GS.TSKH Trần Duy Quý sinh ra và trưởng thành từ quê hương huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp phổ thông, ông dự thi và đỗ vào trường ĐH Tổng hợp và đỗ thủ khoa khóa 1963 - 1966. Sau đó, ông học khoa Sinh ĐHTH Hà Nội khóa 1966 - 1970 và đỗ thủ khoa khóa đó. Đây cũng là thời điểm mà ông quyết định theo đuổi niềm đam mê, theo ngành di truyền chọn giống. Sau khi tốt nghiệp ĐH, đầu năm 1971, ông được cử về công tác tại Phòng Sinh vật Viện Khoa học Tự nhiên thuộc Viện Khoa học Việt Nam nay là Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Khi giải phóng miền Nam năm 1975, ông được cử vào để cùng các cán bộ trong đó tham gia xây dựng phòng sinh học thuộc Phân viện Khoa học công nghệ Việt Nam. Với những đóng góp xuất sắc trong quá trình làm việc, ông được cơ quan tín nhiệm cử sang Liên Xô làm thực tập sinh và bảo vệ xuất sắc luận án PTS sinh học chuyên ngành di truyền ngày 27/4/1983. Về nước, ông đã cùng với GS.TSKH Phan Phải xây dựng nên Trung tâm Di truyền Nông nghiệp thuộc Bộ NN & PTNT nay là Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ông tiếp tục được cử sang thực tập sinh cao cấp tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô vào tháng 10/1990. Say mê và tận tâm làm việc, ông bảo vệ thành công Luận án TSKH 7/12/1992 với đề tài “Nghiên cứu và sử dụng các đột biến vào nghiên cứu Di truyền và chọn tạo giống lúa Orysa sativa L”. Về nước, ông vinh dự được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ NN & PTNT (31/5/1993), góp sức xây dựng Viện thành một đơn vị mạnh trong nghiên cứu di truyền NN. Đến năm 1996, ông được phong hàm PGS và đến năm 2002, ông được phong hàm GS về lĩnh vực này.
GS.TSKH Trần Duy Quý đã có những cống hiến quan trọng trong ngành nông nghiệp với việc chọn được giống lúa DT10 có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và chịu bão tốt, thay thế hoàn toàn cho giống Nông nghiệp 8. Sau thành công vang dội tại Việt Nam, giống lúa DT10 của GS. Quý đã được phổ biến sang hàng chục nước trên thế giới với diện tích hàng vài chục triệu ha. Có nơi, như Iraq, năng suất giống lúa DT10 đạt tới 11 tấn/ha, trong khi ở Việt Nam chỉ đạt 7 - 8 tấn ha. Với thành công của giống DT10, năm 1995, GS. Quý đã được Tổ chức phát triển Nông nghiệp châu Á Thái Bình Dương tặng giải thưởng về giống lúa đột biến. Bên cạnh đó, một thành công nổi bật nữa của ông phải nhắc đến đó là tạo được giống NPT3 - Siêu lúa Hoa Phượng Đỏ trên cơ sở khắc phục 4 nhược điểm của giống ĐH18. Đến nay, GS.TSKH Trần Duy Quý đã chọn tạo được gần 30 giống lúa cùng một số giống đậu tương và hoa. Ông cũng đã sở hữu gần 200 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước như: “Molecular Mapping of a rice gene conditioning thermosensitieve genic male sterility using AFLP, RFLP and SSR techniques; DNA Barcode and Application in Viet Nam; Nghiên cứu chọn tạo giống siêu lúa NPT3, NPT4, NPT5 và TQ14 bằng kỹ thuật hạt nhân… Bên cạnh đó, GS.TSKH Trần Duy Quý đã chủ trì nhiều đề tài, dự án ý nghĩa, giá trị như: “Sản xuất thử và phát triển giống lúa thơm VS1 cho các tỉnh phía Bắc; Sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống lúa siêu năng suất; Nghiên cứu chọn tạo giống hoa lyli cho đồng bằng sông Hồng; Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thuần Siêu cao sản cho các tỉnh phía Bắc; Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần năng suất cao chất lượng tốt cho các tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ… Đặc biệt, ông còn là tác giả, đồng tác giả và chủ biên nhiều cuốn sách chuyên khảo như: “Cơ sở di truyền và kỹ thuật sản xuất lúa lai; Các phương pháp mới trong chọn giống cây trồng; Cơ sở lý thuyết và ứng dụng công nghệ gen trong chọn tạo giống cây trồng; Sâu bệnh hại một số cây trồng và biện pháp phòng trừ…
