24/01/2025 lúc 07:51 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS.NGND.Vũ Anh Tuấn: Sáng trong hình ảnh một người Thầy bình dị mà cao quý

GS.TS.NGND. Vũ Anh Tuấn - nguyên Trưởng Bộ môn Văn học dân gian và trung đại Việt Nam (VHVN I) của cả hai Khoa Trường : Từ khoa Ngữ Văn, trường ĐHSP Việt Bắc đến khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Hà Nội, là một nhà khoa học tâm huyết, nhà giáo mẫu mực và đáng kính của nền giáo dục Việt Nam.

Với những đóng góp đáng trân trọng trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Văn học suốt chặng đường hơn 50 năm cống hiến cho nghề giáo cao quý, GS.TS.NGƯT Vũ Anh Tuấn vinh dự là 1 trong 21 Nhà giáo tiêu biểu của cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2024.

Dù đã nghỉ hưu, GS.TS.NGND Vũ Anh Tuấn vẫn luôn miệt mài, say mê với công việc nghiên cứu, giảng dạy

GS.TS.Nhà giáo Nhân dân Vũ Anh Tuấn sinh ngày 15/5/1950 tại thôn Nam Huân, xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Những năm 1965 – 1968, ông là học sinh trường phổ thông cấp III Kiến Xương, sau đó là Bắc Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, đủ tiêu chuẩn được xét gửi đi đào tạo ĐH ở nước ngoài nhưng số phận lại đưa đẩy ông theo học tại Khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Việt Bắc. Năm 1972, sau khi ra trường, ông được tổ chức phân bổ đi công tác tại tỉnh Sơn La. Năm học đầu tiên, ông được phân công theo chủ trương luân chuyển giáo viên vào giảng dạy vùng sâu tại trường cấp II - III huyện Sông Mã, thuộc khu vực biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Từ năm học 1973 - 1974, tổ chức lại điều chuyển ông ra công tác tại trường cấp III Tô Hiệu thị xã Sơn La, vừa giảng dạy vừa kiêm nhiệm thư ký HĐGD và làm tổ trưởng tổ KHXH. Đến ngày 5/8/1978, được Bộ Giáo dục ra quyết định chuyển vùng, ông lại trở về Trường ĐHSP Việt Bắc công tác giảng dạy tại đây.

Những năm tháng từ 1972 - 1978, GS.TS Vũ Anh Tuấn đã bắt đầu có ý tưởng thâm nhập thực tế văn hóa miền núi và dân tộc như một đối tượng nghiên cứu. Có lẽ, chính cuộc sống thanh bình, hiền hòa, tình nghĩa của người Tày Việt Bắc mà ông được tiếp xúc khi còn là sinh viên đã đem đến cho ông ý tưởng tìm hiểu và so sánh với cuộc sống đặc biệt ấn tượng về bản sắc nhưng lại có phần khép kín đầy bí ẩn và thơ mộng của người Thái Tây Bắc. Ông đã từng học tiếng Tày, nay lại học thêm tiếng Thái và đi thực tế, sưu tập ghi chép lại các tư liệu trên sách cổ Thái, sách cổ Dao cùng với những ấn tượng được trải nghiệm về cuộc sống Thái cũng như của các tộc người khác như: Mường, Dao, Mông, Khơ mú, Kháng, Xinh mun… Tiếp đó, ông tham gia vào việc thành lập Hội Văn nghệ Sơn La, cùng các đồng nghiệp khởi xướng Tập san Giáo dục Sơn La và là cây bút thường xuyên có mặt trong Văn nghệ Sơn La. Trong các ấn phẩm này, ông là một trong số các tác giả viết những bài báo khoa học đầu tiên của người Kinh công bố ở địa phương về văn học dân gian Thái và các tộc người thiểu số ở Tây Bắc, về thơ ca cách mạng ở Nhà ngục Sơn La và về văn chương viết về đề tài miền núi như Vợ chồng A Phủ, Bóng cây Kơ - nia… trong đời sống văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc. Trong không khí hứng khởi Tây Bắc cùng cả nước bước vào vận hội mới sau mùa xuân 1975, ông đã có những bài tiểu luận, tùy bút khoa học dự báo về một Nhà máy Thủy điện Tạ Bú, về một Thành phố Hoa Đào… Đến tháng 8/1976, ông đã có bài viết đầu tiên đăng trên Tạp chí Trung ương, viết về những vấn đề dạy và học ngữ văn ở miền núi.

Tại khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Việt Bắc, GS.TS Vũ Anh Tuấn đã cùng các đồng nghiệp vừa thực hiện công tác giảng dạy vừa triển khai một chương trình chiến lược nghiên cứu các vấn đề liên quan đến văn hóa dân gian miền núi phía Bắc, trong đó lấy văn học dân gian Tày - Thái làm trung tâm trên hai vùng Việt Bắc và Tây Bắc. Một kỷ niệm đáng nhớ trong những năm tháng công tác tại ĐH Sư phạm Việt Bắc, ông đã vinh dự được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đoàn đại biểu cấp cao đến dự giờ, thăm lớp và động viên thầy trò vào năm 1986. Sự kiện đặc biệt ấy có thể nói đã tạo cho ông nguồn khích lệ động viên vô cùng to lớn trên hành trình sự nghiệp sau này. GS.TS Vũ Anh Tuấn bồi hồi chia sẻ kỷ niệm: “Tôi thật sự xúc động khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hôm ấy, tôi giảng bài trên lớp học về Khảm hải, về truyện thơ Tày và về những con đường Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp hỏi lại các học trò của tôi, con đường thực đi như thế nào? Đường lối ra làm sao ? Khi đó, có những em trả lời rất tốt, nhưng cũng có những em trả lời chưa thật trôi chảy. Tôi thấy sốt ruột có ý định nhắc bài thì Đại tướng quay sang: Tôi hỏi ông à ? Cả lớp học và đoàn đại biểu cười vang.” Tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự giờ lớp học năm ấy với GS. Vũ Anh Tuấn có thể được ví như tấm ảnh quý giá nhất trong cuộc đời sự nghiệp làm thầy của ông. Ông luôn xem đó như một sự khích lệ, động viên to lớn để luôn say mê, miệt mài cống hiến từ đó về sau, suốt gần 40 năm đến nay trên con đường nghiên cứu và giảng dạy về Văn học và văn hóa dân gian.

Các Nghiên cứu sinh sau khi nhận Quyết định về việc công nhận học vị và được cấp Bằng Tiến sĩ chụp ảnh cùng GS.TS.NGND Vũ Anh Tuấn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Hà Nội.

Để rồi, tiếp nối chặng đường công tác từ ĐHSP Việt Bắc đến ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 2001 đến nay, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, GS.TS Vũ Anh Tuấn vẫn dành nhiều tâm huyết, không ngừng tham gia nghiên cứu về Văn học và Văn hóa dân gian miền núi và dân tộc. Trong khoảng 10 năm đầu ở ĐHSP Hà Nội, ông dành nhiều thời gian đi khảo sát văn hóa dân gian Chăm, Ra Glai vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận, văn hóa Khmer vùng Tây Nam Bộ và đặc biệt đi sâu vào địa hạt sử thi của các dân tộc Tây Nguyên. Những năm 2004 và 2009, hai bộ sử thi Udai UjaSa Ea của tộc người Ra Glai do ông trực tiếp khảo cứu giới thiệu và biên dịch văn học cùng các trí thức bản tộc đã được NXB Khoa học Xã hội công bố nằm trong một Dự án cấp Nhà nước. Năm 2010, trong bộ sách Tổng tập Văn hóa Dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam do Viện Nghiên cứu Văn hóa tổ chức biên soạn và xuất bản, ông chủ biên tập VI “Sử thi Ra Glai”. Năm 2014, ông còn tham gia biên soạn và làm chủ biên sách“Lời răn dạy của người xưa” được NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản dành tặng cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Ông cũng đã tham gia biên soạn, hoặc chủ biên các phần Văn hóa – Xã hội trong các cuốn địa chí Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Hòa Bình... Đặc biệt những đóng góp, cống hiến của GS.TS Vũ Anh Tuấn đã được đông đảo giới nghiên cứu, các chuyên gia ở khu vực Đông Nam Á và một số khu vực khác trên thế giới quan tâm. Có thể nói, ông chính là người đã bao quát chung được những vấn đề folklore học hiện đại của khu vực và thế giới trên nhiều bình diện.

