VNHN-Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đạt 2 con số.
Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Nguồn: internet
Đó là thông tin được đưa ra tại Toạ đàm trực tuyến "Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững", diễn ra mới đây tại Quy Nhơn (Bình Định), do báo Giao thông tổ chức.
Tăng trưởng đạt 2 con số
Tại tọa đàm, các khách mời thảo luận về những cơ hội và thách thức hiện nay của hàng không Việt Nam. Những vấn đề liên quan đến giải pháp thúc đẩy thị trường hàng không, từ việc gỡ điểm nghẽn hạ tầng, vai trò của đầu tư tư nhân trong hàng không, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, vấn đề kích cầu, mở rộng thị trường; Mối quan hệ giữa hàng không và du lịch… cũng sẽ được đề xuất, phân tích với những góc nhìn đa chiều.
Khách mời tại buổi tọa đàm là các đại diện đến từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Quảng Ninh, Cục Hàng không VN, Tổng cục Du lịch VN, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hãng hàng không, nhà khai thác cảng hàng không, các hãng lữ hành…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập báo Giao thông cho biết, hàng không là phương thức vận tải ưu việt nhất để kết nối mạng lưới giao thông trên toàn thế giới; là động lực thúc đẩy kinh doanh toàn cầu và du lịch. Cùng đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hàng không trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đạt 2 con số.
Năm 2012, sản lượng khách thông qua các cảng chỉ đạt hơn 37 triệu. Đến năm 2019, dự báo riêng sản lượng hành khách qua 21 cảng do TCT Cảng hàng không VN đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu khách.
Mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giới phân tích cho rằng, thời gian tới, hàng không sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa với những chính sách thúc đẩy phát triển hàng không và du lịch của Chính phủ. Đặc biệt là Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2019. Đây được kỳ vọng là đường băng mới cho hàng không cất cánh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Việt Nam, sự tăng trưởng hàng không đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, là yếu tố quan trọng khiến các chỉ số về du lịch tăng trưởng ấn tượng trong vài năm qua. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình Asean là 6,1%. Dự đoán của tổ chức này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%.
Cùng nhận định tích cực về xu hướng này, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không trong 5 năm qua thể hiện qua việc hàng loạt các cảng hàng không, sân bay được nâng cấp, xây mới, trong đó có cả những sân bay, nhà ga lần đầu được xây mới bằng nguồn vốn tư nhân thông qua phương thức đầu tư BOT. Nhiều cảng hàng không trong hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn quốc đã có một diện mạo mới, thậm chí có nhiều đơn vị lọt vào tốp các nha ga, cảng hàng không được đánh giá tốt trên thế giới.
“Chúng ta cũng đã chứng kiến những hãng hàng không mới xuất hiện đã nhanh chóng mở rộng mạng đường bay, cùng với những hãng hàng không đã có bề dày hoạt động nhiều năm tạo nên một sự cạnh tranh chưa từng có, mang lại thêm nhiều cơ hội trải nghiệm cho khách hàng”, ông Nguyễn Bá Kiên nói.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dù hàng không tăng trưởng mạnh mẽ đến đâu cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam và quốc tế. "Lịch sử phát triển hàng không Việt Nam còn khá non trẻ so với nhiều nước trên thế giới", ông Hảo nói.
Theo ông Hảo, hiện, dư địa tăng trưởng hàng không rất lớn. Việt Nam có dân số 90 triệu người thì theo đà tăng trưởng, hàng không phải đáp ứng hơn 100 triệu lượt hành khách, tuy nhiên hiện mới chỉ đáp ứng 50 triệu lượt.
Về lý do hàng không tăng trưởng, TS. Võ Trí Thành cho biết, có hai câu chuyện, đó là vì kinh tế phát triển nên đời sống người dân tăng lên. Cùng đó, Việt Nam đang kết nối rất sâu với thế giới. "Chính hội nhập chính là lực kéo cho hàng không Việt Nam và tạo ra sức ép cho ngành hàng không Việt Nam phát triển", TS. Thành nói.
