23/01/2025 lúc 02:55 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh – lúa thảo dược, lạc đen, ngô tím theo chuỗi giá trị trước thềm hội nhập

Xu hướng hiện nay của người tiêu dùng là tìm đến các loại thực phẩm sạch, các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, các sản phẩm thảo dược. Qua việc xây dựng mô hình lúa thảo dược, ngô tím, lạc đen vụ Xuân năm 2022 theo chuỗi liên kết tại Hà Tĩnh cho thấy nông dân đã thích nghi với nền nông nghiệp sạch .

Những dự án khoa học đưa nông dân đến với công cuộc hội nhập

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh vừa phối hợp với Trung tâm Công nghệ và Khuyến nông tổ chức Hội thảo, tổng kết Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao (lúa thảo dược, lạc đen, ngô tím) theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hà Tĩnh” tại Hội trường xã UBND Thạch Xuân, huyện Thạch Hà. Tham gia Hội nghị có đại biểu của Sở Khoa học và Công Nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Công ty cung cấp giống, chính quyền các địa phương và các hộ dân tham gia, hưởng lợi từ mô hình.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông chia sẻ: “Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, người dân càng quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe bằng việc tìm kiếm các thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, các thảo dược. Nhiều người lựa chọn sử dụng các loại nông sản có màu sắc như gạo thảo dược (lúa cẩm, lúa đen), ngô tím, lạc đen,... với mong muốn hướng đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thực phẩm chức năng. Những năm qua đã có những mô hình manh nha, theo lối tự phát nên hiệu quả chưa cao, chưa có tính bền vững. Do đó, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã hợp đồng với Trung tâm Công nghệ và Khoa học triển khai dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao (lúa thảo dược, lạc đen, ngô tím) theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hà Tĩnh” thời gian triển khai từ tháng 11/2021 - 11/2022; nhằm nghiên cứu chuyên sâu, thử nghiệm giống cho các vùng sinh thái của tỉnh và xây dựng mối liên kết trong sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả và tạo sự phát triển bền vững”.

Đến với nông dân bằng cả tấm lòng

Trong vụ Xuân 2022, dự án đã xây dựng được 3 mô hình các cây trồng gồm: Lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1, ngô nếp tím VNUA141, Fancy 111 và giống lạc đen CNC1 với tổng quy mô 18,5 ha. Dự kiến, năng suất giống lúa Vĩnh Hòa 1 đạt 5,5 - 5,7 tấn/ha, ngô nếp tím đạt 9,6 - 9,8 tấn/ha, lạc đen đạt 3,6 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn 10 - 50% so với các giống sản xuất đại trà tại địa phương. Dự án đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữ chính quyền địa phương và các đơn vị cung ứng, bao tiêu sản phẩm của dự án.

Mô hình lúa thảo dược quy mô 7ha, được trình diễn tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (4ha) và tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (3ha). Giống lúa Vĩnh Hòa 1, được cung cấp bởi Công ty TNHH Vĩnh Hòa, có thời gian tăng trưởng 125-130 ngày, năng suất 5,5 tấn/ha. Thành phần dinh dưỡng của hạt gạo có chứa các chất vitamin  A, E, canxi, sắt,... đặc biệt là các chất chống ung thư như Omega 6 (6,5 mg/100 g), Omega 9 (1.290 mg/100 g); chất chống oxi hóa như Anthocyanin, chất hỗ trợ chống loãng xương, thích hợp với người ăn kiêng.

Mô hình lúa Thảo dược ở Vượng Lộc, Can Lộc

 

Mô hình trình diễn ngô nếp tím quy mô 04 ha, với 2 loại giống, trồng tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà và thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Giống ngô nếp tím VNUA 141, cung cấp bởi Học viện Nông nghiệp Việt Nam; giống có thời gian sinh trưởng 85-86 ngày (vụ Xuân), tỷ lệ hạt trên bắp 70,4-77,2% và P1000 hạt: 145,3 g, năng suất bắp tươi vụ Xuân là 9,5-12 tấn/ha. Trong 100g hạt có chứa anthocyanin 108,2-114,2 mg. Ngô có thể ăn tươi ngọt, vỏ bi mỏng. Giống ngô nếp tím Fancy 111 cung cấp bởi Công ty Pacific Thái Lan; giống có thời gian sinh trưởng 87-88 ngày (vụ Xuân), P1000 hạt: 235,1 g, năng suất 9-12 tấn/ha. Trong 100 g hạt có chứa 95,1-98,7 mg anthocyanin. Bắp màu tím, mềm, ngọt. Đây là 2 giống ngô giàu Anthocyanin, là chất chống oxy hóa cao, có tiềm năng hoạt động kháng ung thư, ngăn chặn bệnh tim mạch, chống béo phì, bệnh tiểu đường và khả năng kháng viêm nhiễm.

