07/12/2024 lúc 20:42 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh: 3 năm nhìn lại chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp

Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh là đơn vị thực hiện chuyển đổi số sớm nhất so với các tỉnh trong khu vực. Sau gần 3 năm thực hiện trên 12 sản phẩm chủ lực, trong đó chú trọng là cây bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh được triển khai thực hiện chuyển đổi số thành công nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng giá trị của các loại trái cây đặc sản này.

Vạn sự khởi đầu chuyển đổi số vào nông nghiệp

Năm 2021, mùa thu hoạch bưởi Phúc Trạch trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp, thực hiện giản cách xã hội nên việc phân phối, vận chuyển bưởi ra, vào các địa bàn SX gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ, đồng hành cùng người dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ bưởi Phúc Trạch như, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số như Công ty cổ phần đầu tư Digital KingDom (DGK), HTX Nông nghiệp số, Công ty cổ phần Icheck để nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh nhất là sản phẩm cam, bưởi.  Đặc biệt, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công  Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bưởi Phúc Trạch và công bố Cổng thông tin điện tử  https://buoiphuctrach.gov.vn, gắn hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu UBND huyện Hương Khê, kết nối trực tuyến với hơn 300 điểm cầu thông qua phần mềm Zoom đến các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, kể cả một số địa chỉ ngoài nước.

Bưởi Phúc Trạch được trưng bày tại Hội chợ thương mại quốc tế tại Hà Nội

  Ông Nguyễn Văn Trí – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngay sau hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ bưởi, đã có hơn 150 tấn bưởi Phúc Trạch được các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn, Shopee.vn, Lazada.vn, Sendo.vn, Hatplaza.vn kết nối tiêu thụ. Đây là giải pháp hữu hiệu và có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 người dân và các tổ hợp tiêu thụ đang trong thời kỳ cách ly.

Tiếp nối kết quả đạt được trên cây bưởi Phúc Trạch, Trung tâm Khuyến nông và Công ty Cổ phần iCheck đã triển khai khảo sát, thu thập thông tin, xử lý số liệu, số hóa được 1.873 ha của 1.611 hộ dân thuộc 14 HTX, 264 THT và 10 hộ cá thể sản xuất cam chanh, cam bù theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hoàn thành xây dựng Cổng thông tin Camhatinh.gov.vn gắn với truy xuất nguồn gốc và App Cam Hà Tĩnh; xây dựng phóng sự giới thiệu, quảng bá chất lượng cam Hà Tĩnh.

Đến sự kết nối nhuần nhuyển trên mọi hệ thống

Khi bước vào thực, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần iCheck xây dựng thành công phần mềm chuyển đổi số trong sản xuất cây bưởi phúc Trạch, cam chanh cam bù. Bước đầu ứng dụng phần mềm cho thấy có tính khả thi cao, tác động đến quản lý nhà nước, quản lý sản xuất, là giải pháp đột phá trong tiêu thụ sản phẩm, dễ áp dụng trong thực tế sản xuất kinh doanh, ngày một hiệu quả tích cực.

 Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì Hội nghị quảng bá thương hiệu xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh

Nói về hai loại cây cam, bưởi là sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có lợi thế nên tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm đầu tư phát triển diện tích lên tới trên 10.000 ha, việc thực hiện chuyển đổi số là hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ người sản xuất, tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, minh bạch quy trình sản xuất, gắn với truy xuất nguồn gốc, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển sản xuất, quản lý chỉ dẫn địa lý và thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Thực trạng chuyển đổi số ngành nông nghiệp mới bước đầu triển khai trên các lĩnh vực nên việc thực hiện chuyển đổi số thành công trên cây cam, bưởi là cơ sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm góp phần xây dựng và thực hiện thành công Đề án chuyển đổi số vào ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, nhanh chóng và thiết thực hơn.

Phải đồng bộ hóa công cuộc chuyển đổi số  

Phải khảng định, từ khi thực hiện Công nghệ 4.0, chuyển đổi số nông dân Hà Tĩnh đã được tiếp cận khoa học kỷ thuật nền nông nghiệp xanh từ trồng, chăm sóc, bảo vệ vườn cây, biết sử dụng mạng thông tin điện tử thương mại để giới thiệu, bán sản phẩm do mình tự sản xuất ra. Bên cạnh đó được mùa, được giá, nhờ lên sàn dao dịch điện tử nên sản lượng bưởi Phúc Trạch năm 2023 đạt trên 37 ngàn tấn, doanh thu trên 83 tỷ đồng. Riêng đối với mùa cam 2022 sản lượng tăng, đạt 36,7 ngàn tấn, giá trị doanh thu 74, 6 tỷ đồng.

Với thành công bước đầu từ công cuộc chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như việc Thẩm định phê duyệt dự án, đến đầu tư kinh phí cho hoạt động chưa đáp ứng kịp thời đối với tiến trình thực hiện dự án, nên dự án còn cầm chừng với 2 sản phẩm trên.

 Nói về những khó khăn vướng mắc, Trưởng ban chuyển đổi số Viện phát triển bền vững và kinh tế số quốc gia Nguyễn Văn Chính cho rằng: Khi bắt tay thực hiện SX đề án chuyển đổi số tại tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2020 các Nhà khoa học và doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ cùng với các ban ngành của tỉnh bắt tay triển khai với tinh thần triển khai trước và kinh phí sau. Qúa trình thực hiện chuyển đổi số vào 2 loại sản phẩm đó là bởi Phúc Trạch và các loại cam, đã có báo cáo công việc triển khai mang lại kết quả cụ thể từng phần việc, cộng với những ý kiến, kiến nghị của các sở ban ngành như Sở Thông tin-truyền thông, Khoa học CN, NN-PTNT, Sở tài chính gửi UBND tỉnh, cho đến nay chúng tôi còn phải chờ đợi ý kiến kết luận và định hướng triển khai tiếp theo của UBND tỉnh. Chính vì vậy các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã gặp phải khó khăn, nên đang cầm chừng chưa thể tiếp tục nhân rộng dự án để triển khai trên 12 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế của tỉnh Hà Tĩnh tiếp theo.

  Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Trí trao giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ bưởi Phúc Trạch cho hội nông dân trồng bưởi tại xã Hương Thủy, Hương Khê

Ông Nguyễn Văn Việt Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh khảng định, nhờ thực hiện tốt Công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt dự án đã tập trung chuyển đổi số, tháo gỡ bế tắc từ khâu sản xuất, đến tiêu thụ vào 2 sản phẩm chủ lực nổi tiếng của Hà Tĩnh đó là bưởi Phúc Trạch và các dòng cam truyền thống có hiệu quả thiết thực, được UBND tỉnh, các ban ngành hết sưc quan tâm, bởi đây là cuộc cách mạng Công nghệ 4.0, chuyển đổi số là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ. Tuy nhiên buổi đầu thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn trên, ngành nông nghiệp chúng tôi sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh đề xuất phương án kịp thời tháo gỡ, để tiếp tục thực hiện Dự án chuyển đổi số giai đoạn 2 trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Tôm xuất khẩu, một trong 6 sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh chưa được chuyển đổi số

Cũng theo ông Việt, chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung, cam, bưởi nói riêng là hướng đi tất yếu khách quan là giải pháp đột phá tạo động lực mới để tăng trưởng, phát triển ngành trên các sản phẩm nông nghiệp với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng, tiến tới phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông dân tri thức - ông Nguyễn Văn Việt nói.

Anh Bình