17/01/2025 lúc 14:27 (GMT+7)
Breaking News

Hai cơ hội "vàng" để tăng trưởng kinh tế

VNHN-Hai cơ hội "vàng" mà Việt Nam không thể bỏ lỡ để tăng trưởng kinh tế giai đoạn 15 năm tới gồm Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ cấu dân số vàng. Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo về mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2035 và tầm nhìn đến 2045, tổ chức tại Hà Nội ngày 20/3 vừa qua.

VNHN-Hai cơ hội "vàng" mà Việt Nam không thể bỏ lỡ để tăng trưởng kinh tế giai đoạn 15 năm tới gồm Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ cấu dân số vàng. Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo về mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2035 và tầm nhìn đến 2045, tổ chức tại Hà Nội ngày 20/3 vừa qua.

Liên quan đến các định hướng cho tăng trưởng giai đoạn trên, các chuyên gia khuyến nghị cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, tiến tới chấm dứt việc theo đuổi mô hình theo chiều rộng bởi dư địa còn rất ít. Bên cạnh đó, thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng theo hướng ưu tiên cho động lực của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững; có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Theo GS., TS. Nguyễn Quang Thuấn - Trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - nước ta có thể đột phá và tạo bước nhảy vọt ở một số lĩnh vực chứ không cần tuần tự nhờ Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, nên coi ưu tiên cho kinh tế tư nhân là một trong các động lực quan trọng nhất.

Phân tích các bài học tăng trưởng giai đoạn 2011-2020, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào đổi mới sáng tạo, công nghệ, kỹ năng và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 đến từ 3 yếu tố gồm lao động, vốn và năng suất tổng hợp (TFP). Theo đó, tỷ lệ đóng góp của yếu tố lao động giảm mạnh từ 23,4% năm 2011 xuống còn 8,4% năm 2018; tỷ lệ của yếu tố vốn ổn định quanh 55-60% trong khi tỷ lệ của yếu tố TFP giảm từ 47,7% xuống còn 38,3% năm 2018; tỷ lệ đầu tư cho khoa học - công nghệ mặc dù có tăng về con số tuyệt đối song lại giảm dần trong GDP (từ 0,51% năm 2006 xuống 0,41% năm 2011 và 0,39% năm 2016).

Những yếu tố trên đã lý giải cho việc mặc dù giai đoạn 2011-2018 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao nhưng chưa đạt mục tiêu của chiến lược 2011-2020. Trong khi đó, khoa học - công nghệ và TFP lại được coi là nền tảng cho chất lượng cho tăng trưởng dài hạn.

Các chuyên gia cũng lưu ý, dù tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt mức khá cao trong giai đoạn 2011-2018 nhưng nếu tách riêng mặt hàng điện tử thì thực tế sẽ lại là nhập siêu. Tăng trưởng xanh chưa thực hiện được nhiều, trên thực tế mới chỉ dừng ở mức ban hành các văn bản và lồng ghép vào các bản chiến lược quy hoạch. Trong khi đó, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết, có bằng chứng toàn cầu cho thấy các nước thu nhập trung bình (trong đó có Việt Nam) đang giảm tốc độ tăng trưởng, đặc biệt không thoát ra khỏi "bẫy thu nhập trung bình". Tuy nhiên, ông Sebastian Eckardt cũng cho rằng, "bẫy thu nhập trung bình" không phải là "định mệnh" nếu có được các điều chỉnh chiến lược và thể chế phù hợp với nhu cầu của các nền kinh tế thu nhập trung bình.

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nếu thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, GDP năm 2030 của Việt Nam có thể tăng thêm 60,6 tỷ USD; tăng thêm 168,6 tỷ USD vào năm 2045.