Cùng với những công trình khoa học ý nghĩa, giá trị, GS.TS Vũ Anh Tuấn cũng luôn dành nhiều tâm sức, trí lực cho sự nghiệp giảng dạy chuyên môn. Từ những năm 1990 khi còn ở ĐH Sư phạm Việt Bắc, ông đã có nhiều lần trực tiếp làm trưởng đoàn đưa các giảng viên đến với các tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc làm nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên. Công trình sách hướng dẫn giảng dạy Văn 10 (phần Văn học dân gian) do trường ĐH Sư phạm Việt Bắc ấn hành là kết quả từ các bài báo khoa học: Một số vấn đề lý thuyết diễn xướng và vai trò của nó trong các hoạt động giảng dạy Văn học dân gian; Nhiệm vụ giảng dạy và Nghiên cứu khoa học ở khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Việt Bắc với sự nghiệp Cải cách giáo dục phổ thông miền núi… cùng nhiều tài liệu giá trị khác. Từ khi về ĐH Sư phạm Hà Nội, ngay trong năm đầu với học hàm Phó Giáo sư ông đã được giao nhiệm vụ biên soạn 5 chuyên đề đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Văn học dân gian, để từ năm 2002 khoa Ngữ Văn đã bắt đầu mở được mã ngành. Đồng thời, ông cũng được nhiều trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên, Đại học Tây Nguyên, Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện, Trường đại học khác mời thỉnh giảng và tham gia các Hội đồng Khoa học trong các hoạt động đào tạo ĐH và sau ĐH. Từ đó, hàng năm ông bắt đầu thường xuyên hướng dẫn khoa học cho học viên cao học và nghiên cứu sinh. GS.Tuấn đã triển khai nhiều ý tưởng có tính định hướng học thuật chuyên ngành trong các bài giảng chuyên đề ở các hệ ĐH và sau ĐH như: Những vấn đề chung về Văn học và văn hóa dân gian; Phương pháp sưu tầm nghiên cứu Văn học dân gian; Thi pháp thể loại Văn học dân gian…Ngoài ra, ông còn viết hoặc chủ biên nhiều sách tham khảo nhằm phục vụ mục tiêu đào tạo ĐH và sau ĐH như : Những vấn đề lý luận chung về Văn học dân gian; Quan hệ giữa folklore và văn học; Phân tích tác phẩm Văn học dân gian từ góc nhìn thể loại… Đặc biệt, ông còn là tác giả của các cuốn sách chuyên khảo được học giới đánh giá cao như Truyện thơ Tày, nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại, NXB ĐHQG Hà Nội năm 2004 và Khảo cứu hệ thống loại hình truyện kể Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam, NXB Hội Nhà văn năm 2020 ; Giảng văn Văn học dân gian Việt Nam do NXB Giáo dục xuất bản năm 1993, tái bản năm 1995; Đồng chủ biên sách Hợp tuyển công trình nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam, NXB ĐHQG Hà Nội năm 2016, Chủ biên và biên soạn sách Giáo trình văn học dân gian, NXB Giáo dục Việt Nam - sách dùng cho bậc ĐH xuất bản năm 2012, đến nay đã tái bản liên tục 3 lần vào các năm 2014, 2015, 2016 và chuẩn bị tái bản lần thứ 4 vào năm 2025. Với công tác đào tạo, sau hơn 50 năm công tác, GS.TS Vũ Anh Tuấn đã giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho nhiều thế hệ học trò. Trong số đó, đã có hàng trăm người được ông hướng dẫn trực tiếp hoặc định hướng và cung cấp ý tưởng khoa học đã bảo vệ thành công học vị thạc sĩ, hàng chục người đã bảo vệ xuất sắc học vị TS. Trong đó, có những người đã được nhận học hàm GS, PGS đang đảm nhiệm những công việc quản lý khác nhau trong các tổ chức của Đảng và Nhà nước… hoặc trực tiếp làm công tác giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các đơn vị, cơ quan trường học từ trung ương đến địa phương. Nhưng dù có đi đâu, làm gì, họ vẫn luôn nhớ, mến trọng và tri ân về người thầy đáng kính năm xưa – GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Vũ Anh Tuấn.

