08/11/2024 lúc 03:38 (GMT+7)
Breaking News

Hiệp định CPTPP: Không hiểu sâu, khó đứng vững

VNHN-Tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử để mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

VNHN-Tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử để mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, CPTTP không phải chỉ toàn “màu hồng”. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu không hiểu sâu và có biện pháp ứng phó, phòng vệ phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đứng vững trong cuộc cạnh tranh.

Ảnh: Internet

Đi sâu cải cách thể chế

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chúng ta đã mong chờ CPTPP từ lâu. Đầu năm nay, Hiệp định này bắt đầu hiệu lực, mang lại cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh đối với các quốc gia thành viên khác và toàn thế giới…

Với tổng dân số 500 triệu người, CPTPP tạo ra một khối tự do thương mại khổng lồ, trải dài cả ba châu lục Á, Mỹ và châu Đại Dương. Trong đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới.

Cơ hội lớn của Việt Nam khi tham gia CPTPP là tiếp cận sâu hơn các thị trường xuất khẩu mới ở khu vực châu Á, châu Đại Dương, đặc biệt là thị trường châu Mỹ. Tham gia CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực thỏa thuận, năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại (chủ yếu xuất khẩu) vào một số đối tác truyền thống như Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản.

Mặc dù vậy, thời gian tới cải cách thể chế để hội nhập quốc tế một cách sâu rộng vẫn là “ưu tiên số một”. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính. Tuy nhiên, vẫn cần đi sâu vào cải cách thể chế để thực sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao. Mặt khác, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phải được hoàn thiện và hiện đại để hội nhập tốt hơn trong CPTPP.

Thấu hiểu CPTPP

Cơ hội và tiềm năng để phát triển kinh tế của CPTPP đối với Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, “biển lớn thì sóng to”. Đi đôi với cơ hội lớn luôn là những thách thức mới hơn, lớn hơn. “Việt Nam tận dụng được cơ hội đó để phát triển được bao nhiêu không những phụ thuộc vào Chính phủ mà còn phụ thuộc vào tất cả các thành phần kinh tế. Trong đó vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Có nhiều doanh nghiệp Việt biết, nhưng vẫn chưa hiểu rõ về CPTTP.

Hiện có không ít doanh nghiệp vẫn lúng túng khi phải thay đổi để ứng phó với các quy định của Hiệp định thương mại này. Nếu các doanh nghiệp Việt không chủ động cải tổ để thích ứng với CPTTP thì họ sẽ rất khó đứng vững trong thời gian tới. Do đó, vấn đề doanh nghiệp thấu hiểu CPTTP và những quy định của CPTTP để có những chuẩn bị, ứng phó phù hợp là yếu tố quyết định”, - TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Phân tích thêm về những khó khăn khi tham gia CPTPP, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Một trong những điều bất lợi với Việt Nam là hàng hóa của các nước trong khối CPTTP sẽ tràn vào Việt Nam. Với ưu đãi thuế, trong đó nhiều mặt hàng không bị áp thuế nhập khẩu có thể đẩy lùi một số mặt hàng sản xuất nội địa ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Kéo theo đó, có thể một số doanh nghiệp sẽ bị khó khăn, khủng hoảng. Vì vậy các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ, hiểu sâu các quy định CPTTP liên quan đến ngành sản xuất của mình. Các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ như sao chép những sản phẩm một cách gian lận…

Thời gian qua Việt Nam đã thực hiện tốt việc cải cách thể chế. Một cơ hội lớn khác đối với Việt Nam chính là cải cách thể chế. Theo đó, Việt Nam sẽ phải sửa hàng loạt luật, nghị định để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư. 

PGS,. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành hữu quan cần có các chương trình hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp ở từng ngành nghề nắm bắt được các quy định của CPTTP, những lợi thế và nguy cơ có thể xảy ra khi tham gia CPTPP. Từ đó có chính sách, giải pháp ứng phó phù hợp nhằm tạo ra tuyến phòng vệ tốt khi tham gia hội nhập.

Tránh những kiện tụng có thể xảy ra đối với thị trường nước ngoài. Mặt khác, tạo sự phòng vệ với thị trường trong nước, tránh sự lấn át quá đáng của hàng hóa nhập khẩu và bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Một yếu tố có tác động trực tiếp nữa, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản lý, năng lực pháp lý và khả năng cạnh tranh… Từ đó, có thể tận dụng tiềm năng vô hạn của các hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP.

Đức Hiệp-ĐBND