Mô hình Ngô tím ở Thạch Xuân, Thạch Hà

 

Mô hình trình diễn giống lạc đen CNC1 quy mô 6ha, với 2 loại giống, trồng tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà và thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Giống được cung cấp bởi Viện Di truyền Nông nghiệp. Giống có thời gian sinh trưởng Vụ xuân 120-125 ngày, vụ Thu 100-105 ngày;  Chiều cao cây 40-50 cm; Tỷ lệ hạt/quả 70-72%; Năng suất: 35-40 tạ/ha. Quả to. Tỷ lệ quả chắc cao, chất lượng lạc ăn ngon thơm bùi. Các chỉ tiêu chất lượng trong lạc đen đều cao hơn so với lạc thường như: Selen, Chất xơ, Kẽm, Arginine, Kali, Protein thô.

Mô hình Lạc đen ở Thạch Xuân, Thạch Hà

 

Nông dân Hà Tĩnh sẵn sàng đón nhận và hưởng lợi

Tại Hội thảo, ông Phan Cao Kỳ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc đã thay mặt cho chính quyền địa phương và các hộ dân hưởng lợi từ dự án chia sẽ: “Cả 3 giống lúa, lạc và ngô đều sinh trưởng tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương. Các kết quả mô hình đạt và vượt kế hoạch đề ra, được bà con đánh giá cao, sản phẩm có chất lượng tốt, tiêu thụ dễ. Bà con tham gia dự án được đào tạo, hướng dẫn quy trình sản xuất nên đã nâng cao năng lực và trình độ tổ chức sản xuất của mình. Ông đề nghị các đơn vị phối hợp để thí điểm mô hình ở các vụ tiếp theo, làm cơ sở để nhân rộng trong thời gian tới”.

Ông Phan Cao Kỳ, TP NN Can Lộc phát biểu tại Hội thảo

 

Tại cuộc Hội thảo, ông Bùi Quang Hoàn, PGĐ Phụ trách Sở KHCN cho biết thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tiếp tục đánh giá kết quả của dự án nhằm phát triển sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất tập trung các giống cây trồng có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

 Ông Bùi Quang Hoàn, PGĐ phụ trách Sở KHCN phát biểu tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Ông Đỗ Văn Ngọc PGĐ TTCG CN&KN, thuộc Viện VAAS đã gửi lời cảm ơn đến Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT và đã tạo điều kiện cho Trung tâm thực hiện dự án và Trung tâm sẽ có trách nhiệm đánh giá khách quan kết quả mô hình để đề xuất với giải pháp nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hiệu quả.

Ông Đỗ Văn Ngọc, PGĐ TTCG CN&KN, thuộc Viện VAAS

 

Sau 5 năm cơ cấu lại giống cây trồng vật nuôi, nông nghiệp Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện, đặc biệt đã đưa vào bộ giống mới có năng suất cao, chất lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, khả năng chống chịu dịch bệnh và thích ứng với khí hậu thời tiết tốt hơn các bộ giống cũ, trong đó có 20 loại giống cây trồng mới, 10 loại giống thủy sản, 3 loại giống lâm nghiệp và hàng trăm tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Diện tích lúa 103,6 nghìn ha (Cơ cấu giống: KD18, Khang dân đột biến, Thiên ưu 8, VTNA2, HT1, Nếp 98, Nếp 87, PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân Mai và BT09), ngô 8.000 - 11.000 ha, lạc 12.000 ha (70% L14, 30% các giống L29, L27,...). Tuy vậy, bộ giống lúa, lạc đã tồn tại lâu, giống ngô chủ yếu phục vụ chăn nuôi, các sản phẩm theo hướng thảo dược, thực phẩm chức năng,… chưa được quan tâm. Việc triển khai dự án thành công sẽ mang lại hướng đi mới, giúp bà con nâng cao thu nhập và đặc biệt là sức khỏe./.

Hữu Ngọc - Anh Bình

...