19/01/2025 lúc 22:19 (GMT+7)
Breaking News

Hà Giang: Tháo gỡ chuyển đổi số nông nghiệp tại Bắc Quang

Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Bắc Quang quan tâm phối hợp tư vấn, hỗ trợ nông dân, từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp thực hiện CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.

Hiện trên địa bàn huyện Bắc Quang ngày càng có nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp; nông dân mạnh dạn ứng dụng CĐS

 Bắc Quang đang hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững thông qua tư vấn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và thu nhập của người nông dân, Bắc Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện CĐS, tuy nhiên vẫn còn không ít “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để nông nghiệp thực sự tương xứng với tiềm năng của huyện động lực.

Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, từ đó góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp; nông dân mạnh dạn ứng dụng CĐS, tạo ra các nông sản chất lượng cao đạt chuẩn OCOP, tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giúp kết nối trực tiếp người sản xuất và người tiêu dùng.

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm cam, quýt, chè và các loại nông sản khác, địa phương đã hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, THT, các hộ sản xuất và người dân chủ động quảng bá, sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Người nông dân chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… đã giúp tiêu thụ được lượng lớn nông sản, giảm bớt khó khăn cho nông dân, tạo thuận lợi, minh bạch thông tin, giảm chi phí trung gian. Qua đó, khơi thông “dòng chảy” thị trường nông sản, tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân, khắc phục “điểm nghẽn” của một nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, việc chủ động ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang giúp nền nông nghiệp truyền thống ở Bắc Quang dần chuyển sang nông nghiệp hiện đại và sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, việc CĐS trong sản xuất, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm còn không ít “điểm nghẽn” do việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khá mới nên nhận thức của hầu hết các HTX, THT, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp và người nông dân còn hạn chế; gây khó khăn cho việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quảng bá sản phẩm chưa đồng bộ, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số hộ, cá nhân; chưa có chuỗi liên kết, cách tiếp cận mới và toàn diện; chủ yếu sử dụng công nghệ trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, người dân chưa được tham gia các lớp tập huấn công nghệ số…

Hạ tầng kết nối hiện nay còn lạc hậu, không đồng bộ và chi phí cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản ở vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử.

Trình độ người nông dân, đội ngũ lao động trực tiếp thực hiện CĐS và đưa công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản còn thấp; nông dân gặp khó khăn trong thao tác cũng như đánh giá hiệu quả.

Qua đó, Bắc Quang đang tập trung nâng cao nhận thức của HTX, THT và người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR; đưa công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, CĐS, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, khai thác dịch vụ số cho bà con nông dân, chủ trang trại, HTX, THT... để giúp người sản xuất nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm, tiếp cận trực tiếp với khách hàng; hiểu, nắm rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường.