07/11/2024 lúc 00:44 (GMT+7)
Breaking News

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học không chỉ là lý thuyết trên sách vở!

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương

Những giá trị văn hóa đã hình thành nên tư duy học tập

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương (Sinh năm 1945 tại Huế) là một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không và vũ trụ của Việt Nam. Ông từng giữ vai trò là Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam và có đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong thiết kế các sản phẩm bay tiết kiệm, góp phần đưa ngành hàng không Việt Nam đạt được những bước tiến mới. Là con trai út của nhà văn nổi tiếng Hoài Thanh, ông chia sẻ rằng chính gia đình và những giá trị văn hóa đã hình thành nên tư duy học tập, nghiên cứu nghiêm túc của mình.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ GS. Cương đã được cha mẹ khuyến khích học tập và khám phá tri thức. Tuy nhiên, quyết định đi theo con đường kỹ thuật là lựa chọn của riêng ông. Ông học tại Học viện Kỹ thuật Không quân Giu-cốp-xky, một trong những học viện hàng không danh tiếng của Liên Xô.

Tại đây, ông không chỉ được đào tạo bài bản về kỹ thuật máy bay mà còn được tiếp xúc với những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không. "Chúng tôi không chỉ học lý thuyết mà còn có rất nhiều cơ hội để thực hành. Đó là một yếu tố rất quan trọng, vì kỹ thuật hàng không yêu cầu sự hiểu biết sâu sắc về cả lý thuyết và thực tiễn."

Sau khi trở về Việt Nam, GS. Cương gia nhập Trung đoàn Không quân e921, ông nhận ra rằng kỹ thuật hàng không không chỉ là những lý thuyết khô khan mà đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. "Một sai sót nhỏ trong thiết kế hoặc bảo trì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, mọi người trong ngành đều phải có trách nhiệm cao và không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề," ông chia sẻ.

Một trong những bài học quý giá mà ông học được là kỹ năng tư duy và sáng tạo, tư duy ngược từ nguyên lý chung ra kết quả có sẵn, dựa trên thiết kế có sẵn, điều thường gọi là "phản thiết kế", GS. Cương cho rằng, đối với ngành hàng không, việc nắm vững công nghệ không chỉ nằm ở việc tạo ra các sản phẩm mới mà còn ở khả năng phân tích, đánh giá các công nghệ đã có sẵn, hiểu được cách thức chúng hoạt động và cải tiến chúng phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của đất nước.

Một trong những thành tựu lớn nhất của ông là thiết kế các sản phẩm bay có chi phí thấp, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục triệu USD, nhận được giải thưởng quốc gia vào năm 2000. Ông tự hào chia sẻ rằng chính sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng nghiên cứu đã giúp ông đạt được những thành tựu này. Ông kể thêm về hai công trình nổi bật này.

Thứ nhất là “cải tiến tên lửa K-5 thành mục tiêu bay cho phi công tập bắn bằng tên lửa hồng ngoại”. Tên lửa K-5 (còn gọi là RS-2US) là tên lửa của Liên Xô điều khiển bằng rađa theo nguyên lý lạc hậu , rất khó ứng dụng, Liên Xô đã viện trợ cho ta từ lâu, hàng nghìn quả , đến năm 1982 đã hết hạn sử dụng. Anh Kim Khôi đã có ý tưởng biến các tên lửa nay thành mục tiêu bắn tập và anh nói : chỉ có ông Cương làm được việc này. Sau bao lần thất bại, ngày 4-10-1985 tại sân bay e921 đã bắn thử thành công : phi công đã diệt được 3 trong tổng số 5 mục tiêu đã bay, không khó quá và cũng không dễ quá , đúng yêu cầu của Quân chủng đã đề ra, sau đó đã sản xuất loạt trong hàng chục năm để huấn luyện phi công bắn đạn thật. .

Thứ hai là: “chế tạo buông tập lái để huấn luyện phi công máy bay MiG-21”(1992-93) do trung tướng Pham Phú Thái chủ trì, ông Cương phụ trách kỹ thuật và trực tiếp phát triên phần mềm. Đây là một thiết bị mô phỏng bay (flight simulator) gần giống thiết bị mô phỏng ở các trung tâm tập lái ô tô ngày nay. Trên thiết bị này phi công có thể tập bay các bài bay cơ bản như cất hạ cánh, vòng kín...đến các bài nâng cao như đánh chặn, diệt mục tiêu..., cũng có thể tập xử lý các tình huống bất trắc như chết máy trên không...góp phần đáng kể nâng cao kỹ năng chiến đấu và an toàn bay cho phi công, Buồng tậpđã được trang bị cho tất cả các trung đoàn tiêm kích MiG-21 của Không Quân Việt Nam. "Không chỉ cần có tri thức, mà còn phải có nguồn đầu tư và lòng kiên trì," ông nói.

Ngoài ra, ông cũng là tác giả của hơn 60 công trình khoa học, hai bằng sáng chế, và nhiều công trình hợp tác quốc tế. Các công trình này không chỉ góp phần phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới. GS. Cương luôn nhấn mạnh rằng, "Khoa học không có biên giới. Để phát triển, chúng ta phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi."