TS. Võ Trí Thành cho biết thêm, cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua chính là sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không. Cạnh tranh hàng không Việt Nam mang đặc thù của thị trường. Rõ ràng thời gian qua “có ông vào ông ra”. Theo ông Thành, việc quản lý hàng không phải tạo được áp lực đó. Đó là xu hướng tích cực, thể hiện vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Từ đó, có sự hợp tác giữa các hãng hàng không với Nhà nước để mở cửa bầu trời.
Cạnh tranh để phát triển
Về đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hàng không, ông Trần Minh Phương - Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho biết, kết cấu hạ tầng hàng không chủ yếu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Vừa qua, có tư nhân tham gia và hiện có 1 ga hàng không tư nhân. "Hiện, cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác thì có 21 cảng có nguồn gốc từ nhà nước", ông Phương nói.
Về vấn đề này, Phạm Văn Hảo cho biết thêm, có cạnh tranh thì mới "có vào có ra" như TS. Võ Trí Thành nói. Có hãng phát triển, có hãng phải rút giấy phép. "Mục tiêu hàng không là phải tuyệt đối an toàn, để duy trì cả hệ thống an toàn. Nhà nước đứng ra kiểm soát toàn bộ hệ thống này. Điều thú vị là từ khi có tư nhân tham gia đã tạo ra bức tranh hàng không rất hay, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Rõ ràng, cạnh tranh lành mạnh đã tạo ra lợi ích cho cộng đồng, uy tín của đất nước", ông Hảo nói.
Về cơ hội và cạnh tranh, ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng hành không Quốc tế Vân Đồn cho biết, đối với sân bay tư nhân ở nước ngoài đã có từ lâu. Ở Mỹ có 1.040 sân bay tư nhân. Ở Việt Nam, lần đầu tiên có sân bay tư nhân. Riêng ngành hàng có không cạnh tranh là rất cần thiết. “Việc phát triển một sân bay mới không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì sứ mệnh phát triển một vùng đất mới. Vì thế, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Sân bay nhỏ thường không có lãi, nên chúng tôi hiện đang hướng về dịch vụ phi hàng không để tạo ra tăng trưởng”, ông Sáu nói.
Đại diện Vietjet Air, Giám đốc dự án - ông Vũ Phạm Nguyên Tùng cho biết, rõ ràng cạnh tranh trong hàng không đang rất tốt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ nghĩ cạnh tranh là không tốt. Tăng trưởng 2 con số là rất lớn. Ở Việt Nam, hàng không tăng trưởng 2 con số (đạt gần 29%) là con số cực cao vì như Trung Quốc hiện cũng chỉ tăng trưởng 11,5%, Thái Lan hay Hàn Quốc còn thấp hơn. "Việt Nam hiện mới chỉ có 1,8-1,9 máy bay/1 triệu dân. Do đó, cơ hội phát triển rất lớn. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ là đi cạnh tranh với các hãng khác mà luôn làm tốt việc của hãng mình. Các hãng hàng không trong nước nên nghĩ tới việc cạnh tranh với các hãng nước ngoài để mở rộng bầu trời”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways thì cho rằng, cạnh tranh hàng không nên nghĩ rộng hơn, chứ không nên nghĩ là chỉ cạnh tranh giữa các hãng với nhau. Cạnh tranh ở đây phải hiểu là giữa khu vực nhà nước với tư nhân. Cái gì nhà nước làm được thì để nhà nước làm; còn cái gì tư nhân có thể làm được thì để tư nhân tham gia làm.
Ông Thắng khẳng định, giữa các hãng với nhau, cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho người dùng. "Cạnh tranh ở đây là để cùng phát triển chứ không phải để ảnh hưởng tới nhau. Với sự ra đời của VietJet và Bamboo Airways đã tạo ra cơ hội bay nhiều hơn cho người dân Việt Nam", ông Thắng nói.