Ngày 28/11, UBND tỉnh Hà Giang đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng, thực hiện chương trình và kế hoạch trung hạn 2020 -2025 của tỉnh về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng; quản lý và phát triển đô thị, nông thôn.
Dự Lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Trưởng ban tuyên giáo Đảng ủy Bộ Xây dựng, TBT báo Xây dựng, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; đồng chí Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia và các đồng chí lãnh đạo các vụ, viện của Bộ Xây dựng, các ban, ngành của tỉnh Hà Giang.
Các đại biểu tham gia lễ ký kết
Lễ ký kết tập trung vào các lĩnh vực chính gồm: đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, quy hoạch và thiết kế đô thị; phát triển tăng trưởng xanh, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn di tích di sản và các công trình kiến trúc có giá trị; nhận diện và xây dựng bản sắc kiến trúc đô thị, nông thôn; thiết kế điển hình và thiết kế mẫu công trình kiến trúc và thực nghiệm các mô hình mẫu kiến trúc mới; tổ chức các hội nghị, hội thảo, thông tin tuyên truyền phản biện xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng và phát triển đô thị của Thành phố Hà Giang, đô thị Bắc Quang và các đô thị, các vùng nông thôn khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện kiến trúc quốc gia đánh giá cao những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đã đạt được trong nhiều năm qua. Trong thời gian tới, Viện kiến trúc quốc gia sẽ triển khai tích cực các nội dung đã thể hiện trong thỏa thuận hợp tác, nhằm giúp Hà Giang tăng cường công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị, kiến trúc quy hoạch. Qua các hoạt động đó, tạo cho Hà Giang có những mô hình thiết kế điển hình để đảm bảo tốt an sinh xã hội.
Ông Đỗ Thanh Tùng- Viện trưởng Viện kiến trúc quốc gia phát biểu tại buổi ký kết
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn và mong muốn Chính phủ, Bộ Xây dựng, các bộ, ban, ngành T.Ư và các nhà tư vấn, đầu tư tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh thực hiện tốt Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035; Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ sớm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng yếu như: Xây dựng đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai để đảm bảo kết nối vùng được thuận lợi, góp phần phấn đấu đưa KT – XH của tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu
Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Giang và Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng là một sự kiện đặt nền móng cho công tác quản lý phát triển đô thị và kiến trúc quy hoạch. Trong thời gian qua, tỉnh luôn chỉ đạo các ban ngành tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực trong quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo hướng bền vững. Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới, tỉnh Hà Giang sẽ tích cực phối hợp với các bộ ngành Trung ương, nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị trong và ngoài nước để đưa Hà Giang lên tầm cao mới, đảm bảo bảo tốt đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc với 19 dân tộc, với nền văn hóa đa dạng đặc sắc, vì vậy kiến trúc cần có sự giao thoa. Hiện tốc độ đô thị hóa của Hà Giang khá nhanh, với các đô thị có nhiều tiềm năng phát triển hệ thống du lịch, dịch vụ. Bối cảnh và hiện trạng đô thị, nông thôn của Hà Giang hiện nay rất cần các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà tư vấn trong nước và quốc tế về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, nông thôn.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Anh Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Xây dựng đánh giá cao công tác quy hoạch, kiến trúc và quản lý phát triển đô thị của Hà Giang trong những năm qua. Tuy nhiên, để đưa Hà Giang phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới, tỉnh cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc UBND tỉnh ký kết với Viện kiến trúc Quốc gia sẽ tạo đà để các chuyên gia, các nhà khoa học góp sức để các ban ngành của Hà Giang tăng cường hơn trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Hà Giang cần chú trọng nhiều về bản sắc đô thị để tạo điểm nhấn, phát triển văn hóa truyền thống.
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi lễ
Được biết ngày 10/11/2020, Bộ Xây dựng đã công bố quyết định số 1578, ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035.
Theo đó, TP Hà Giang sẽ có diện tích hơn 13.000 ha và khu vực mở rộng có diện tích 4.580 ha thuộc một phần các xã Phong Quang, Đạo Đức, Kim Thạch, Phú Linh, huyện Vị Xuyên.
Tổng diện tích lập quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 là 17.926 ha. Phía bắc giáp các xã Thuận Hoà và Tùng Bá, huyện Vị Xuyên; phía đông giáp xã Yên Định, huyện Bắc Mê; phía tây giáp các xã Phương Tiến, Cao Bồ, Đạo Đức, huyện Vị Xuyên ; phía Nam giáp các xã Đạo Đức, Phú Linh, Kim Thạch, huyện Vị Xuyên.
Định hướng phát triển đô thị Hà Giang theo các tiêu chí đô thị loại II, có không gian được mở rộng, khu vực phát triển hiện hữu được nâng cấp cải tạo, đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh khu vực, gìn giữ bản sắc cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, văn hoá truyền thống của đô thị.
Đồng thời, phát triển đô thị Hà Giang đảm bảo tính hiệu quả sử dụng đất đai, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và tiện ích đô thị đồng bộ, phút hợp với phát triển kinh tế - xã hội và tính chất đặc trưng của đô thị.
Phối cảnh Vincom Shophouse Hà Giang nổi bật với khách sạn Vinpearl 20 tầng
Mặt khác, tạo cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch và thực hiện các nước tiếp theo, hấp dẫn các thành phần kinh tế cho đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Hà Giang sẽ tổ chức thực hiện quy hoạch chung đô thị theo đúng chức năng, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
Từ đồ án, Hà Giang sẽ tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng xanh, bền vững; tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.