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cùng cộng sự tiến hành thử nghiệm tại trường bắn

Những kỷ niệm khó quên

Năm 1961 khi đang học ở trường Phổ thông cấp 3 (bây giờ là Trung học phỏ thông) Trưng Vương, Hà Nội, ông đựợc thi học sinh giỏi về toán và vật lý của trường (đoạt giải nhì, không có giải nhất). ông nhớ mãi thầy giáo Đôn dạy Vật lý đã bắt tay ông giữa sân trường và nói động viên ông: “Em Cương có nhiều triển vọng”. Khi đó ông nghĩ mình sẽ cố gắng theo con đường khoa học. Sau đó ông đựợc chon đi học Trung cấp kỹ thuật máy bay ở Kraxnođar (Liên xô) và tiếp tục con đường khoa học công nghệ cho đến cuối đời.

Hồi làm trơ lý kỹ thuật ở E921 (năm 1966), có lần ông chứng kiến phi công hạ cánh thô khi thời tiết xấu, cả hai càng chính bị gãy, cà tóe lửa trên đường băng, mấy quả tên lửa treo ở cánh bị văng ra , gãy thành mấy khúc, mọi người cho rằng tất cả là vì hạ cánh thô , tuy nhiên ông quan sát kỹ hiện trường , thấy có khói đen bám vào trụ càng nên phỏng đoán là nổ cả hai giảm chấn ở trụ càng. Nguyên nhân nổ có thể là do thay nhầm vì phaỉ nạp khí ni tơ (gần như khí trơ) mọi người nạp nhầm khí ô xy. Máy bay vừa làm bảo dưỡng định kỳ ở xưởng ra. Ông phán đoán ngay: Nếu giảm chấn các càng bị nạp nhầm ô xy thì các chỗ khác theo quy định cần nạp khí ni tơ có thể cũng bị nhầm. Quả nhiên khi kiểm tra thấy đúng là bị nhầm. Xác định bằng cách lây môt lọ nhỏ , xì khí vào và cho một que diêm thổi tát rồi thả vào lọ, thấy que diêm bùng lên. Sau khi kết luận nạp nhầm ông đã kiểm tra cả bình khí nén sơn vàng (ký hiệu là khí ni tơ) thì thấy cũng là ô xy, chứng tỏ không phải lỗi do xưởng bảo dưỡng mà là do nhà máy Xuyt nũa thì nhiều người bị oan và ngăn ngừa kịp thời các tai nạn tiếp theo.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương kể thêm: Cũng hồi làm trợ lý ở E921 (2/1965), có lần phi công nhảy dù nhưng đã hy sinh vì dù không mở, tôi được ông Trần Hanh (lúc bấy giờ là Trung đoàn trưởng) giao nghiên cứu. Sau khi xem xét kỹ hiện trường tôi phát hiện ra nguyên nhân, viết giải trình bằng tiếng Nga, sau đó các máy bay gửi sang đều đã khắc phục nguyên nhân này.

Tôi còn nhớ có một lần một tiến sỹ về khí động học ở Pháp về dạy ở đại học Bách khoa Hà Nội mà không biết cánh tà là gì (một khái niệm sơ đẳng trong kỹ thuật máy bay). Tôi không cực đoan như có anh đã lên tới Chủ nhiệm kỹ thuật mà còn nói: ngành kỹ thuật Không quân chỉ cần Trung cấp không cần đại học…

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm UAV của VASA tại triển lãm…..

Tầm quan trọng trong việc đầu từ vào Nghiên cứu Khoa học

GS.Cương nhấn mạnh rằng, khoa học công nghệ không thể phát triển nếu thiếu nguồn đầu tư. Ông cho rằng, để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, điều quan trọng nhất là phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức tài trợ. "Chúng tôi có rất nhiều ý tưởng, nhưng để biến chúng thành hiện thực, chúng tôi cần có nguồn tài trợ ổn định. Đó là yếu tố tiên quyết để phát triển khoa học công nghệ," ông nói.

Bên cạnh đó, ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Theo ông, sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ tạo ra một môi trường hợp tác và phát triển bền vững, giúp các nhà khoa học không chỉ có điều kiện tốt hơn để làm việc mà còn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị thực tiễn cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

GS.Cương cũng gửi gắm mong muốn đến các bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, bền bỉ và không ngừng học hỏi. "Khoa học là một cuộc hành trình dài và không phải lúc nào cũng có kết quả ngay. Nhưng nếu bạn có đam mê và quyết tâm, thành công sẽ đến."

Đối với các sinh viên trẻ, ông khuyến khích họ chủ động tìm kiếm cơ hội học hỏi từ các nguồn kiến thức khác nhau và không ngừng phát triển kỹ năng thực hành. "Khoa học không chỉ là những lý thuyết trên sách vở. Để thành công, bạn phải biến kiến thức thành hành động và không ngừng rèn luyện kỹ năng."

Lê Duy (thực hiện)

...