Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ sau đại dịch Covid 19, chuyển đổi số (CĐS) là lựa chọn sống còn của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Đồng hành cùng DN, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp để thúc đẩy quá trình CĐS, đặc biệt quan tâm đến DNNVV, nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động ảnh hưởng nặng nề khi gặp những khó khăn, bất ổn.
Chuyển đổi số hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nam trong lĩnh vực du lịch
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, trong những năm gần đây doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng đều qua các năm, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa (vốn điều lệ đăng ký không lớn, lao động dự kiến sử dụng khi thành lập ít…). Tính đến hết tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có 9.753 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 191 nghìn tỷ đồng, trong đó có 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó số DNVVN chiếm tới 98%.
Thời gian qua, việc đẩy mạnh CĐS, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được Hà Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; là giải pháp quan trọng để xây dựng, củng cố lòng tin của DN và người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực phát triển địa phương.
Đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2012-2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi về nhận thức, tầm nhìn và chiến lược; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa các quy trình quản trị; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu, Chương trình tập trung nâng cao nhận thức và đào tạo các kiến thức, kỹ năng nền tảng về CĐS nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhận thức, chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số hiệu quả, đúng hướng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các DNVVN tại Hà Nam, CĐS không chỉ là đầu tư mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin mà quan trọng là phải đổi mới tư duy, hình thức kinh doanh, quản trị phù hợp ở từng doanh nghiệp, từng giai đoạn phát triển. Trong thời gian qua, nhiều DNVVN tại Hà Nam đã xem hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng cho việc đưa thương hiệu của mình đến với khách hàng trong, ngoài nước và cũng như trong vận hành quản lý. Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook...) và trên website, đáp ứng nhu cầu giao tiếp, kết nối và tương tác với khách, thời gian gần đây, nhiều DNVVN đã quan tâm nhiều hơn đến các sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn; chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, học tập các các nền tảng marketing quảng bá hình ảnh, quản lý tệp khách hàng... Những doanh nghiệp đi tiên phong có thể kể đến như Công ty Cổ phần Lụa Nha Xá (xã Mộc Nam – huyện Duy Tiên), Công Ty Cổ Phần Ngọc Sơn Hà Nam (xã Trung Lương – huyện Bình Lục), Công Ty TNHH Mây Tre Xuất Khẩu Ngọc Động Hà Nam (KCN Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên)...
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nam đã ứng dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh
Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay chưa nhiều. Nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư tài chính để mở rộng kênh bán hàng, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức điều hành, quy trình làm việc… là những thách thức lớn. Một số DNVVN chưa quen với cách làm việc mới, còn e ngại chuyển đổi số dễ bị rò rỉ số liệu, dữ liệu khách hàng. Bên cạnh đó việc sử dụng nhiều lao động phổ thông ít được đào tạo hoặc chưa qua đào tạo cũng gây khó khăn cho các DNVVN trong quá trình CĐS.
Kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hà Nam xác định các mục tiêu cơ bản về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, trong đó phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 20% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% cấp xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử…
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sử dụng các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp được công bố trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://smedx.vn hoặc https://smedx.mic.gov.vn. Phối hợp truyền thông, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và xây dựng tài liệu, cẩm nang chuyển đổi số, bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN; thành lập các kênh tư vấn chuyển đổi số DNVVN ứng dụng công nghệ số, nền tảng số để tạo ra hoặc thay đổi các quy trình quản trị doanh nghiệp, phương thức kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mong rằng trong thời gian tới, sự chủ động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền sẽ giúp quá trình chuyển đổi số tại các các DNVVN tại Hà Nam có bước phát triển đột phá, bền vững, tạo thêm giá trị mới, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị, gia tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp./