắt chỉ ở một số ngành nhất định”(3).

Theo đánh giá của các chuyên gia Việt Nam, nếu như giai đoạn 2011 - 2015 khi chưa có FTA VN - EAEU, tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình hằng năm giữa hai bên chỉ đạt khoảng 5% thì kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, con số này hiện đạt gần 30% (4). Theo Ủy ban Kinh tế Á - Âu, từ tháng 10-2016 đến tháng 6-2017, thương mại giữa các nước EAEU và Việt Nam tăng 11,8% so với cùng kỳ các năm 2015 - 2016, trong đó, kim ngạch thương mại của Belarus với Việt Nam tăng 23,3%, Nga tăng 5,5% (5). Năm 2017, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với năm 2016 (6).

Năm 2018, tăng trưởng thương mại tiếp tục ở mức cao, đạt 13% ngay cả khi có nhiều bất ổn trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu từ các nước EAEU vào Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ; ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước EAEU lại có dấu hiệu tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2020, trước diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch hai chiều trong 10 tháng năm 2020 đạt 10,34 tỷ USD, tăng 17,98%. Điều này cho thấy, thị trường khu vực EAEU vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đối với sự gia tăng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với từng nước thuộc EAEU trong thời gian qua cho thấy những mức độ khác nhau: Trong hợp tác thương mại với Nga: Tốc độ tăng trưởng thương mại tăng đáng kể, trung bình tăng 30%/năm. Nga chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 6,058 tỷ USD (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 1,68 tỷ USD (tăng 17,81%) và nhập khẩu là 1,43 tỷ USD (tăng 66,28%) (7).

Năm 2019, thương mại của Nga với Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, giảm 19,11% so với năm 2018. Nhập khẩu của Nga từ Việt Nam năm 2019 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 4,39% so với năm 2018. Tỷ trọng của Việt Nam trong ngoại thương của Nga năm 2019 là 0,74%, đứng vị trí thứ 28 trong số các đối tác thương mại của Nga (8). Năm 2020, theo số liệu của Hải quan Nga, thương mại hai chiều đạt 5,7 tỷ USD, cao hơn 15% so với năm 2019 và 50% so với năm 2016. Xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 43%; xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 4 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2019 (9).

Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Belarus giai đoạn 2016 - 2020 có những bước tiến nhất định. Trong năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt 121 triệu USD. Trong hai năm 2017, 2018 tiếp theo, trao đổi thương mại đạt lần lượt là 135,3 triệu USD và 115,3 triệu USD. Năm 2019, trao đổi thương mại song phương ở mức cao nhất, đạt 211,1 triệu USD, tăng 74,4% so với năm 2016. Năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước đạt 178,7 triệu USD (10).

Nhìn chung, các doanh nghiệp của hai nước tích cực sử dụng các cơ hội do Hiệp định mang lại. Belarus không chỉ quan tâm đến việc tăng khối lượng xuất khẩu hàng hóa truyền thống, mà còn sẵn sàng mở rộng phạm vi cung cấp các sản phẩm hàng hóa khác. Còn các doanh nghiệp Việt Nam tăng nguồn cung cả hàng hóa truyền thống và hàng hóa trước đây không xuất khẩu sang Belarus. Không chỉ có vậy, Việt Nam đang trở thành cầu nối giữa Belarus với các thị trường ở khu vực Đông Nam Á, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong hợp tác thương mại với Kazakhstan, năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt 467,2 triệu USD, bao gồm xuất khẩu là 179,04 triệu USD, nhập khẩu là 288,16 triệu USD. Kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam trong năm 2019 đạt khoảng 338 triệu USD (trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 77 triệu USD, nhập khẩu là 261 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam giảm 1,8%, nhập khẩu tăng 3,5% so với năm 2018 (11). Trong năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước giảm 6% do tác động của đại dịch COVID-19 (12). Tuy nhiên, nếu trong những năm 2000, xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam không vượt quá 10 triệu USD thì khi Hiệp định có hiệu lực, trao đổi thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Kazakhstan hiện nay xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam nguyên liệu thô, như chì và kẽm chưa qua chế biến, các sản phẩm cán phẳng từ sắt và thép không gỉ, các sản phẩm từ kim loại màu. Nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng điện thoại, thiết bị gia dụng và văn phòng, quần áo và giày dép, thực phẩm và hải sản. Có một thực tế là hiện nay vẫn có sự mất cân đối nhất định trong kim ngạch thương mại giữa hai nước, cả về khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu. Điều này cho thấy tiềm năng đáng kể để mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam. Theo Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov, Việt Nam với dân số hơn 98 triệu người, là một thị trường đầy hứa hẹn để quảng bá các sản phẩm mới của Kazakhstan.

Đối với Kyrgyzstan, Việt Nam không phải là đối tác xuất nhập khẩu lớn của nước này. Tuy nhiên, sau khi FTA VN - EAEU có hiệu lực, hàng hóa của Kyrgyzstan đã xuất hiện nhiều hơn ở thị trường Việt Nam, đồng thời cho phép Việt Nam thâm nhập ở thị trường nước này với các mặt hàng dệt may và hàng chế tạo. Trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Kyrgyzstan đạt 1,36 triệu USD, nhập khẩu đạt 467 nghìn USD (13). Theo ông Nurbek Maksutov - Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Kinh tế Kyrgyzstan về các vấn đề Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - thương mại giữa Kyrgyzstan và Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2018 đã có sự tăng trưởng hơn gấp đôi - từ 3,3 triệu USD lên 7,2 triệu USD (14). Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Kyrgyzstan các mặt hàng hạt tiêu, chè, hạt điều, máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện…; nhập khẩu từ Kyrgyzstan các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, các sản phẩm thuốc lá, tơ tằm, rượu vodka, sản phẩm cá, gia vị, rau đóng hộp, quần áo, giày dép, thuốc men, sản phẩm nhựa.

Do địa lý xa xôi, tiềm năng kinh tế không lớn nên quan hệ kinh tế - thương mại giữa Armenia và Việt Nam còn hạn chế. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Armenia năm 2015 đạt 6,1 triệu USD; năm 2016 đạt 2,4 triệu USD (giảm 62% so với năm 2015); năm 2018 đạt 3,6 triệu USD (15). Như vậy, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của mỗi nước.

Bên cạnh việc tạo đà cho tăng trưởng thương mại song phương, FTA VN - EAEU còn mang đến nhiều lợi ích khác, đó là loại bỏ các hàng rào phi thuế quan hiện có, thúc đẩy tăng cường phối hợp ở cấp chuyên gia, thiết lập trao đổi dữ liệu thống kê, phát triển hệ thống chứng nhận điện tử và xác minh nguồn gốc hàng hóa. Công việc này hiện đang được thực hiện chủ yếu thông qua Ủy ban hỗn hợp trong khuôn khổ FTA VN - EAEU.

Những hạn chế:

Dưới góc độ của các nước EAEU

Một là, ghi nhận sự tăng trưởng của thương mại song phương trong những năm qua, hai bên tích cực trao đổi các chuyến thăm ở cấp cao và cao nhất, tuy nhiên hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và đầu tư đang diễn ra vẫn chưa tương ứng với tiềm năng hiện có của các bên. Bên cạnh đó, tuy chứng kiến nhiều lợi ích dành cho cộng đồng doanh nghiệp EAEU tại thị trường Việt Nam, song mức độ nhận thức của các nhà xuất khẩu về các ưu đãi hiện có và cách tận dụng những ưu đãi này vẫn còn khá thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước.

Theo các chuyên gia EAEU, thị trường nông sản và thực phẩm Việt Nam hiện có mức độ bảo vệ khá cao. Khi FTA có hiệu lực, mức độ bảo vệ hải quan giảm đáng kể, nhưng các rào cản nội bộ vẫn còn khá phức tạp khiến các sản phẩm của EAEU khó tiếp cận thị trường Việt Nam.

Hai là, Việt Nam áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số nhóm sản phẩm rượu, thuốc lá, xe cơ giới - những mặt hàng được coi là thế mạnh của các nước EAEU.

