![](https://s-aicmscdn.vietnamhoinhap.vn/thumb/w_1000/vnhn-media/25/2/13/gs_67ad861c2dc01.jpg)
GS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
Hai năm sau khi GS.TS Nguyễn Tiến Dũng chính thức về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai (năm 1982), đầu năm 1984, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Việt Nam để hỗ trợ ngành y tế nước ta về chương trình Phòng chống bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở trẻ em trong bối cảnh trẻ em trên toàn thế giới, nhất là các nước đang phát triển có tỷ lệ tử vong cao vì bệnh đường hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm phổi. Đầu tiên, Bệnh viện Lao và Phổi TW (nay là BV Phổi Trung ương) là đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp quản chương trình này, sau đó BV Lao và Phổi TW đã mời thêm khoa Nhi, BV Bạch Mai cùng tham gia chương trình. Từ đó, Bs. Dũng có điều kiện tiếp xúc với chương trình Phòng chống bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở trẻ em và bắt đầu tìm hiểu về những phương pháp điều trị bệnh đường hô hấp cho trẻ em Việt Nam. Trong những ca trực hàng ngày, anh chứng kiến rất nhiều em nhỏ phải nhập viện điều trị bởi các bệnh lý viêm phổi, và các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác …Trong điều kiện khó khăn của đất nước thời điểm đó, thuốc kháng sinh để điều trị đặc biệt khan hiếm. Trong ký ức của Bs. Dũng, ngày đó các bác sĩ chỉ có thể sử dụng 2 loại kháng sinh dùng để tiêm là Penixilin và Streptomicin và một số kháng sinh dùng để uống cũng chỉ có : Sulfamid, Teracyclin và viên penixinin uống…Cùng các bác sĩ khác, anh đã nỗ lực, hết lòng tham gia cứu chữa, điều trị những em nhỏ không may phải nhập viện cấp cứu vì bệnh hô hấp. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi nhiều trường hợp bệnh lý nặng, diễn biến xấu dẫn đến việc bệnh nhi tử vong. Đặc biệt, Bs. Dũng nhớ mãi trường hợp cấp cứu ngay trong đêm, cháu bé lại là con của người bạn học cùng trường ĐH Y Hà Nội. Vậy mà khi cháu bé được đưa đến bệnh viện Bs. Dũng trực cấp cứu thì tình trạng bệnh của cháu bé đã rất nặng. Anh rất day dứt, gặng hỏi bạn tại sao lại không biết con mình trở bệnh nặng đến mức này mới đưa vào nhập viện. Cả đêm hôm đó, Bs. Dũng đã dốc hết tâm sức, trí lực cấp cứu, điều trị cho cháu bé nhưng rất tiếc, cháu đã mãi mãi ra đi. Từ câu chuyện trên, Bs. Dũng nhận thấy cách phát hiện và nhận thức về bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em của người dân có vấn đề thiếu xót nghiêm trọng. Do đó anh bắt đầu suy nghĩ, tìm tòi phương pháp, cách thức làm sao để tuyên truyền, chia sẻ thông tin cặn kẽ, chi tiết hơn đến người dân về cách phân biệt, triệu chứng và diễn biến bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em để họ có thể quyết định để con mình ở nhà hay đưa đến Bệnh viện điều trị kịp thời.
Rất may mắn là tư tưởng đó của Bs. Dũng lại trùng hợp với quyết định của WHO khi triển khai chương trình phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em tại Việt Nam. Và từ đó, anh đã đi nhiều địa phương, nhiều bệnh viện trên cả nước để đào tạo, hướng dẫn các bác sĩ và người dân những thông tin cơ bản là: Khi một đứa trẻ ho sốt, chúng ta hãy quan sát cách thở, đầu tiên là phát hiện xem trẻ thở nhanh hay chậm. Nếu thấy nhịp thở của trẻ nhanh hơn bình thường cần hết sức lưu ý, nếu biết đếm nhịp thở thì theo nguyên tắc có các ngưỡng trên 40 nhịp, trên 50 nhịp hay trên 60 nhịp/ 1 phút là thở nhanh cho các lứa tuổi tương ứng là 1-5 tuổi, 2 tháng đến 1 tuổi và dưới 2 tháng tuổi. Điều nữa là chúng ta cần vén ngực áo của trẻ lên để quan sát, nếu thấy trẻ thở rút lõm, lõm lồng ngực thì cần gấp rút đưa trẻ nhập viện khám điều trị. Như vậy, người dân cần ghi nhớ 3 cách nhận biết bệnh hô hấp ở trẻ như sau: Thứ nhất, nếu trẻ ho sốt không thở nhanh thì chỉ cần ở nhà chăm sóc, theo dõi và dùng thuốc ho và hạ sốt ; thứ hai, trẻ ho sốt và có thở nhanh thì cần đưa đi khám bác sĩ (nếu thầy thuốc khám và nhận thấy nhịp thở nhanh thì có thể kê kháng sinh uống chữa tại nhà) ; Thứ 3, nếu nhận thấy trẻ thở rất nhanh, rút lõm lồng ngực thì cần ngay lập tức cho nhập viện điều trị, tiêm kháng sinh. Theo thông điệp trên, sau 3 năm Bs. Dũng và đồng nghiệp triển khai trên diện rộng cả nước thì tỉ lệ tử vong vì bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ em đã giảm xuống một cách đáng kể. Ngành y tế Việt nam được WHO ghi nhận và đánh giá là quốc gia thành công nhất trong giảm tỉ lệ tử vong vì viêm phổi ở trẻ em.
