VNHNO-Ngay từ năm 2011 khi thực hiện Cương lĩnh của Đảng về xây dựng nước Việt Nam công nghiệp hoá hiện đại hoá, các cơ quan nhà nước đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực của kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng đất nước.
Ảnh minh họa
Để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, tại Hội nghị TW5, Ban chấp hành trung ương đã ban hành đồng bộ 3 Nghị quyết chuyên đề số 11, 12, 13 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển kinh tế tư nhân; và về tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Trên cơ sở Cương lĩnh 2011 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam đã lần lượt có các bước đi pháp điển hoá các văn bản nghị quyết này nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, củng cố địa vị pháp lý của DN tư nhân, tạo sự bình đẳng giữa DN tư nhân với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DNNN. Chỉ trong vòng 4 năm từ 2013 – 2017, trên cơ sở Hiến pháp 2013, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành tương đối đồng bộ hệ thống các văn bản pháp luật tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng của các DN thuộc mọi thành phần kinh tế như Luật DN và Luật Đầu tư 2014, Luật Đấu thầu, Luật xây dựng (sửa đổi).
Và đặc biệt ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành nhằm tạo nền tảng cho việc hình thành khuôn khổ pháp lý để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho DNNVV của Việt Nam. Việc ban hành luật là cơ sở để Chính phủ và các bộ ngành, địa phương thống nhất xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp đối với gần 97% số lượng DN Việt Nam đang hoạt động, phù hợp với các cam kết mà Chính phủ đã ký kết theo các hiệp định và hiệp ước song phương, đa phương. Để thực hiện luật, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định: Nghị định 34/2018 về hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định 38/2018 về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của DNNVV; và Nghị định 39/2018 quy định một số điều chi tiết của Luật Hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rà soát và ban hành, sửa đổi một số nghị định liên quan tới hỗ trợ DNNVV như Nghị định 57/2018 về khuyến khích DNNVV đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; Nghị định 108 sửa đổi Nghị định 78 về đăng ký DN; Nghị định 121 về sửa đổi một số điều về quy định tiền lương trong Luật Lao động…
Tính đến hết ngày 31/8/2018, cả nước có khoảng 600.000 DNNVV đang hoạt động, chiếm khoảng 97,5% số DN đăng ký. Với tổng số vốn đăng ký chiếm 30% trong tổng số vốn của DN, chỉ riêng trong năm 2018 cả nước đã có 87.450 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng (tăng 2,4% về số lượng và tăng 6,9% về số vốn đăgn ký so với cùng kỳ 2017). Vốn đăng ký bình quân đạt khoảng 10 tỷ đồng/DN.
Đặc biệt để đẩy mạnh quá trình minh bạch hoá sản xuất kinh doanh của các DN, hạn chế sự can thiệp không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước đối với các DN siêu nhỏ, các bộ ngành và địa phương trên cả nước đã tập trung vào 6 nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho DN khởi nghiệp tham gia chuỗi giá trị:
- Đối với DN thành lập mới được miễn thuế môn bài, đăng ký thành lập DN qua mạng điện tử; miễn phí, lệ phí thành lập DN, phí công bố đăng ký kinh doanh…
- Nhóm chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN như đối với DN thành lập mới, đồng thời còn miễn phí thẩm định; phí, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; miễn phí môn bài trong thời hạn 3 năm, tư vấn các thủ tục về thuế, bảo hiểm, kế toán trong thời hạn 3 năm…
- Nhóm hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo: hỗ trợ 50% kinh phí thuê văn phòng trong năm đầu tiên; hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng, cải tạo trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp…
- Nhóm hỗ trợ tăng giá trị gia tăng và chuỗi liên kết: hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ khoa học công nghệ sản xuất tại hiện trường; hỗ trợ tới 80% chi phí gian hàng tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ASEAN.
- Đối với sở hữu trí tuệ: hỗ trợ 100% chi phí bảo hộ thương hiệu; 50% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký địa chỉ.
- Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hoá của DN.