Ba là, việc các doanh nghiệp hai nước thiếu thông tin về chính sách đầu tư, kinh doanh, thị trường, cũng như chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa được quan tâm đúng mức là những tồn tại từ lâu, ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác song phương.

Bốn là, do khoảng cách về địa lý, chưa thiết lập được các tuyến vận tải tối ưu, nên việc kinh doanh của các bên gặp phải những khó khăn đáng kể khiến chi phí tăng cao và chất lượng sản phẩm giảm sút.

Năm là, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các nước EAEU cũng có những ưu tiên hợp tác với các đối tác khác. Nếu như trước năm 2016, Việt Nam là đối tác duy nhất ở Đông Nam Á có FTA với EAEU thì hiện nay, EAEU đã ký kết FTA với Singapore, có thể sẽ ký kết với Israel, Ấn Độ và nhiều đối tác khác, quan hệ EAEU với Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các đối tác khác (16).

Sáu là, thủ tục thanh toán còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladimir Mazyrin nhận định, việc thanh toán bằng đồng USD gây khó khăn cho doanh nghiệp hai phía, nhất là trong bối cảnh Nga đang phải chịu áp lực trừng phạt cấm vận từ các nước phương Tây (17).

Dưới góc độ của Việt Nam

Thứ nhất, theo Hiệp định, Việt Nam mở cửa thị trường cho các nước EAEU. Theo đó, các sản phẩm thế mạnh của Liên minh như phụ tùng, thiết bị, máy móc, kim loại, phân bón, dầu thô, khí hóa lỏng… sẽ vào thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước.

Thứ hai, quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối các nước EAEU, gây nhiều trở ngại cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định tại Diễn đàn kinh tế phương Đông năm 2019 được tổ chức ở thành phố Vladivostock (Nga): “Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EAEU vẫn chưa được tận dụng do vẫn còn duy trì nhiều rào cản thuế quan” (18). Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng chưa vào cuộc một cách thực sự quyết liệt. Có nhiều nguyên nhân nhưng có thực tế là các doanh nghiệp thường quan tâm tới các thị trường dễ dàng, thuận lợi hơn và có những điều kiện ưu đãi hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. 

Thứ ba, Việt Nam còn vướng mắc với các nước EAEU ở một số vấn đề liên quan đến kiểm dịch về động vật, thực vật, việc công nhận lẫn nhau về chất lượng trong vệ sinh an toàn thực phẩm; thậm chí trong một số thủ tục gắn với việc mở cửa thị trường cho nông sản, thủy sản, rau quả, trái cây của Việt Nam. Thêm vào đó là vướng mắc liên quan đến phòng vệ ngưỡng của một số sản phẩm dệt may, may mặc, nhất là với thị trường Nga (19)

Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trước tiên là do khoảng cách địa lý giữa các nước thành viên khá xa nhau, một số quốc gia không có biên giới với biển, dẫn đến khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, tăng chi phí logistic. Hai là, hàng hóa của EAEU phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác tại Việt Nam, bởi Việt Nam là quốc gia có độ mở thị trường lớn, với 17 FTA, trong đó có 14 FTA đã có hiệu lực, nên hàng hóa các nước này được hưởng những ưu đãi nhất định. Ba là, người tiêu dùng cần có sự hiểu biết về thị trường, hàng hóa của nhau. Hiện người tiêu dùng Việt Nam chưa biết nhiều về hàng hóa của khối EAEU, trong khi hiểu biết nhiều hơn về thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán hai bên cũng chưa có nhiều thuận lợi (20).

Đề xuất một số giải pháp đối với Việt Nam

Về phía Chính phủ

1- Cần phối hợp hành động chặt chẽ với các nước EAEU để thực hiện các quy định của Hiệp định trong bối cảnh phải tuân thủ các điều ước thương mại quốc tế khác và giải quyết các vướng mắc do các điều kiện thị trường thế giới luôn thay đổi. Chỉ bằng nỗ lực chung mới có thể đạt được kết quả quan trọng, trong đó có hợp tác kinh tế.