![](https://s-aicmscdn.vietnamhoinhap.vn/thumb/w_1000/vnhn-media/25/2/13/gs_67ad863534f9e.jpg)
GS. Dũng giảng bài về Sử dụng kháng sinh hợp lý trong kỷ nguyên số ở Hội thảo về Kháng sinh tại Hà Nội tháng 11-2022
Từ năm 1990 trở đi sau khi nước ta mở cửa nền kinh tế, ngành y tế mới được cung cấp thêm nhiều kháng sinh để đáp ứng nhu cầu người dân. Trong giai đoạn này, ngoài sự hỗ trợ của WHO,nước ta bắt đầu nhập thêm và tự túc sản xuất được nhiều loại kháng sinh hơn để đáp ứng đủ thuốc cho điều trị bệnh. Tuy nhiên, điều đó cũng đã dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh lý ở trẻ em. Nhận thấy sự nguy hiểm của tình trạng trên, từ năm 1995, Bs. Dũng và đồng nghiệp đã làm nhiều đề tài khoa học và nhận thấy, nếu lạm dụng kháng sinh nhiều như vậy sẽ dẫn đến việc kháng thuốc ở trẻ. Kháng sinh không thể ngăn chặn quá trình diễn tiến từ bệnh hô hấp trên thành viêm phổi ở trẻ em, không phải thuốc để phòng ngừa viêm phổi. Ấy thế mà nhiều người không hiểu điều đó dẫn đến việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Thậm chí, theo như nghiên cứu, Bs. Dũng và đồng nghiệp phát hiện rằng nhiều trẻ bị viêm phổi mà trước đấy có lạm dụng kháng sinh thì tình trạng bệnh sẽ trở nên nặng hơn, khó chữa hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn những trẻ mà trước đó không dùng kháng sinh. Từ đó, anh rất trăn trở bởi nếu người dân cứ lạm dụng kháng sinh như vậy trong điều trị vừa rất tốn kém, hại sức khỏe của trẻ mà còn nguy hại đến tính mạng của trẻ. Sau đó, Bs. Dũng manh nha ý tưởng phải làm điều gì đó để có thể tuyên truyền cho các bác sĩ, người dân không nên sử dụng quá nhiều kháng sinh. Trong quá trình đó, anh trực tiếp đi giảng dạy, báo cáo tại nhiều Bệnh viện, địa phương thông tin về sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh ở trẻ em. Và năm 1996, GS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã tham gia các chương trình cấp Bộ và Nhà nước về tuyên truyền cho người dân, thầy thuốc, dược sĩ về sử dụng hợp lý kháng sinh, nỗ lực hết sức để giảm việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh ở trẻ em.
![](https://s-aicmscdn.vietnamhoinhap.vn/thumb/w_1000/vnhn-media/25/2/13/gs_67ad864f9e191.jpg)
GS. Dũng thăm và tặng sách về Sử dụng kháng sinh hợp lý cho BV đa khoa Bát Xát Lào Cai tháng 10-2022
Đặc biệt, đến năm 2002, GS.TS Nguyễn Tiến Dũng là một trong 5 bác sĩ của Việt Nam được cử sang Đài Loan học về Dược động học và Dược lực học của kháng sinh để áp dụng trong việc sử dụng kháng sinh sao cho hiệu quả và hợp lý. Đây là một chuyên ngành hoàn toàn mới với Việt nam lúc bấy giờ nhưng rất ý nghĩa, thiết thực, giúp các bác sĩ nắm được nhiều kiến thức chuyên sâu để áp dụng trong việc kê đơn thuốc cho người bệnh. Kết thúc khóa học về nước, anh quyết định sẽ dành thời gian tìm hiểu sâu hơn nữa về chuyên ngành trên. Về nước Bs. Dũng cũng là người duy nhất được chọn trong số 5 người sang học tại Đài Loan để chia sẻ về áp dụng Dược động học, Dược lực học để sử dụng kháng sinh hợp lý cho các thầy thuốc, bác sĩ Việt Nam. Và Hội thảo đầu tiên mà anh trình bày vấn đề trên cho các bác sĩ, dược sĩ cả ba miền Bắc, Trung, Nam là tại Tp. Đà Lạt. Đây là kỷ niệm rất sâu sắc với anh, bởi sau khi trình bày xong báo cáo cả Hội trường đều xôn xao và đặt rất nhiều câu hỏi cho Bs, Dũng. Đáp lại điều đó, anh đã giải đáp cặn kẽ, chi tiết những thông tin cụ thể về Dược động học, Dược lực học và buổi báo cáo ban sáng thậm chí đã kéo dài đến qua giờ trưa. Muộn đến mức GS.TS Trần Quỵ - khi đó là Giám đốc BV Bạch Mai làm chủ tọa phải ngắt lời để mọi người có thời gian nghỉ ăn trưa. Điều đó nói lên mức độ quan tâm của mọi người với lĩnh vực trên là rất cao. Trong bữa ăn trưa hôm đó, Bs. Dũng lại được nhiều đồng nghiệp trên khắp cả nước hỏi và gợi ý, anh nên viết một cuốn sách để xuất bản, từ đó giúp cho nhiều người có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về lĩnh vực Dược động học, Dược lực học một cách đầy đủ hơn. Sau lời gợi ý đó, đến khi về nhà anh vẫn còn nhiều băn khoăn, bởi vai trò của anh là bác sĩ chứ không phải dược sĩ để viết sách về lĩnh vực dược. Nhưng rất may mắn, ngày đó Bs. Dũng cũng là Giảng viên kiêm nhiệm của trường ĐH Dược Hà Nội và đã tham gia viết 1 chương về sử dụng thuốc cho trẻ em ở bài giảng của trường ĐH Dược Hà Nội nên hoàn toàn có tư cách pháp nhân để viết sách về Dược động học, Dược lực học.
![](https://s-aicmscdn.vietnamhoinhap.vn/thumb/w_1000/vnhn-media/25/2/13/gs_67ad8698419b1.jpg)
GS. Dũng tặng sách về Sử dụng kháng sinh hợp lý cho PGS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc BV Bạch mai tháng 8-2022
Và sau đó, Bs. Dũng đã gửi lời mời cô Huyền – Chủ nhiệm Bộ môn Dược lâm sàng của trường ĐH Dược ngày đó tham gia viết chung cuốn sách. Tuy nhiên, vì công việc quá bận nên cô Huyền không thể sắp xếp viết sách, vậy là một mình anh dành hết tâm huyết, nỗ lực thực hiện cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên Bs. Dũng viết tuy nhỏ nhưng được bạn đọc hào hứng đón nhận và đánh giá cao. Và rồi, cứ cách vài năm sau đó, anh lại tái bản cuốn sách vì kiến thức y học thay đổi liên tục. Và lần tái bản cuốn sách gần nhất là vào năm 2022 khi mà đại dịch Covid – 19 bùng phát ở nước ta. Lý do lần tái bản này là bởi anh nhận thấy phác đồ điều trị của các bác sĩ cho bệnh nhân Covid – 19 ngày đó dùng rất nhiều kháng sinh, do tình huống cấp thiết bắt buộc. Thuốc kháng sinh không còn chỉ ở Hiệu thuốc, đơn thuốc của các bác sĩ mà đã đến tận từng gia đình để điều trị Covid – 19. Trước tình trạng trên, Bs. Dũng đã tái bản cuốn sách Dược động học và Dược lực học với mong muốn đóng góp tiếng nói chuyên môn giúp các bác sĩ có thể kê đơn hợp lý, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho người bệnh mà không cần sử dụng quá nhiều kháng sinh. Điều đáng mừng là cho đến nay, Dược động học và Dược lực học của kháng sinh đã được đón nhận rộng rãi tại Việt Nam và được coi gần như là một môn học của ngành Dược dù trước đó, ngay những năm 2002, khái niệm về Dược động học, Dược lực học vẫn là điều gì đó quá mới mẻ với ngành y tế Việt nam. Với công tác đào tạo, cách đây khoảng gần 10 năm, trường ĐH Dược Hà Nội cũng đã bắt đầu có nhiều dược sĩ nghiên cứu chuyên sâu về Dược động học, Dược lực học của kháng sinh. GS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng đã tham gia chấm một số luận án Tiến sĩ của các nghiên cứu sinh trường ĐH Dược Hà Nội về Dược động học, Dược lực học của kháng sinh nhằm áp dụng kiến thức đó để kê đơn hợp lý cho người bệnh.
