24/12/2024 lúc 10:37 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh

Đa dạng hóa đối tượng tiếp cận nguồn vốn đầu tư để bảo đảm sự công bằng cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện đang là một xu thế phát triển.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh ở Việt Nam có vai trò và vị trí rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiếm đến hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, góp phần quan trọng vào giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa cung cấp trên thị trường. Để cải thiện khả năng huy động vốn, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cần có các quy định đặc thù của Chính phủ ở các ngành và lĩnh vực khác nhau hướng đến hoàn thiện cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này.

Ảnh minh họa - TL

Đặc thù huy động vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, có nhiều tiêu chí để phân loại doanh nghiệp, trong đó dưới góc độ quy mô vốn có thể chia thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp của cả nước, có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau đây là một số nội dung có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo quy định tại Điều 4, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong các lĩnh vực này sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng; hoặc tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Một trong các yếu tố hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động, mở rộng thị trường đó là vốn. Nếu doanh nghiệp thiếu vốn, hoặc không có vốn, thì mọi hoạt động khác sẽ đình trệ, kể cả khi doanh nghiệp đang hoạt động tốt nếu không có vốn sẽ khó mở rộng thị trường, mở rộng quy mô.

Các hình thức huy động vốn phổ biến hiện nay của doanh nghiệp bao gồm: Vốn hình thành từ ban đầu, hay gọi là vốn pháp định: Vốn pháp định là phần vốn góp ban đầu để thành lập doanh nghiệp khi đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phần vốn này được hình thành đầu tiên. Vốn hình thành từ kết quả kinh doanh: Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó là lợi nhuận, phần này được doanh nghiệp sử dụng để trả cho chủ sở hữu, dành cho các quỹ hoặc tái đầu tư, trong trường hợp dùng cho tái đầu tư thì sẽ là khoản vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi doanh nghiệp dành nhiều kết quả cho tái đầu tư, cơ hội tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp sẽ tăng cao. Vốn từ phát hành chứng khoán: Cổ phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Đây là hình thức tăng vốn phổ biến được các công ty cổ phần áp dụng hiện nay. Vốn hình thành bằng vay tín dụng ngân hàng: Tín dụng ngân hàng là giao dịch tài sản giữa ngân hàng với bên đi vay (là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nền kinh tế), trong đó ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán. Tín dụng ngân hàng có nhiều hình thức thể hiện, như: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn mức tín dụng, thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn… Vốn hình thành bằng tín dụng thương mại: Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất - kinh doanh với nhau dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa.Có 3 loại tín dụng thương mại: Tín dụng thương mại cấp cho nhà nhập khẩu (gọi là tín dụng xuất khẩu) là loại tín dụng do người xuất khẩu cấp cho người nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; Tín dụng thương mại cấp cho người xuất khẩu (gọi là tín dụng nhập khẩu) là loại tín dụng do người nhập khẩu cấp cho người xuất khẩu để nhập hàng thuận lợi; Tín dụng nhà môi giới cấp cho người xuất khẩu và nhập khẩu, các ngân hàng thương nghiệp cỡ lớn thường không cấp tín dụng trực tiếp cho các nhà xuất nhập khẩu mà thông qua nhà môi giới.

Thực trạng vấn đề huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa với nền kinh tế

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp của quốc gia (97%), đóng góp trên 40% GDP, 33% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 36% tổng lao động, thu hút 32% tổng nguồn vốn và tạo ra 26% tổng doanh thu thuần trong khối doanh nghiệp. Lĩnh vực kinh doanh của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là thương mại và dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông lâm thủy sản...

Ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng góp phần ổn định kinh tế, do tính linh hoạt trong hoạt động và dễ chuyển đổi mô hình hoạt động cũng như cách thức kinh doanh. Ngoài ra, với quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp này dễ dàng tham gia vào việc cung cấp hàng hóa dịch vụ ở nhiều ngành nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo sự đa dạng phong phú của sản phẩm, hàng hóa cung cấp ra thị trường, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của người mua hàng.

Mặt khác, DN nhỏ và vừa còn tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng; bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Đồng thời lực lượng này cũng là trụ cột của kinh tế địa phương, đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, vào sản lượng và tạo công ăn việc làm ở các địa phương.

Đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tận dụng nhân công tại địa phương để sử dụng, nhờ đó giải quyết rất nhiều bài toán nhân lực cho cơ quan nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết việc làm hơn 36% tổng lao động trong xã hội. Tuy nhiên, do có quy mô vốn nhỏ và thường gặp khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn lớn từ các ngân hàng đầu tư, nên các DNNVV thường bị hạn chế trong đổi mới trang thiết bị và mở rộng sản xuất, xúc tiến phát triển công việc cho đơn vị. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các DNNVV và kinh phí đầu tư cho phát triển, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển đều rất ít so với các doanh nghiệp lớn. Các DNNVV chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, trong các ngành nghề liên quan đến mua bán sản xuất đồ dùng các loại dịch vụ và phân bố hàng tiêu dùng.

Thực trạng vấn đề huy động vốn tại ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo thống kê của Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các ngành kinh tế, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Hiện các ngân hàng thương mại nhà nước đang đi đầu trong cho vay DNNVV, chiếm 48,05% tổng dư nợ. Khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%. Khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Các số liệu trên cũng phần nào cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần đối với DNNVV. Tuy nhiên vì là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Đó là một thực tế. Theo Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm 25%; còn lại đến 75% doanh nghiệp vẫn phải huy động từ người thân, bạn bè, vay mượn phi chính thống. Điều này cũng hạn chế khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong huy động vốn

Mặc dù đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng Nghị định, và nhiều thông tư, Quyết định của các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng do đặc điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên cả nước, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa và ở các ngành khác nhau, nên một số ngành lĩnh vực vẫn chưa có cơ chế, quy định đặc thù để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong số các DNNVV thì các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay. Các tổ chức tín dụng cũng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của những doanh nghiệp này. Chính vì vậy, việc tiến hành các thủ tục vay vốn càng khó khăn. Đó là chưa kể quy mô vốn, năng lực tài chính của DN còn hạn chế, thêm khó khăn trong việc cung cấp tài sản đảm bảo. Ngoài ra, năng lực, kiến thức chuyên môn về kế toán, tài chính cũng có hạn, dẫn đến đôi khi số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán dẫn đến khó khăn trong tiếp cận vốn… Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng gặp phải sức cạnh tranh gay gắt cho nên phải đặt ra và tự tuân thủ quy định quốc tế về tín dụng, điều đó đặt ra các tiêu chí cao khi đi vay vốn, đây cũng là khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

- Các bộ, ngành ở Trung ương theo chức năng, lĩnh vực được giao quản lý cần cụ thể hóa, đẩy mạnh thực thi Luật Hỗ trợ và Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với từng ngành cần có những cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay đã ban hành Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Điều quan trọng là phải tập trung hiện thực hóa các quy định đã được ban hành một cách có hiệu quả.

- Ngành Ngân hàng đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với các ngành, các lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều cơ chế, ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù, như: Chính sách Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính sách Hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách Cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tực tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế đặc thù cho vay với các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp ở khu vực miền núi, hải đảo…

- Bộ Tài chính cần có các chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động khai báo hải quan, kê khai thuế, ưu đãi về thuế. Ngoài ra, cần có quy định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

- Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đưa sản phẩm của mình có mặt tại các siêu thị trên cả nước, cũng như có các giải pháp hỗ trợ xúc tiến đưa sản phẩm của Việt Nam vươn tầm khu vực và trên thế giới.

- Đối với các địa phương, cần ban hành và triển khai các ưu đãi về thuê mặt bằng làm nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đối với doanh nghiệp

- Để nâng cao khả năng huy động vốn của các DNNVV, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các bộ, ngành, bản thân các doanh nghiệp cần tự hoàn thiện thông qua các biện pháp không ngừng nâng cao sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển, dễ dàng kêu gọi đầu tư thì cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng, minh chứng cụ thể của điều đó thể hiện thông qua các kết quả kinh doanh thuyết phục bằng các số liệu cụ thể như doanh thu, chi phí, lợi nhuận, phần trăm thị phần, chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt, giá cả có sức cạnh tranh, môi trường làm việc thân thiện cho người lao động. Đây là các yếu tố cơ bản cho một nhà đầu tư tài chính mong muốn đóng góp đồng vốn vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu các cách thức phương thức huy động vốn cụ thể cho doanh nghiệp, có thể là huy động vốn từ cán bộ công nhân viên, thành viên của công ty, từ cổ đông, từ đối tác, từ ngân hàng, hay các quỹ hỗ trợ của nhà nước.

- DNNVV cần đa dạng hóa cách tiếp cận và quan niệm về vốn; ngoài vốn dưới dạng tiền có thể nhìn nhận vốn dưới dạng ý tưởng sáng tạo, bí quyết kinh doanh, hay tài sản, bất động sản nhất định...

- DNNVV cần tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi doanh nghiệp biết vận dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho đơn vị.

Để các đối tượng doanh nghiệp này tồn tại và phát triển, cần có sự đồng thuận, cùng phối hợp của cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh thực thi hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm tạo ra sự thuận tiện hơn, ưu tiên hơn cho đối tượng doanh nghiệp này. Trong khi các DNNVV, các hộ kinh doanh cần tự hoàn thiện mình, nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu các kiến thức về tài chính, vốn, để thuận tiện hơn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.

TS Đỗ Đông Hải

...