Mục tiêu của chúng ta từ nay đến năm 2030 là xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, tức là sẽ phải xoá dần ranh giới ngay từ khâu truyền thông về DN tư nhân và DNNN, chỉ còn là DN Việt Nam và DN nước ngoài. Lúc này Nhà nước trở thành Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, Nhà nước không quản lý trực tiếp DN. Mô hình Nhà nước của chúng ta sẽ linh hoạt hơn, nhường quyền quyết định về kinh tế vi mô cho DN để có những phản ứng kịp thời, hợp lý hơn với những diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không phải bằng các quyết định hành chính.
Cùng với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển DNNN, các đạo luật đề ra những giải pháp khuyến khích kinh tế tư nhân mua cổ phần, góp vốn vào DNNN để dần thay thế DNNN, thay thế phần vốn Nhà nước trong DN hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được. Mục tiêu là phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực này, đồng thời gắn với nâng cao năng suất lao động và ứng dựng khoa học công nghệ.
Ngay từ giữa năm 2016 các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động xây dựng các kế hoạch hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển. Để giúp các DN tư nhân hệ thống hoá được các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong quá trình áp dụng khoa học công nghệ và tiếp nhận thành tựu mới ứng dựng vào sản xuất ở Việt Nam, chúng ta đã tiến hành nghiên cứu sửa để hoàn chỉnh, thông qua Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV tháng 6/2017). Luật đã mở ra những hướng ưu đãi cho các DN không kể thành phần kinh tế khi tiếp nhận các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới áp dụng vào Việt Nam. Đặc biệt Luật có những điều khoản nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các DN nhỏ và vừa khi tham gia tìm hiểu thị trường giấy phép công nghệ thế giới để có thể mua được những công nghệ phù hợp với năng lực, trình độ quản lý và sử dụng, nhưng đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường làm việc và môi trường sống.
Để tạo lập và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp toàn thể các DN Việt Nam và ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Bằng cả các biện pháp hành chính và biện pháp xây dựng thể chế, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động vào cuộc. Điều đó chứng tỏ sự chuẩn bị và phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan tổ chức thực hiện, trên cơ sở thống nhất về hiện trạng để cùng nhau đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Để có các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam, Quốc hội đã tiến hành giám sát việt thực hiện hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, mà đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong tháng 8/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao”, trong đó chỉ ra 13 tồn tại, bất cập trong việc thực hiện hình thức đầu tư đối tác công tư và đưa ra 6 nhóm giải pháp để khắc phục. Các giải pháp tập trung vào hoàn thiện các chính sách, hệ thống pháp luật về cơ chế hợp tác công tư, đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân, của DN và Nhà nước.
Sau hơn 3 thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá. Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của DN, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực.
Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn.
Một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân. Tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa “tại liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DNNN”, mà chưa đổi thành “phim của DN Việt Nam” và “phim của DN có vốn đầu tư nước ngoài”. Có nghĩa là từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt DN dựa trên hình thức sở hữu.
Phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh ưu thế là giải quyết việc làm so với DNNN và DN FDI thì đóng góp của khối DN tư nhân trong nguồn thu ngân sách vẫn còn hạn chế. Rất ít các DN thuộc loại tỷ đô của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản. Vấn đề xử lý mối quan hệ giữa DN và các vấn đề xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, mà chỉ coi đó là các tình huống xử lý điểm nóng, sự vụ. Nhiều DN chưa đặt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp cho DN phát triển bền vững. Tỷ lệ các DN tư nhân chưa thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa chăm lo tốt cho người lao động thông qua việc mua bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình DN khác.
Để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường, đòi hỏi cả từ 2 phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nhân tư nhân phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững. Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra cho khu vực DN tư nhân, bao gồm cả tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài hoạt động trên đất nước Việt Nam. Điều này đòi hỏi xây dựng một đội ngũ doanh nhân vừa có năng lực quản trị tiên tiến, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới, nhưng đồng thời phải hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân.
Thời gian ban hành Nghị quyết đến nay chưa dài, mới được gần 2 năm, nhưng kết quả đạt được là đáng trân trọng. Hệ thống thể chế và điều kiện môi trường kinh doanh của kinh tế tư nhân đã bước đầu được cải thiện và được các DN đón nhận, thể hiện trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời cũng yêu cầu khối kinh tế tư nhân tự nâng cao năng lực quản trị DN, và trách nhiệm đối với xã hội và người lao động để trong vòng 15-20 năm nữa chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức thu nhập trung bình cao.
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN
PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ QUỐC HỘI