Đặc biệt quan tâm đến công tác mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, GS.TS.NGND. Vũ Anh Tuấn đã tham gia nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa. Năm 2004, ông tham gia chương trình vận dụng lý thuyết nhân học Mỹ như: Nhân học nghệ thuật, nhân học tri thức, nhân học văn hóa, nhân học tâm lý, nhân học sinh thái, nhân học ứng dụng...từ cuối thế kỷ XX vào việc khảo cứu văn hóa dân gian thuộc ngữ hệ Tày – Thái và một số tộc ở Tây Nguyên, báo cáo tại HTKH “Những ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa và dân tộc hóa đối với các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á”tại ĐH Chiang Mai Thái Lan từ ngày 15 - 17/11/2004. Năm 2006, ông tham gia giao lưu và báo cáo chuyên đề về Văn hóa truyền thống các thành phần dân tộc Việt Nam tại các diễn đàn của Chương trình giáo dục quốc tế Hawaii ( HIEP) - ĐH Hawai'i Manoa Hoa Kỳ với tư cách chuyên gia tham gia chương trình từ 1/ 7 / 2006 đến 31/8/2006. Năm 2011, GS. Vũ Anh Tuấn đã báo cáo chuyên đề và tham gia các HTKH, trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại của các dân tộc thiểu số Việt Nam theo lời mời của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Trường nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương thuộc ĐH Tổng hợp Hawaii Manoa Hoa Kỳ... Càng đi sâu vào đời sống văn hóa và lịch sử tộc người trong cơ cấu các thành phần dân tộc trên đất nước ta, GS. Vũ Anh Tuấn càng có những khám phá mới mẻ về bản sắc mà vẫn mang thuộc tính thống nhất trong đa dạng của truyền thống văn hóa các tộc rất ít người với tư cách một yếu tố hợp thành.Tháng 1 năm 2018, trong hai ngày 11 và 12 tại HTKHQT được tổ chức ở Rajabhat Maha Sarakham University Maha Sarakham, Thailand, GS Vũ Anh Tuấn với hai bản báo cáo tham luậnSila people’s fork song anoriginal form of language artScenario and solutions for preservinh Khmer fary tales (site: Soc Trang and An Giang province) cùng các tiến sĩ từng là NCS dưới sự hướng dẫn khoa học của GS là những minh chứng. Cũng với ý muốn lớn hướng các nghiên cứu của mình ngày càng có tính lan tỏa khu vực, cũng với hai ngày 26, 27 tháng 11 năm 2022 tại HTKHQT The 19thAsiaCALL International Conference được tổ chức trong nước tại Hanoi University of Industry (HaUI) Ha Noi Vietnam, GS cùng với một NCS khác của ông đã có một tham luận mới được đánh giá cao với nhan đề Cuture of lifelong learning : Perspectives from Folklore… Đằng sau những thành tích xuất sắc, những đóng góp lớn lao mà GS.TS Vũ Anh Tuấn đã cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, cứ sau những ngày miệt mài, say mê làm việc, ông lại trở về bên mái ấm gia đình hạnh phúc với người vợ là bà Phùng Thị Thơm, một nhà giáo dạy văn học ở một trường PTTH danh tiếng, đồng thời cũng là một người mẹ, người bà chu toàn của các con, các cháu. Và nơi đó, hậu phương vững chắc chính là điểm tựa tinh thần lớn lao cho những thành công trong sự nghiệp của GS.TS. NGND Vũ Anh Tuấn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho GS.TS. Vũ Anh Tuấn

Ghi nhận những dấu ấn đóng góp, cống hiến đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường sự nghiệp giáo dục, đào tạo, NCKH vẻ vang đã qua, GS.TS Vũ Anh Tuấn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ GD &ĐT trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như : Huy chương Vì sự nghiệp GD & ĐT năm 1996, Huy chương Vì Sự nghiệp VHNT Việt Nam năm 2003, Ba Bằng khen của Bộ trưởng GD trong các năm 1986, 1999, 2010; Hai Giải thưởng khoa học của Hội VNDG Việt Nam; 3 lần đạt danh hiệu CSTĐ cấp Bộ, Bằng khen của Thủ tướng CP. Trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015, ông đã được bình chọn là điển hình tiên tiến xuất sắc cấp trường ĐHSP Hà Nội. Năm 1996, ông được phong hàm PGS. Năm 2013, ông được HĐCDGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và được bổ nhiệm là Giáo sư trường ĐHSP Hà Nội. Năm 2014, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NGƯT. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Năm 2020, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp VNDGVN. Đặc biệt, ngày 17/11 vừa qua, GS.TS Vũ Anh Tuấn vinh dự là 1 trong 21 Nhà giáo tiêu biểu của cả nước vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt 16 đúng vào dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024 ./.

Tiến Đức