23/12/2024 lúc 17:56 (GMT+7)
Breaking News

Gỡ nút thắt giải ngân vốn ODA

Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), trong đó có nguồn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài...

Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), trong đó có nguồn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài. Cùng với đó tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án (DA), điều chuyển kế hoạch vốn giữa các DA chậm giải ngân sang DA có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn ĐTC từ nguồn vốn nước ngoài bảy tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 7,52% kế hoạch, thấp hơn đáng kể so 17,15% cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của khối địa phương rất thấp, chỉ khoảng 2%. Rất nhiều địa phương chưa giải ngân được đồng vốn ODA nào... Ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguyên nhân chủ yếu gây chậm trễ trong giải ngân các DA ĐTC sử dụng vốn ODA vẫn là từ bất cập về cơ chế, chính sách, thủ tục và vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB)… Trong đó Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên… được Bộ Tài chính xếp vào nhóm “cuối bảng” về giải ngân vốn ODA. 

Trong khi đó, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Hải Phòng cũng có tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp hơn mọi năm. Theo kế hoạch năm 2021, TP Hà Nội sẽ triển khai chín DA sử dụng vốn ODA với số vốn được giao là 8.654 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 22/7, giá trị giải ngân vốn ODA của Hà Nội chỉ đạt 13,42% kế hoạch được giao (1.161 tỷ đồng). Tương tự, tỷ lệ giải ngân ODA tại TP Hồ Chí Minh cũng chỉ hơn 10%, TP Hải Phòng là 20,36%.

Các địa phương cho rằng, một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Các khâu từ nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát đều bị ảnh hưởng. Đơn cử, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây, UBND TP Cần Thơ thừa nhận nhiều DA ODA tại địa phương hiện nay bị chậm tiến độ do không thể triển khai. Điển hình, DA Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ có quy mô 500 giường, thời gian thực hiện đã hơn 80%, nhưng khối lượng thực hiện chỉ đạt khoảng hơn 20%. Tính đến tháng 4/2021, tổng giá trị khối lượng nhà thầu đã thực hiện khoảng 14,7%, tương đương mức giải ngân 205 tỷ đồng trong tổng số 1.393 tỷ đồng của DA. Nguyên nhân chậm, theo báo cáo của TP Cần Thơ, là do một số vướng mắc liên quan liên doanh nhà thầu như không chủ động trình mẫu phê duyệt, đặt hàng và tập kết vật liệu đến công trình; một số hạng mục thuộc phạm vi thực hiện của đơn vị này vẫn chưa được thành viên triển khai thi công…

Tương tự, theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) - chủ đầu tư DA tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, việc thực hiện các đợt giãn cách kéo dài và liên tục nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh đã khiến DA phải tạm dừng thi công, làm ảnh hưởng lớn tới tiến độ chung của DA.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, không chỉ một số gói thầu của DA đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội bị ảnh hưởng, mà một số DA khác của thành phố như DA Nhà máy nước thải Yên Xá có thiết bị phải nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Vì vậy, thúc đẩy tiến độ thực hiện các DA ĐTC, DA có sử dụng nguồn vốn ODA đang là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội những tháng cuối năm.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, theo Bộ KH&ĐT, có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm trong những tháng đầu năm. Đó là một số DA đã hết thời hạn hiệp định, đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn thời gian thực hiện. Một số DA đang trình Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để lập thủ tục đàm phán ký kết thỏa thuận vay bổ sung vốn. Quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng ODA hiện hành phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình và DA ODA. Một số DA bị chậm về tiến độ thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở và quy hoạch, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa được giải quyết dứt điểm… Ngoài ra còn có một số vướng mắc liên quan chủ DA hay liên doanh nhà thầu dẫn đến chậm triển khai một số hạng mục DA.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giải ngân vốn ĐTC, trong đó có nguồn vốn nước ngoài chậm là “căn bệnh” nhiều năm qua, song năm nay càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn ODA những tháng cuối năm, Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách cho phép các chuyên gia nước ngoài liên quan các DA trong nước được nhập cảnh với các điều kiện phòng, chống dịch chặt chẽ kèm theo. Đặc biệt, Chính phủ cần thảo luận, bàn bạc với các nhà tài trợ, xem xét một số chính sách cấp vốn đặc thù để triển khai dự án, tránh nảy sinh vướng mắc liên quan quy trình và thủ tục giữa hai bên.

Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương sử dụng vốn vay ODA tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng DA, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các DA chậm giải ngân sang DA có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng DA theo tiến độ đề ra, phải thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn được giao và khẩn trương có văn bản đề xuất gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trong tháng 8/2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP.