22/01/2025 lúc 23:04 (GMT+7)
Breaking News

GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng: Phát triển cần đi liền liêm chính khoa học

GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng nhấn mạnh, đi cùng với phát triển, cần chú ý tới đạo đức, liêm chính khoa học, nếu không sẽ chỉ là tự lừa dối mình.
Không có liêm chính khoa học, phát triển chỉ là tự dối mình
Từ ngày 1/1/ Thiếu tướng, GS.TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chính thức trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS).
GS.TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Mai Loan.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS Hoàng chia sẻ, việc được trở thành Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới là một vinh dự, niềm tự hào bởi quá trình xét chọn không dễ dàng, phải dựa vào các công trình khoa học suốt cả một quá trình cống hiến, thậm chí là cả một đời.
Tuy nhiên, theo GS Hoàng, bản thân ông có chút may mắn. Việt Nam có không ít những nhà khoa học tài năng, có những cống hiến lớn lao, hơn ông rất nhiều, không chỉ trong lĩnh vực y khoa, nhưng công việc của họ vô cùng thầm lặng. Nếu có điều kiện phát triển, những nhà khoa học này cũng sẽ có những đóng góp thực sự có giá trị cho nền khoa học nước nhà và thế giới.
GS Hoàng cũng muốn nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của những người thầy. Không có họ, ông không thể đạt được những thành quả như ngày hôm nay. “Những người thầy vĩ đại, đức độ chính là những viên gạch tạo nên nền móng cho ngôi nhà vững chắc mà tôi và những người học trò khác là những người may mắn được bước trên con đường đó. Những người thầy đã thực sự góp phần rất lớn, giúp sức làm nên những thành công của chúng tôi ngày hôm nay”, BS Hoàng bày tỏ.
Một điều nữa mà BS Hoàng muốn nói tới, đó là bất cứ một thành công nào, đặc biệt là trong ngành y, thì người đầu tiên mà những y bác sĩ muốn cảm ơn, đó chính là những bệnh nhân. Không có bệnh nhân thì không có y bác sĩ, không có bệnh nhân thì không có sự phát triển của y học, không có bệnh nhân không có sự phát triển của tri thức, không có được chúng ta ngày hôm nay, không có bất cứ một bệnh viện nào. Vì thế, bệnh nhân cũng là một trong những người mà bác sĩ phải cảm ơn.
Đặc biệt, những thành công của ông hôm nay có được, có sự tạo điều kiện, hỗ trợ rất lớn của Bệnh viện 108, Ban Giám đốc Bệnh viện và những chính sách khuyến khích, đầu tư cho đào tạo, phát triển các thế hệ nhà khoa học.
Người Việt Nam chúng ta rất cần cù, chịu khó. Chúng ta cũng từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn, đói khổ nhưng vẫn vươn lên được. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi, lại có một thế hệ trẻ rất tài năng, được học tập, tiếp cận với những tri thức rất mới thì không lẽ gì không thể phát triển.
“Tuy nhiên, cần chú ý tới đạo đức, liêm chính khoa học. Nếu không có liêm chính khoa học thì không phải sự phát triển mà chỉ là tự lừa dối mình. Vừa rồi, rất nhiều chuyện liên quan tới liêm chính, đạo văn, đó thực sự là vấn đề nhức nhối”, GS Nguyễn Thế Hoàng nhấn mạnh.
Nhận giải thưởng khoa học được ví như Nobel y học của Đức
GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng sinh năm 1965, quê quán ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cả cuộc đời ông là một hành trình cống hiến không mệt mỏi cho khoa học.
GS.TSKH. Nguyen The Hoang: Phat trien can di lien liem chinh khoa hoc-Hinh-2
GS.TSKH. Helmut Schwarz, Chủ tịch Quỹ Alexander von Humboldt trao Bằng chứng nhận giải thưởng cho GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng. Ảnh: NVCC.
Ông là tác giả chính của hơn 100 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học; chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ.
Trong đó, công trình khoa học "Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới có cấu trúc không gian ba chiều" của ông đã nhận được Giải thưởng khoa học cao quý Friedrich Wilhelm Bessel-Forschungspreis do quỹ học bổng danh giá Alexander von Humboldt (CHLB Đức) trao tặng và được trực tiếp vinh danh bởi Tổng thống Đức Joachim Gauck năm 2012.
Với công trình này, năm 2013, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng người Việt Nam đầu tiên và là một trong 4 nhà khoa học châu Á cho đến nay được nhận giải thưởng được ví như giải Nobel y học của Đức này.
Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo ra các tổ chức sống mới tự thân của GS.Nguyễn Thế Hoàng là một kỹ thuật hết sức phức tạp và cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều chuyên ngành khác nhau. Theo GS.Hoàng, người ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, dựa trên nguyên lý của phương pháp này, giấc mơ của người thầy thuốc và của BN trong việc tạo ra các bộ phận thay thế trên cơ thể con người bằng chính tổ chức tự thân như: tạo ra tai, mũi, một đoạn xương, đoạn khớp, hay thậm chí là cả một quả tim, quả thận, một đoạn ruột, một cánh tay, hay một bàn tay, bàn chân… sẽ có thể trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.
GS.TSKH. Schwarz, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Đức cùng Hội đồng chọn lựa đánh giá, đề tài nghiên cứu này cho phép mở ra những tiềm năng ứng dụng tương lai rất lớn trong điều trị lâm sàng mà đặc biệt là trong lĩnh vực y học tái sinh.
GS.TSKH E. Biemer, nguyên Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật và phẫu thuật tạo hình của CHLB Đức, cũng cho rằng: “Vi tuần hoàn và nuôi cấy tế bào chính là tương lai của y học hiện đại, mà đặc biệt là đối với chuyên ngành ngoại khoa và lĩnh vực ghép tạng”.
Trước đó, GS Nguyễn Thế Hoàng được biết đến là 1 trong 5 phẫu thuật viên tham gia thực hiện ca mổ ghép cả 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới tại thành phố Munich, Cộng hòa liên bang Đức vào năm 2008. Sau thành công của ca mổ, GS Nguyễn Thế Hoàng cùng nhóm phẫu thuật viên được trao giải thưởng thành tựu khoa học Karl Max Von Bauerfeind của Đại học Tổng hợp Munich, Cộng hòa liên bang Đức.
Sau khi trở về nước, ông cùng với các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài lớn về ghép tạng (ghép tim, phổi, giác mạc, chi thể,...). Năm 2020, ca ghép chi thể đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện ghép chi thể thành công và cũng là ca ghép chi thể từ người cho còn sống đầu tiên trên thế giới.
Cho đến nay, GS Nguyễn Thế Hoàng cùng đội ngũ các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện 4 ca ghép chi thể với 6 chi. Trong đó, có 2 ca ghép từ người cho còn sống và 2 ca ghép từ người chết não.

Mai Loan

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

...