2- Các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương cũng như các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tuyên truyền rộng rãi để các doanh nghiệp nắm rõ những nội dung của Hiệp định, đồng thời thấy rõ những lợi thế và khó khăn đối với doanh nghiệp và đối với từng ngành hàng. Cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến thông tin về thị trường, kết nối doanh nghiệp hai bên, tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời thông báo những biện pháp phòng vệ thương mại tới các doanh nghiệp.

3- Nhanh chóng đề xuất và xây dựng các cơ chế để khai thông hiệu quả các tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai bên, trong đó cần lựa chọn tuyến vận tải hiệu quả nhất, như Kazakhstan đã đẩy mạnh công việc này thời gian qua... Cụ thể, Công ty cổ phần Kazakhstan Temir Zholy và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã nỗ lực kết nối giao thông và hậu cần đường sắt giữa hai nước qua Trung Quốc. Sự phát triển của hành lang đường sắt Kazakhstan - Trung Quốc - Việt Nam thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và kinh tế giữa Kazakhstan và Việt Nam. Điều này cho phép Kazakhstan cũng như các nước EAEU khác cung cấp nông sản cho thị trường Việt Nam và các loại hàng hóa khác cần vận chuyển nhanh chóng. Đổi lại, Việt Nam có thể vận chuyển hàng hóa qua hành lang này tới Kazakhstan và các nước EAEU. Ngoài ra, tháng 6-2019, Việt Nam đã tham gia FTA với Liên minh châu Âu. Trong trường hợp này, hành lang vận tải Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan - Nga - Belarus - châu Âu sẽ là sự thay thế tốt cho vận tải hàng hải, cho phép vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam và các nước ASEAN đến châu Âu trong một thời gian tương đối ngắn (21).

4- Có chính sách để giảm tối đa thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, trước mắt là thủ tục kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Cần tháo gỡ những rào cản phi thuế quan hiện hành, điện tử hóa các thủ tục hành chính, chứng nhận xuất xứ công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng chế độ kiểm định thực phẩm, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm của EAEU vào Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp

Cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những quy định của Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế quan, quy định về nguồn gốc xuất xứ và luật lệ của các nước để có chiến lược thâm nhập thị trường tốt nhất.

Để tận dụng tối đa khả năng của FTA, cần thiết lập sự tương tác tích cực hơn giữa các doanh nghiệp hai bên, bao gồm việc tổ chức trao đổi thường xuyên các diễn đàn doanh nghiệp, tham gia các hội chợ, triển lãm.

Tổ chức thường xuyên các diễn đàn kinh doanh chuyên ngành bởi hiệu quả kinh tế đạt được thông qua các diễn đàn này là rất lớn. Chẳng hạn, Triển lãm công nghiệp quốc tế lần thứ ba Expo - Russia Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11-2019, trong đó đại diện chính quyền và giới kinh doanh từ 19 đơn vị của Nga và 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tham gia. Kết quả đạt được là khoảng 50 hợp đồng đã được ký kết với giá trị hơn 100 triệu USD về nhập khẩu các thiết bị y tế, mỹ phẩm và thực phẩm, trang sức... của các doanh nghiệp Việt Nam (22).

Cần xây dựng chiến lược nguồn hàng chủ lực đối với khu vực thị trường EAEU và có chính sách thu hút đầu tư để phát triển nguồn hàng một cách dài hạn và có chất lượng cao để xuất, nhập khẩu trong thời gian tới./.