Với mong muốn góp sức cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhiều năm qua, GS.TSKH Trần Duy Quý vẫn cùng đồng nghiệp của Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học Kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương đã chọn tạo ra 8 giống lúa mới : VS1, Sơn Lâm 1, NPT3, NPT 4, NPT 5, BQ, QP - 5 và QJ 4 nhờ ứng dụng công nghệ bức xạ kết hợp với lai hữu tính và chọn lọc đã triển khai đầy hiệu quả tại nhiều địa phương của Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Điện Biên… được đông đảo bà con nông dân đón nhận nhiệt tình. Ông là người Việt Nam duy nhất 3 lần liên tiếp dự Hội nghị về di truyền học quốc tế lần thứ 14 ở Matxcơva Liên Xô, năm 1978, lần thứ 15 tại Newdeli Ấn Độ, năm 1983 và lần thứ 16 tại Toronto Canada năm 1988. GS. Quý cũng từng đạt giải thưởng Nhà nước năm 2005 cho những đóng góp về phát triển lúa lai; giải Vifotec các năm 1997, 2000, 2006 cho việc chọn tạo các giống lúa mới DT10, DT11, các giống đậu tương mới DT02, DT2006, công nghệ chọn tạo giống lúa lai 2 dòng; Giải thưởng của Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương năm 1995, giải thưởng của Tổ chức Nông – Lương quốc tế và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2014 về công trình đột biến. Ông còn được mệnh danh là cha đẻ của những giống siêu lúa Việt Nam.
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến ý nghĩa và lớn lao của ông, GS.TSKH Trần Duy Quý đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: 4 Giải thưởng VIFOTEC, nhiều bằng sáng tạo về giống lúa và đậu tương rau, năm 1994, 1998, 2000, 2002, 2012, 2013, 2014, 2016, 2017. Trong năm 2016, ông đã cùng các đồng nghiệp của Công ty Giống Cây trồng TƯ và Trung tâm Hệ thống Nông nghiệp Viện Cây Lương thực và cây thực phẩm thực hiện đề tài “Xây dựng bản đồ Khoa học công nghệ cho ngành lúa gạo Việt Nam” được Bộ Khoa học Công nghệ lựa chọn và vinh danh là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu về khoa học công nghệ năm 2016. GS. Quý cũng từng được Viện Danh nhân thế giới của Mỹ bình chọn là 1 trong 1000 nhà khoa học có ảnh hưởng đến thế giới năm 2002. Bên cạnh đó, ông cũng vinh dự được trao tặng nhiều Bằng khen của Chính Phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Nông dân Việt Nam, Sự nghiệp Thanh niên Việt Nam, Sự nghiệp GD & ĐT, Sự nghiệp Công đoàn Việt Nam, Sự nghiệp Nghiên cứu Khoa học. Giáo sư cùng các đồng nghiệp của Viện Di truyền Nông nghiệp đã được các Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trao tặng giải thưởng xuất sắc nhất về đột biến tạo giống bằng công nghệ hạt nhân vào tháng 9/2014. Hiện nay, GS. Quý vẫn miệt mài, nhiệt huyết với công việc với vai trò là Chủ tịch Hội Hoa Lan Hà Nội kiêm Ủy viên BCH TƯ Hội Sinh vật cảnh Việt Nam các khóa 3-4-5, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.