Với người bác sĩ, nếu hiểu rõ kiến thức Dược động học, Dược lực học một cách bài bản thì không khác gì nắm được nghệ thuật sử dụng kháng sinh hợp lý. Các bác sĩ hoàn toàn có thể thay đổi các loại thuốc, đưa ra phương pháp kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh dựa vào những kiến thức đặc thù, ít khi được giảng dạy trước đây. Ví dụ: Trước đây thuốc Gentamicin bác sĩ thường chia tổng liều làm 3 lần tiêm 1 ngày. Nhờ có Dược động học, Dược lực học, các bác sĩ đã chia lại từ 3 lần tiêm 1 ngày thành chỉ tiêm 1 lần 1 ngày đã có tác dụng tốt hơn nhiều. Ngược lại, với nhóm thuốc nhóm Betalactam nếu người bệnh chỉ uống 2 lần hay tiêm 2 lần trong ngày thì không có tác dụng nhiều. Khi đó, bác sĩ phải chia nhỏ ra làm 3 – 4 lần, tùy từng loại thuốc. Có thể nói, đây là những kiến thức rất mới, là cuộc cách mạng trong kê đơn thuốc mà Dược động học, Dược lực học, của kháng sinh đã mang lại. Những kiến thức này đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm việc kê đơn kháng sinh hợp lý. Thậm chí, Dược động học, Dược lực học của kháng sinh ngày nay đã được gắn vào một mục không thể thiếu trong đào tạo, giảng dạy bác sĩ, dược sĩ.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Dược động học, Dược lực học có thể hiểu nôm na như sau: Khi chúng ta đưa một viên thuốc vào cơ thể mình thì cần biết rằng sau bao lâu thuốc ngấm vào máu ; sau bao lâu thuốc có tác dụng đến các bộ phận như tim, gan, phổi ; sau bao lâu thuốc đào thải khỏi cơ thể ; thuốc có tác dụng tiêu diệt loại vi khuẩn nào ; Nếu đưa vào cơ thể theo đường tiêm, theo đường uống, chia nhỏ thuốc thì tác dụng ra sao … Người bác sĩ cần phải nắm chắc và hiểu hết quá trình đó. Kiến thức y tế thay đổi liên tục, nếu không nâng cấp, cập nhật thông tin sẽ dẫn đến lỗi thời và giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc kê đơn thuốc của bác sĩ. Và Dược động học, Dược lực học của kháng sinh chính là tài liệu góp phần quan trọng trong việc nâng tầm kiến thức về kháng sinh cho các bác sĩ áp dụng trong kê đơn.
![](https://s-aicmscdn.vietnamhoinhap.vn/thumb/w_1000/vnhn-media/25/2/13/gs_67ad86bc65d2c.jpg)
GS. Dũng thăm và tặng sách về Sử dụng kháng sinh hợp lý cho khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV đa khoa tỉnh Sơn La tháng 9-2022
Trước đây, khi trình bày trong bài phát biểu để các thầy chấm điểm khi làm hồ sơ Phó Giáo sư, đã từng có người băn khoăn hỏi anh rằng: Bs. Dũng vốn là bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa nhưng tại sao lại tham gia nghiên cứu nhiều lĩnh vực như vậy, trong đó có lĩnh vực về kháng sinh ? Anh trả lời rằng : Điều này là do thực tế cuộc sống, thực tế công việc khám chữa bệnh đặt ra thầy ạ ! Trước tình trạng nhiều người dân, trong đó có cả những thầy thuốc, bác sĩ, dược sĩ có phần lạm dụng kháng sinh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, GS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu về kháng sinh, về dược động học, dược lực học của kháng sinh trước hết là để chữa bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, trong đó có viêm phổi ở trẻ em tốt hơn. Và rồi, từ bệnh viêm phổi, Bs. Dũng có thể điều trị, chữa tất cả các bệnh lý khác ở trẻ em tốt hơn nếu như cần sử dụng đến kháng sinh. Từ đó, rất nhiều Bệnh viện, trung tâm y tế muốn nghe anh thuyết giảng về sử dụng kháng sinh cho toàn Bệnh viện chứ không phải chỉ khoa Nhi, do chuyên khoa nào hiện tại cũng cần đến kháng sinh.
Nhiều người vẫn hay gọi anh là « Bác sĩ không kháng sinh », theo GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thực ra không hoàn toàn như thế. Anh cho biết, khi kê đơn khám chữa bệnh vẫn sử dụng kháng sinh nhưng rất ít, chỉ trường hợp nào thực sự cần thiết mới sử dụng. Bởi đa phần đại bộ phận trẻ em hiện nay mắc bệnh đường hô hấp là do nhiều chủng loại virus, mà đã do virus thì kháng sinh hầu như không có tác dụng điều trị. Do vậy, GS.TS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ niềm mong mỏi, các bác sĩ khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân hãy luôn lưu tâm khi sử dụng kháng sinh hãy kê đơn hợp lý, đúng liều lượng, chủng loại, đúng bệnh làm sao để đạt hiệu quả cao nhất, để không làm ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe của người bệnh.