TS Vũ Thụy Trang 

Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam

-----------------------

(1) Евразийская Экономическая Комиссия: “ЕАЭС и Вьетнам обсудили возможность расширения торгово-экономического сотрудничества”, http://www.eurasiancommission.org/ru/nae/news/Pages/13-06-2019-4.aspx
(2) Bộ Công thương: Hội thảo “Giới thiệu về thị trường các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thông qua Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA”, http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hoi-thao-gioi-thieu-ve-thi-truong-cac-nuoc-lien-minh-kinh-te-a-au-eaeu-va-co-hoi-thuc-đay-xuat-khau-thong-qua-hiep-đinh-vn-eaeu-fta--6130-16.html
(3) Борис Хейфец: “Политика  “Открытых дверей” и экономической интеграции - ответ Вьетнама на вызовы глобальной экономики XXI века”, Общество и экономика, No 12, 2017. C. 103
(4) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Tìm biện pháp thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do EAEU - Việt Nam”, https://trungtamwto.vn/ chuyen-de/14581-tim-bien-phap-thuc-thi-hieu-qua-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-eaeu-viet-nam
(5) Федоров Н.В.: “Зона свбодной торговли ЕАЭС - Вьетнам: итоги первого года работы”, Вестник ММА. Стр. 73
(6) Мазырин В. М.: “Новый формат торговли между Вьетнамом и ЕАЭС в действии”, Международная экономика, Стр 54 - 68
(7) Sputniknews: “Nhìn lại hai năm thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu”, https://vn.sputniknews.com/vietnam_ russia/ 201810096350254-viet-nam-thuong-mai-tu-do-lien-minh-kinh-te-a-au/
(8) Вьетсовпетро: “Торговля между Россией и Вьетнамом в 2019 г.”, https://russian-trade.com/reports-and-reviews/2020-02/torgovlya-mezhdu-rossiey-i-vetnamom-v-2019-g/
(9) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-quan-he-kinh-te-thuong-mai-dau-tu-giua-viet-nam-va-lien-bang-nga-579139.html
(10) Đại sứ quán Belarus tại Việt Nam: “Số liệu thống kê của Đại sứ quán Belarus tại Việt Nam”, https://vietnam.mfa.gov.by/vi/bilateral_relations/ vntrade/
(11) Вьетсовпетро: “подведены первые итоги реализации соглашения о свободной торговли между Вьетнамом и странами ЕАЭС”, http://www.vietsov.com.vn/Rus/Pages/Details.aspx?itemid=136&c=2
(12) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Kazakhstan”, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/thuc-day-quan-he-hop-tac-viet-nam-kazakhstan-570126.html
(13) Bộ Ngoại giao: “Quan hệ Việt Nam - Kyrgyzstan”, http://www.mofahcm. gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/euro/nr040825110134/ns161230150045
(14) Спутник Кыргыстан: “Кыргызстан на площадке ВТО рассказал о плюсах торговли ЕАЭС с Вьетнамом”, https://ru.sputnik.kg/economy/ 20190919/1045743032/kyrgyzstan-eaehs-vetnam-ehkonomika.html
(15) Thời báo Ngân hàng: “Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Armenia”, https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-hop-tac-kinh-te-viet-nam-armenia-89687.html
(16) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Bộ Công Thương sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển thị trường EAEU một cách bền vững”, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/14540-bo-cong-thuong-se-giup-cac-dn-phat-trien-thi-truong-eaeu-mot-cach-ben-vung
(17) Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga: “FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) tạo động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương”, https://vnembassy-moscow.mofa.gov.vn/vi-vn/News/Embassy News/Trang/FTA-giữa-Việt-Nam-và-Liên-minh-Kinh-tế-Á-Âu-(EAEU)-tạo-động-lực-thúc-đẩy-hợp-tác-kinh-tế-thương-mại-song-phương.aspx
(18) ТАСС: “Вьетнам предлагает новое снижение таможенных барьеров с ЕАЭС”, https://tass.ru/ekonomika/6840835
(19) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Bộ Công Thương sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển thị trường EAEU một cách bền vững”, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/14540-bo-cong-thuong-se-giup-cac-dn-phat-trien-thi-truong-eaeu-mot-cach-ben-vung
(20) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Tìm biện pháp thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do EAEU - Việt Nam”, https://trungtamwto. vn/chuyen-de/14581-tim-bien-phap-thuc-thi-hieu-qua-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-eaeu-viet-nam
(21) Bài phát biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Kazakhstan, ngài Yerlan Baizhanov trong Tọa đàm bàn tròn: “Những kết quả bước đầu thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu” tổ chức ở Đại sứ quán Kazakhstan tại Hà Nội, tháng 12-2019
(22) Bài phát biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga, ngài Konstantin Vasilievich Vnukov, trong Tọa đàm bàn tròn: “Những kết quả bước đầu thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu” tổ chức ở Đại sứ quán Kazakhstan tại Hà Nội, tháng 12-2019